Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng những khó khăn trong chuỗi cung ứng toàn cầu là nguyên nhân lạm phát ở Mỹ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, hàng nghìn tỉ USD đổ vào nền kinh tế cũng góp phần làm giá cả tăng cao.

Mỹ: Cứu trợ hào phóng trong dịch có gây lạm phát? - Ảnh 1.

Người dân mua sắm trong ngày Black Friday – Thứ Sáu Đen ở bang Pennsylvania ngày 26-11-2021. Giá tiêu dùng ở Mỹ đã tăng liên tục, lạm phát năm 2021 tăng cao nhất trong gần 4 thập kỷ.

“Bidenflation” – lạm phát do chính sách?

Dịch COVID-19 đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất khiến việc vận chuyển hàng hóa khó khăn, dẫn đến thiếu nguyên liệu trên toàn cầu. Các yếu tố này kết hợp với nhau khiến giá cả hàng hóa, tiêu dùng tăng cao.

Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, giá tiêu dùng đã tăng 7% năm ngoái, mức cao nhất trong gần 40 năm.

Theo Hãng tin AFP, trong cuộc họp báo ngày 19-1, Tổng thống Mỹ Biden cho rằng “lạm phát liên quan đến chuỗi cung ứng”.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế và Đảng Cộng hòa cho rằng các gói kích thích liên bang và chi tiêu cũng là nguyên nhân dẫn đến lạm phát, và gọi đây là “Bidenflation” – lạm phát do chính sách kinh tế của Tổng thống Biden.

Stephanie Bice, một nhà lập pháp Đảng Cộng hòa từ Oklahoma, cho rằng “Năm 2021, chính lượng USD bơm vào nền kinh tế đã làm tăng giá”.

Sau khi nhậm chức, ông Biden đã thúc đẩy gói cứu trợ người Mỹ trị giá 1.900 tỉ USD, gói cứu trợ đại dịch thứ ba, bất chấp sự phản đối của Đảng Cộng hòa.

Theo AFP, một số nhà kinh tế cho rằng gói này đáng lẽ nên gọn gàng và có mục tiêu hơn.

Jason Furman, giáo sư kinh tế học của Đại học Harvard, từng là cố vấn của cựu tổng thống Barack Obama, nói: “Quan điểm của tôi là dự luật kích thích kinh tế năm ngoái là cần thiết nhưng nên nhỏ gọn. Nhìn lại, nó nên chỉ là 1.000 tỉ USD”.

Một nhà kinh tế Dân chủ khác, cựu bộ trưởng tài chính Mỹ Larry Summers, từ lâu đã cảnh báo rằng các gói kích thích, dù “đầy tham vọng đáng ngưỡng mộ”, có thể “gây ra áp lực lạm phát chưa từng thấy trong một thế hệ”.

Ngày 20-1, Bộ trưởng Tài chính đương nhiệm, bà Janet Yellen, cho biết bà hy vọng áp lực giá sẽ giảm và lạm phát sẽ xuống mức gần 2% vào cuối năm 2022, khi các vấn đề về cung ứng được giải quyết và Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất cho vay.

Bà lưu ý Cục Dự trữ liên bang có vai trò quan trọng và cơ quan này “cần điều chỉnh lại chính sách tiền tệ để tạo điều kiện thuận lợi cho những thay đổi về lạm phát”.

Lạm phát không riêng ở Mỹ 

Làn sóng lạm phát cũng xảy ra với các nền kinh tế lớn khác nhưng ​​mức tăng giá khiêm tốn hơn.

Khu vực đồng euro cũng chứng kiến ​​lạm phát kỷ lục với mức tăng là 5%. Anh có mức lạm phát cao nhất trong 30 năm là 5,4%.

Mỹ: Cứu trợ hào phóng trong dịch có gây lạm phát? - Ảnh 2.

Một siêu thị ở London, Vương quốc Anh ngày 11-1 

Dù giá dầu tăng và các vấn đề về chuỗi cung ứng là những nguyên nhân phổ biến gây lạm phát khắp nơi, song Mỹ là quốc gia đã cấp nhiều tiền hơn cho các hộ gia đình.

Theo giáo sư Furman, điều đó giúp tăng trưởng GDP ở Mỹ nhanh hơn và cũng làm lạm phát tăng nhanh hơn.

So sánh giữa lạm phát ở Mỹ và châu Âu, ta thấy, ở một mức độ khá lớn, lạm phát ở Mỹ là hậu quả trực tiếp của việc hỗ trợ thu nhập, kết hợp với ảnh hưởng của chuỗi cung ứng, trong khi lạm phát ở khu vực đồng euro là do giá năng lượng.

Trong khi các chính phủ châu Âu tìm cách duy trì công việc của người lao động trong thời gian đóng cửa do đại dịch, Mỹ tài trợ hào phóng cho những người thất nghiệp.

Từ tháng 3-2020 đến tháng 3-2021, khoảng 5.000 tỉ USD – lớn hơn cả nền kinh tế Đức – đã được trả cho các doanh nghiệp và hộ gia đình nhỏ ở Mỹ, thông qua các khoản thanh toán trực tiếp, trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ nuôi con… ở Mỹ.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Kích thích kinh tếkinh tế mỹlạm phátLạm phát ở Mỹ

Các tin liên quan đến bài viết