Sau đợt dịch một lượng lao động lớn đã về quê khiến nhiều doanh nghiệp (DN) rơi vào cảnh thiếu lao động. Việc “giữ chân” người lao động để họ ở lại dịp Tết hoặc quay trở lại sau Tết đang là việc quan trọng với nhiều doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp (DN) phải tính đủ cách, kể cả đi vay để chi tiền thưởng cho công nhân.
Vay tiền thưởng Tết để “giữ chân” lao động
“Do ảnh hưởng dịch bệnh, ban đầu chúng tôi tính thưởng Tết 80% lương tháng 13. Nhưng gần về sau nhận thấy việc tuyển dụng rất khó khăn nên cũng phải tính toán để thưởng Tết ngang bằng mọi năm. Sau dịch, DN đang thiếu hụt khoảng 20% lao động nhưng không thể nào tuyển được. Sau Tết có thể thiếu hụt thêm 20% nữa. Đánh đổi giữa cái mất của 100% thưởng Tết với cái mất 40% công suất sản xuất thì chọn cái nào?”, ông Trần Việt Anh, phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, nêu thực tế.
Theo ông Việt Anh, những DN hiện nay đã quay trở lại sản xuất và có đơn hàng đạt khoảng 70% trở lên đều sẽ cố gắng thưởng Tết để ra Tết có người làm. Nhiều DN chưa bao giờ nghĩ đi vay để thưởng Tết vì thưởng là từ lợi nhuận kinh doanh của DN, lấy lời để thưởng. Nhưng năm nay nếu DN xác định ra Tết tiếp tục sản xuất thì chấp nhận đi vay để thưởng Tết chứ không thể tính toán được.
Tuy nhiên thưởng Tết thường phải chuẩn bị trước nên nếu lấy chính dòng tiền của DN để thưởng Tết có thể sẽ không kịp. Do đó DN sẽ phải đi vay. Nhưng hiện nay ngân hàng không có chính sách cho vay thưởng Tết nên nhiều DN vay với hình thức vay mua nguyên liệu để trả thưởng Tết.
“Theo tôi, nên có chính sách về cho vay để thưởng Tết tại thời điểm dịch bệnh, có ý kiến của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ DN vay tiền thưởng Tết trên cơ sở đánh giá DN. Có thể cho vay với các DN có hoạt động tốt, không nợ xấu…”, ông Việt Anh đặt vấn đề.
Đồng thời theo ông, trong giai đoạn khó khăn như hiện nay các DN cũng xác định thứ tự ưu tiên để thưởng Tết.
“Đối với các DN sản xuất, sẽ ưu tiên cho nhóm trực tiếp sản xuất, sau đó là nhóm hỗ trợ sản xuất, nhóm kho bãi, vận chuyển, tiếp đó là nhóm bán hàng. Nhóm quản lý lương 40 – 50 triệu đồng sẽ phải chịu mức thưởng thấp hơn. Riêng công nhân khối sản xuất, các DN sẽ phải cố gắng để thưởng Tết 100%.
Ra Tết có thể thiếu giám đốc hành chính, nhân sự, mua hàng, hành chính nhưng không thể thiếu nhà máy, công nhân, người làm kho. Có những công ty dùng số lao động quá lớn, lên tới hàng chục ngàn lao động thì việc bảo đảm mức thưởng Tết như mọi năm sẽ rất khó khăn”, ông Việt Anh chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thùy Vân – chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Long Rich (TP.HCM) – cho biết công ty này đã “hao hụt” khoảng 500 lao động trong đợt dịch vừa qua nên việc “bảo toàn” số lao động hiện tại quay trở lại làm việc sau Tết càng cần thiết hơn.
“Mọi năm số lượng công nhân về quê ăn Tết và không quay lại làm việc cũng có nhưng không nhiều và công ty vẫn có thể xoay xở tuyển mới. Nhưng năm nay tình hình rất khó đoán. Nhiều công nhân về quê tránh dịch đến nay vẫn chưa quay trở lại”, bà Vân nhận định.
Do đó, để “giữ chân” số lao động hiện tại, năm nay ban lãnh đạo công ty vẫn quyết định duy trì mức thưởng Tết gần tương đương với năm ngoái dù đã gặp rất nhiều khó khăn trong 3 tháng dịch bệnh.
Chấp nhận để công nhân nghỉ Tết lâu hơn
Ông Nguyễn Đặng Hiến – tổng giám đốc Công ty Bidrico – nhận định việc đảm bảo lao động sau Tết là vấn đề hóc búa của không ít DN hiện nay. Mọi năm công nhân trở lại nhà xưởng vốn đã có “độ trễ” và năm nay sẽ có nhiều công nhân ở lại quê ăn Tết lâu hơn so với mọi năm.
Vừa qua nhiều công nhân của DN này xin về quê sớm để quay trở lại làm việc trong Tết, song phải ở lại quê cách ly lâu hơn dự kiến do gia đình ở quê có người F0. Ngoài ra, việc công nhân mắc COVID-19 khi về quê cũng là vấn đề lo ngại đối với DN.
Tuy vậy, ông Hiến cho hay DN này đã khảo sát các công nhân, tỉ lệ về quê và quay trở lại nhà máy vẫn đảm bảo, nhà máy sẽ tái hoạt động từ mùng 4 Tết. Theo ông Hiến, để “giữ chân” người lao động, công ty tiếp tục đảm bảo các mức lương, thưởng và tiền thâm niên cho người lao động. Trong đó, những công nhân có thâm niên sẽ có mức thưởng trên 20 triệu đồng.
Ngoài ra, để hỗ trợ người lao động, DN này cho công nhân đã gắn bó với công ty được ứng trước tiền để tiêu Tết với các mức từ 5 – 10 triệu đồng. “Nếu DN chăm sóc công nhân tốt, chế độ đãi ngộ đầy đủ thì họ sẽ gắn bó với DN, sớm quay trở lại sản xuất”, ông Hiến nói.
Tương tự, ông Lê Mai Hữu Lâm – giám đốc Công ty Cát Vạn Lợi (KCN Cơ khí ôtô Củ Chi, huyện Củ Chi) – cho biết năm vừa rồi DN mất 3 tháng sản xuất cầm chừng nên doanh thu không bằng mọi năm, song để giữ công nhân, DN vẫn chi trả lương thưởng, phúc lợi như năm ngoái.
“Chúng tôi đã thăm dò toàn bộ công nhân, ai nghỉ Tết thêm sẽ được bố trí nghỉ phép, hiện chúng tôi đã sắp xếp nhân sự ổn định cho sản xuất đầu năm. Đồng thời, chúng tôi cũng đã ký kết với trường dạy nghề đào tạo thêm chuyên môn cho công nhân và vẫn chi trả tiền học nghề cho người lao động”, ông Lâm cho hay.
Ông Phạm Văn Việt – tổng giám đốc Việt Thắng Jean, phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM – cho hay ngành dệt may là ngành có lượng lao động lớn của TP.HCM, do đó việc lao động sớm quay trở lại sản xuất sẽ giúp ngành này sớm bắt nhịp sau dịch. Theo ông Việt, khảo sát của các DN trong ngành cho thấy tỉ lệ công nhân không quay trở lại sau Tết hiện ở mức 5%, trong khi đó mọi năm thiếu hụt khoảng 10% lao động, do đó đây là mức an tâm với các DN.
Riêng các công nhân của Công ty Việt Thắng Jean đã đăng ký đi làm lại sau Tết, hiện mức đăng ký đạt 98%. Theo ông Việt, các phúc lợi Tết vẫn giữ nguyên, lương tháng mới công ty chỉ phát 50%, do đó công nhân vẫn trở lại đúng tiến độ để đảm bảo các quyền lợi và được hưởng lương tháng mới. Ông Việt cho hay các DN ngành dệt may sẽ tái sản xuất vào khoảng mùng 7 đến mùng 10.
Thưởng cho công nhân quay lại đúng ngày
Với ngành gỗ, phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM Nguyễn Chánh Phương cho hay hiện hội cũng đang khảo sát các DN về tỉ lệ lao động trở lại sau Tết, dù dự đoán có khả năng công nhân ở lại ăn Tết lâu hơn mọi năm, nhưng số công nhân về quê không nhiều như mọi năm.
Tuy vậy, để thu hút công nhân trở lại làm việc đúng ngày, các DN xuất khẩu thường tổ chức xe đưa đón và đặc biệt là áp dụng mức thưởng đối với các công nhân trở lại làm việc đúng ngày như DN đề ra, góp phần giúp DN sớm ổn định sản xuất.
Tăng lương làm ngày Tết để… giữ người
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một DN FDI tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) lại có cách làm khác. DN này đang lo công nhân sẽ nghỉ Tết dài ngày, dẫn đến các dây chuyền sản xuất khó có thể đủ nhân sự để vận hành. DN đã áp dụng “3 tại chỗ” trong 3 tháng, nhiều công nhân gần cả năm chưa được về quê nên khả năng công nhân có tâm lý “xả hơi”, ở lại ăn Tết với gia đình dài ngày hơn mọi năm. Để ổn định lao động sau Tết, DN này dự kiến sẽ sản xuất xuyên Tết, áp dụng mức lương lễ Tết với mỗi ngày công bằng 300% so với ngày thường.
Ngoài ra, DN cũng dự phòng trường hợp nhiều công nhân đi tàu xe về nhiều địa phương, có thể mắc COVID-19. “Giờ lo nhất của DN chúng tôi là khó có đủ nhân sự để sản xuất ngay sau Tết. Do đó ngoài đảm bảo lương thưởng để công nhân quay trở lại sớm, sẽ trả lương sản xuất trong dịp Tết cao để giữ một phần công nhân ở lại TP”, vị này cho hay.
Nhiều công nhân muốn trở lại TP.HCM
Các công ty trong Khu công nghiệp Tân Bình (TP.HCM) dán thông báo tuyển dụng lao động (ảnh chụp chiều 16-1)
Theo khảo sát, nhiều công nhân cũng muốn quay lại sau đợt nghỉ tránh dịch. Như chị Nguyễn Thị Hương (quê Hà Tĩnh, công nhân may) cho biết hai vợ chồng chị và con nhỏ đã đi xe máy về quê vào khoảng giữa tháng 10-2021 khi TP.HCM mở cửa trở lại.
“Lúc đó chờ hơn một tuần không thấy công ty thông báo đi làm, mấy tháng dịch nghỉ làm cũng đã cạn kiệt tiền bạc nên quyết định về quê trước rồi tính sau”, chị Hương chia sẻ. Nói về dự định quay trở lại, chị cho biết ở quê cũng có nhà xưởng nhưng lương thấp và cũng sẽ phải ở trọ đi làm vì nhà máy không gần nhà. “Thời tiết ở TP.HCM so với ở quê cũng tốt hơn rất nhiều. Chúng tôi muốn vào đó sinh sống”, chị nói.
Sau Tết chị sẽ quay lại công ty cũ nhưng chồng chị sẽ tìm việc ở công ty mới vì nhiều lý do khác nhau. Trước đó chị đã làm ở công ty đang làm trước dịch 4 năm. Mấy tháng dịch bệnh công ty đều trả lương 4 triệu đồng/tháng dù phải nghỉ dịch ở nhà. “Khi nhà máy mở lại, công ty gọi vào làm và tôi cũng tính quay lại rồi. Nhưng lúc đó việc đi lại khó khăn, con còn nhỏ vào đây không có người trông nên nhân sự công ty có gợi ý tôi ở nhà chờ ăn Tết xong rồi quay lại luôn, họ sẽ làm thủ tục để tôi tạm hoãn hợp đồng, sau Tết chỉ việc quay lại làm với mức lương giữ nguyên. Nhưng công ty chồng tôi thì họ thông báo cho nghỉ luôn. Nên nếu quay lại, chồng tôi sẽ tìm việc mới”, chị chia sẻ.
Bình Dương, Đồng Nai tính biện pháp lâu dài
Đại diện một doanh nghiệp (DN) có dự án xây dựng tại TP Thủ Dầu Một, Bình Dương cho biết từ khi nới lỏng biện pháp giãn cách, DN này chỉ hồi phục được công suất khoảng 40% so với trước do thiếu lao động.
Một công ty sản xuất trong lĩnh vực giày da, túi xách quy mô lớn tại TP Thuận An cũng cho biết những ngày gần Tết công ty đứng trước áp lực lớn thiếu lao động do nhiều công nhân về quê. Để “giữ chân” người lao động, DN này bên cạnh việc chi trả lương theo đúng quy định, còn cho công nhân ứng trước 50% lương để trang trải dịp Tết…
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, dự kiến năm nay có khoảng 500.000 người ở lại đón Tết. Các DN sử dụng nhiều lao động tiếp tục duy trì xe đưa rước công nhân về quê và trở lại làm việc. Qua thống kê sơ bộ trên 2.000 DN đã báo cáo, mức thưởng Tết bình quân là gần 8 triệu đồng/người. Tuy nhiên, do năm nay ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhiều DN chưa báo cáo cơ quan chức năng về mức thưởng Tết.
Về giải pháp lâu dài để “giữ chân” người lao động, ông Võ Văn Minh – chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương – cho biết bên cạnh việc khuyến khích
các chính sách chăm lo của DN, cơ quan chức năng của tỉnh có các chính sách “dài hơi” như tiếp tục xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cho người lao động; cơ quan chức năng Bình Dương về các tỉnh miền Tây, miền Trung để phối hợp vận động, mời gọi người lao động trở lại làm việc…
Lãnh đạo Tỉnh ủy và các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương thăm hỏi, chúc Tết chị Dương Sơn Ngọc Hải (Công ty TTI, TP Thủ Dầu Một) có chồng mất vì COVID-19
Còn tại Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Như Ý – chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh – cho biết không chỉ dịp Tết mà từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay các cấp công đoàn tại Đồng Nai vẫn chăm lo, hỗ trợ người lao động.
Năm nay sẽ bỏ các phong trào văn nghệ, thể thao mà chuyển qua các hoạt động chăm lo thiết thực, hỗ trợ đời sống vật chất tinh thần cho người lao động, bà Như Ý nhấn mạnh sẽ đặc biệt quan tâm những lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thiên tai, bão lũ… Liên đoàn Lao động tỉnh cũng thống kê số công nhân ở lại, nhất là các trường hợp khó khăn để có hướng quan tâm, hỗ trợ kịp thời.
Ông Nguyễn Nhật Trường, chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty TNHH Pousung Việt Nam – một trong những DN “giữ chân” người lao động tốt ở Đồng Nai, cho rằng quan trọng là DN có chính sách lương thưởng tốt thì sẽ “giữ chân” được lao động.
Theo ông Trường, các chính sách như tặng vé tàu xe về quê đón Tết chỉ là phương án ngắn hạn. Bởi công nhân thấy DN khác có lương thưởng cao hơn họ có thể “nhảy việc” ngay. Do đó, phải làm đồng bộ toàn thể công nhân chứ không chỉ những người về quê đón Tết.
Như tại Công ty Pousung trong những năm qua vẫn duy trì tiền lương 17 bậc, tăng định kỳ hằng năm, chi hơn 8 tỉ đồng tặng quà cho 25.000 lao động dịp Tết. Ngoài ra, công ty còn thưởng tiền năng suất căn cứ vào sản lượng đạt được nên công nhân rất vui do thu nhập tăng cao. “Công ty phải dám đột phá”, ông Trường nói.
Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến một số tỉnh công nghiệp như Bình Dương “khát” lao động phổ thông, đặt ra bài toán phải có những biện pháp lâu dài để “giữ chân” người lao động.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, dịp Tết năm nay, đơn vị dành 260 tỉ đồng chăm lo cho người lao động. Trong đó, chi 240 tỉ đồng hỗ trợ 800.000 lao động (mỗi người nhận 300.000 đồng tiền mặt) và chi 20 tỉ đồng mua 100.000 phần quà tặng cho người lao động. Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai cũng trích ngân sách 20 tỉ đồng (tăng 18 tỉ đồng so với năm ngoái) cùng với các tổ chức công đoàn giúp đỡ người lao động ở lại đón Tết.
Nguồn: tuoitre.vn