Một bệnh nhi 11 tuổi bị đau bụng suốt 3 tháng phát hiện vẫn còn virus SARS-CoV-2 trong ruột.
Cô bé người Mỹ đã bị đau bụng dữ dội kể từ khi nhiễm Covid-19. Phát hiện này có thể cung cấp manh mối về lý do mọi người gặp phải các triệu chứng Covid-19 kéo dài sau khi đã có kết quả âm tính.
Bé gái đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi ở New York (Mỹ) đã trải qua cơn đau quằn quại. Tình trạng thuyên giảm sau khi em đi vệ sinh hoặc ăn uống.
Virus SARS-CoV-2 trong ruột là các đốm màu nâu
Tính trên thang 10, cơn đau của bệnh nhi dao động từ 5 đến 7. Thông tin về bé gái được đăng tải trên tạp chí JPGN Reports. Tuy nhiên, tác giả không cung cấp chi tiết về thời gian nhiễm bệnh, loại biến thể và trẻ đã được tiêm vắc xin Covid-19 hay chưa.
Hiện các bác sĩ vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị dứt điểm các cơn đau cho bệnh nhi. Kiểm tra thêm ghi nhận, manh tràng (đoạn đầu ruột già) của trẻ bị viêm nặng.
Khi tiến hành sinh thiết cho bệnh nhi, bác sĩ bất ngờ khi phát hiện các tế bào ruột có dấu vết của virus SARS-CoV-2. Nhưng họ không xác định được virus còn sống hay đã chết.
Điều này đồng nghĩa cơ thể có khả năng mang virus SARS-CoV-2, hoặc ít nhất là các mảnh virus, trong nhiều tháng sau khi nhiễm bệnh.
Đây chỉ là một trường hợp đơn lẻ nên các nhà khoa học chưa khẳng định liệu hiện tượng này có thể xảy ra trên diện rộng hơn.
Một giả thuyết khác, được nhà sinh học miễn dịch học Akiko Iwasaki ủng hộ, là virus đã bị loại bỏ sớm, nhưng các mảnh virus vẫn tồn tại trong cơ thể một thời gian dài.
Hệ miễn dịch có thể nhầm những “bóng ma” của virus này với virus sống và tiếp tục tạo ra phản ứng mạnh để cố gắng loại bỏ chúng, gây ra viêm và đau cục bộ.
Iwasaki cũng đưa ra quan điểm, vắc xin có khả năng dọn sạch các tàn dư của virus.
Nguồn: vietnamnet