Đánh vào sự cả tin, non nớt của các sinh viên, nhiều kẻ xấu đã thực hiện hành vi lừa đảo qua những hình thức rất tinh vi.

Mới đây, chị T.H (Hà Nội) vừa chia sẻ câu chuyện về người cháu của mình hiện là sinh viên đã bị lừa mất 243 triệu đồng sau khi lên mạng kiếm việc làm thêm.

Cụ thể, sau hồi tìm kiếm công việc làm thêm trên mạng, nữ sinh này đã liên hệ đến tài khoản zalo của một người lạ – giới thiệu là nhân viên hỗ trợ tuyển người làm.

Mới đầu để tạo niềm tin và tỏ ra làm việc chuyên nghiệp, đối phương cũng hỏi về độ tuổi cũng như công việc hiện tại với lý do để thuận tiện tư vấn công việc phù hợp.

Đầu mối cung cấp việc làm thêm này đã giới thiệu nữ sinh này đến một trang gọi là đánh giá sản phẩm trên một trang thương mại điện tử theo kiểu “mua hàng ảo, đánh giá thật, chuyển khoản thật”.

Cú lừa sát Tết khiến nữ sinh Hà Nội mất gần 250 triệu đồng

Người này giới thiệu nhiệm vụ đơn giản, phù hợp với mọi lứa tuổi, từ sinh viên đến người lớn tuổi đều có thể tham gia với điều kiện chỉ cần có thẻ ATM có đăng ký internet banking hoặc ví Momo, Zalopay,…

Ngoài ra, còn đưa ra lý do thuyết phục khá hợp lý rằng đây là hình thức chạy quảng cáo giúp các nhà bán hàng, muốn tăng lượt bán, tăng lượt tiếp cận và doanh số bán hàng để lọt shop được yêu thích, lên top sản phẩm bán chạy…

“Họ thuê bạn là người mua hàng để làm nhiệm vụ. Mỗi lượt đặt hàng thành công, bạn sẽ được trả hoa hồng là 10% giá trị đơn hàng”.

Người này lý giải, ví dụ đơn hàng bạn đang làm nhiệm vụ là 500.000 thì hoa hồng được nhận là 50.000 đồng. Như vậy, thực chất cộng tác viên sẽ được hướng dẫn chuyển khoản để thanh toán đơn hàng (nhưng không mua hàng) theo giá trị đơn hàng là 500.000 đồng và được hứa hẹn là shop sẽ hoàn trả cho là 550.000 (gồm 500.000 đồng tiền gốc + 50.000 đồng là tiền hoa hồng) đồng sau khi thực hiện thành công.

Và nếu làm nhiệm vụ tốt, hệ thống sẽ nâng mức hoa hồng lên từ 15-20%. Mỗi ngày có thể làm tối đa 5 nhiệm vụ.

Cú lừa sát Tết khiến nữ sinh Hà Nội mất gần 250 triệu đồng

Với cách thức này, cứ thế, kẻ xấu đã lần lượt lừa được nữ sinh chuyển thanh toán các đơn hàng 500.000 đồng đến vài triệu, vài chục triệu, thậm chí cao điểm có đơn hàng gần 100 triệu đồng.

Thậm chí, người này còn chuẩn bị sẵn một ảnh chụp chứng minh thư nhân dân (khả năng là giả) để “con mồi” thêm vững tâm tiếp tục thực hiện các giao dịch.

Sự việc chỉ kết thúc khi tiền tài khoản “cạn kiệt” và nữ sinh này không còn biết tìm ai để vay nợ.

“Vậy là cháu u mê vay cô tiền và nói dối là người nhà cấp cứu, gia đình ở quê chưa lo kịp. Cô cũng tin cháu và thành tiếp tay cho sự mù quáng”, chị T.H chia sẻ.

Cái kết là chỉ trong phút chốc, số tiền 243 triệu đồng đã ra đi. Đến lúc này, nữ sinh liên hệ để đòi vốn và hoa hồng thì nhận cái kết đắng.

Nhiều sinh viên bị lừa

TS Vũ Trọng Nghĩa, Trưởng phòng Truyền thông của Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho hay, đây là một sự việc đáng tiếc và là bài học về sự cảnh giác cho mọi sinh viên.

Theo ông Nghĩa, không chỉ sự việc này, ông cũng thường xuyên tiếp nhận những phản ánh tương tự của sinh viên về việc bị các đối tượng xấu lừa đảo.

“Thực ra sinh viên là một trong những đối tượng mà những kẻ lừa đảo chú ý nhiều nhất, đặc biệt là những tân sinh viên vừa nhập học, từ vùng quê ra thành thị. Bởi các sinh viên muốn được trải nghiệm, tham gia vào các hoạt động kinh doanh để tăng quan hệ, kinh nghiệm, muốn kiếm tiền để trang trải sinh hoạt. Ngay cả những sinh viên năm cuối cũng có thể trở thành “miếng mồi ngon” cho đối tượng lừa đảo bởi khát khao muốn đi làm. Trong khi các em lại chính là những người thiếu kinh nghiệm, trải nghiệm nên rất dễ sa bẫy”, ông Nghĩa nói.

Để tránh trở thành “miếng mồi ngon” của các kẻ lừa đảo, theo ông Nghĩa, các bạn sinh viên cũng cần thường xuyên cập nhật, nắm bắt thông tin thời sự, báo chí cảnh báo về các hiện tượng đã xảy ra.

“Đặc biệt trong bối cảnh thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin, các em cần biết chắt lọc, phân tích, tỉnh táo trước các luồng thông tin. Thậm chí, nếu cần thiết cũng có thể tham vấn các giảng viên cố vấn học tập, thầy cô trong trường, bạn bè hoặc các phòng, ban tư vấn học đường trước khi đưa ra quyết định. Đặc biệt, các em cần nhớ rằng không có công việc gì dễ dàng, khỏe thân mà lại kiếm ra tiền nhanh. Những công việc với lời quảng cáo càng hấp dẫn thì khả năng lừa đảo cũng tỷ lệ thuận và cần xem xét kỹ lưỡng”, ông Nghĩa chia sẻ.

Ngoài ra, ông Nghĩa cũng khuyến cáo các sinh viên cần bảo mật, tránh để lộ thông tin cá nhân như số chứng minh thư/căn cước công dân, mật khẩu, mã sinh viên, số thẻ ngân hàng,…

“Mật khẩu của những tài khoản liên quan đến cá nhân cũng cần được thay đổi định kỳ sau khoảng 3-4 tháng và cũng không nên để những ký tự đơn giản mà kẻ xấu có thể dễ suy đoán như ngày sinh nhật,… Các em cũng cần lưu ý không nên kích bừa vào những đường link nhìn lạ, không rõ nguồn gốc, bởi có thể tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo”, ông Nghĩa nói.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, các đối tượng xấu thường dụ dỗ sinh viên với nhiều hình thức khác nhau như bán hàng đa cấp, tổ chức hội thảo đào tạo kĩ năng, việc nhẹ lương cao, nhân viên tìm kiếm khách vay tiền…

“Các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi hơn, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của các bạn trẻ, thậm chí chúng đã tạo được thành vòng tròn sinh viên “dụ dỗ, lừa đảo” chính sinh viên. Hiện nay, với sự phát triển của internet, công nghệ cao, các hình thức lừa đảo ngày càng đa dạng, tinh vi hơn. Chúng tham gia vào các nhóm hội của sinh viên qua zalo, facebook, các trang rao vặt… Không ít bạn đã rơi vào các “bẫy” này khi đi xin việc”, ông Bình nói.

Ông Bình cho rằng, để có thể tránh được những cạm bẫy này, sinh viên cần phải hết sức tỉnh táo và xác định rõ những điều sau:

– Việc học tập là quan trọng nhất, không nên quá xa đà vào vấn đề làm thêm.

– Không cung cấp bất cứ thông tin gì của cá nhân cho những người lạ mặt, không tin tưởng.

– Cần tìm hiểu rõ tất cả các thông tin của đối tượng mình muốn gửi hồ sơ hay liên hệ qua các địa chỉ uy tín, các số điện thoại tin cậy để có thể tư vấn chính xác.

Bên cạnh đó, theo ông Bình, các nhà trường, các tổ chức, đoàn thể cũng cần vào cuộc theo sát các thông tin để có những cảnh báo hoặc tư vấn những địa chỉ việc làm uy tín cho sinh viên. Cùng đó, cơ quan công an, chính quyền các cấp cần xử lý nghiêm minh đối với các đối tượng lừa đảo, giúp cho sinh viên có những bài học thực tế.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : lừa đảosinh viên

Các tin liên quan đến bài viết