Đó là một trong những nội dung sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét về công tác xây dựng pháp luật trong chương trình phiên họp thứ 7 dự kiến diễn ra trong hai ngày 18 và 19-1-2022.
Theo đó, trong chương trình phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ đề xuất nội dung này, trước đó năm 2018, tại dự án Luật thi hành án hình sự (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội đã bổ sung quy định cho phép tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân, trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam.
Thời điểm đó, nhiều ý kiến trong Ủy ban Tư pháp không tán thành quy định nói trên vì cho rằng cần bảo đảm mục đích chính của công tác tổ chức lao động cho phạm nhân là nhằm giáo dục cải tạo phạm nhân, đồng thời phải đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình quản lý giam giữ và tổ chức lao động.
Tại các phiên thảo luận của Quốc hội sau đó, một số đại biểu khuyến nghị cần hết sức cân nhắc, xem xét tất cả các yếu tố và đặc biệt là không đưa vào áp dụng đại trà. Một số ý kiến lo ngại quy định nếu được thực thi sẽ không phù hợp với mục đích của hình phạt tù, tiềm ẩn nhiều rủi ro như nguy cơ phạm nhân trốn trại, không đảm bảo an ninh, an toàn…
Với nhiều ý kiến khác nhau, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo luật nhưng với riêng nội dung này được lấy ý kiến riêng. Kết quả, với đa số đại biểu Quốc hội không đồng tình nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa đưa nội dung này trong dự thảo luật trình Quốc hội thông qua.
Mới đây nhất, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Công an đã công bố dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam để lấy ý kiến đóng góp.
Theo dự thảo, phạm nhân đưa ra các khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam phải bảo đảm các điều kiện: có nơi cư trú rõ ràng; từ ngày đến trại giam có tư tưởng ổn định, yên tâm chấp hành án; có mức án trên 15 năm, chung thân phải thuộc trường hợp phạm tội lần đầu, đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù còn dưới 5 năm.
Tuy nhiên, đối với số phạm nhân có tiền sử nghiện ma túy phải xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, chỉ lựa chọn số phạm nhân không còn biểu hiện lệ thuộc về ma túy.
Theo dự thảo, phạm nhân lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam được đảm bảo quyền lợi, thực hiện nghĩa vụ và hưởng chế độ, chính sách như phạm nhân trong trại giam theo quy định của Luật thi hành án hình sự và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành.
Cũng trong chương trình phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi); xem xét, quyết định việc thực hiện trang phục xét xử của Hội thẩm nhân dân.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến việc bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài từ số vốn chưa phân bổ và điều chỉnh, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho danh mục dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương…
Nguồn: tuoitre.vn