Cây mía chỉ hơn cây bắp ở miền núi phía Bắc, còn lại thua kém toàn diện so với các cây trồng khác trong cả nước. Giá thành sản xuất đường của Việt Nam cao hơn so với Thái Lan và Philippines, tương đương với Indonesia và chỉ thấp hơn Trung Quốc.

Toàn bộ đường dùng trong nước có nguy cơ đều là nhập khẩu - Ảnh 1.

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo “Hướng tới phát triển bền vững ngành mía đường Việt Nam” ngày 21-1, do Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) và Tổ chức Forest Trends tổ chức.

TS Nguyễn Vinh Quang, đại diện tổ chức Forest Trends, báo cáo nghiên cứu Chuỗi cung ứng ngành mía đường – Thực trạng và một số khía cạnh phát triển bền vững cho thấy xét chung cả nước thì cây mía chỉ có khả năng cạnh tranh tốt hơn so với cây ngô (bắp) ở miền núi phía Bắc, còn lại đều thấp hơn các cây trồng cạnh tranh khác ở tất cả các vùng trồng về hiệu quả kinh tế.

Xét về nhu cầu vốn đầu tư sản xuất cho 1 ha/năm, cây mía chỉ có lợi thế hơn cây lúa 3 vụ vùng Tây Nam Bộ, còn lại đều kém hơn các cây trồng cạnh tranh khác. Xét về mức mức độ dễ/khó trong trồng, chăm sóc, thu hoạch và mức độ “kén đất”, cây mía có lợi thế hơn so với cây cao su và cây lúa, tương đương với cây ngô, cây sắn, nhưng kém hơn so với cây keo lai. Xét về yêu cầu bảo quản sau thu hoạch, cây mía chỉ có lợi thế hơn cây cao su, còn lại đều kém hơn các cây trồng cạnh tranh khác.

Những điều trên đặt ra câu hỏi liệu cây mía nói riêng và ngành mía đường của Việt Nam nói chung có thể tồn tại được trong tương lai?

Theo số liệu điều tra về tổng chi phí sản xuất mía đường do LMC (2019) thực hiện tại 22 khu vực thuộc 8 quốc gia trồng mía trên thế giới từ vụ 2000/2001 đến vụ 2018/2019, Việt Nam có mức chi phí sản xuất 1 tấn đường cao hơn Philippines và Thái Lan, nhưng thấp hơn so với Indonesia và Trung Quốc.

Cụ thể, trong giai đoạn 2014/2015 – 2018/2019 (2 vụ), tổng chi phí sản xuất 1 tấn đường trắng ở Việt Nam cao hơn Philippines từ 43,3 – 105,6 USD, cao hơn Thái Lan từ 116,4 – 241,6 USD; nhưng thấp hơn Indonesia trung bình từ 17,8 – 121,4 USD và thấp hơn rất nhiều so với Trung Quốc từ 331,8 – 511,7 USD.

Trong khu vực ASEAN và Trung Quốc, ngành mía đường Việt Nam có trình độ thấp hơn Thái Lan, gần bằng Philippines và Indonesia ở khu vực tư nhân, và cao hơn Trung Quốc.

Như vậy, khả năng phát triển của ngành mía đường của Việt Nam trong tương lai là rất thách thức từ bên ngoài lẫn trong nước, khi nhiều cây trồng đang cần đất để phát triển phục vụ cho xuất khẩu.

“Không tạo được lợi thế cạnh tranh trong tương lai có thể làm cho ngành sản xuất mía đường của Việt Nam khó tồn tại. Việt Nam sẽ giống như Malaysia và Đài Loan, phụ thuộc hoàn toàn vào đường nhập khẩu”, TS Nguyễn Vinh Quang nhận định.

Năng lực sản xuất mía đường ở Việt Nam vẫn cần cải thiện hơn nữa ở tất cả các khâu từ đồng ruộng đến nhà máy, đặc biệt là khâu chế biến đường và khâu quản lý sản xuất mía đường, để tiết giảm chi phí, hạ giá thành.

Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia nghiên cứu của tổ chức Forest Trends, cho biết ngành mía đường Việt Nam hiện đang giảm mạnh về quy mô. Diện tích trồng mía giảm từ hơn 274.000ha trong vụ 2016-2017 xuống còn gần 151.000ha hiện nay.

Trong giai đoạn này, số nông hộ tham gia trồng mía giảm từ 219.500 hộ xuống 126.000 hộ; số nhà máy giảm từ 38 xuống còn 29; sản lượng đường giảm từ 1,24 triệu tấn xuống còn 770.000 tấn.

Để bù đắp thiếu hụt nhu cầu trong nước, Việt Nam phải nhập khẩu đường ngày càng nhiều hơn. Trong giai đoạn 2017 – 2020, bình quân mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu 1,2 – 1,8 triệu tấn đường.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : đườngForest Trendsmía đườngNhập khẩu đường

Các tin liên quan đến bài viết