Những năm qua, hội viên cựu chiến binh (CCB) huyện Bù Đăng luôn phát huy phẩm chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong lao động sản xuất – kinh doanh phát triển kinh tế gia đình, đặc biệt là các mô hình kinh doanh khép kín với các mặt hàng thiết yếu. Đây là hướng đi hiệu quả đang được nhiều thành viên Câu lạc bộ “CCB sản xuất – kinh doanh giỏi” huyện nhân rộng.
Ông Huỳnh Hữu Nghĩa (54 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH MTV thương mại sản xuất dịch vụ mủ cao su Huỳnh Hữu Nghĩa đóng trên địa bàn thôn 7, xã Đoàn Kết, là thành viên Câu lạc bộ “CCB sản xuất – kinh doanh giỏi”, cho biết: “Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tôi về lập nghiệp ở xã Đoàn Kết. Trước đây, gia đình tôi mở đại lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và điểm thu mua mủ cao su với quy mô nhỏ. Sau đó, tôi đã xây dựng nhà máy chế biến mủ, đảm bảo giá và giúp nông dân có thêm việc làm”. Với kinh phí đầu tư trên 10 tỷ đồng, đầu năm 2004, Công ty TNHH MTV thương mại sản xuất dịch vụ mủ cao su Huỳnh Hữu Nghĩa chính thức hoạt động. Máy móc hiện đại, hằng năm công ty chế biến trên 1.500 tấn mủ. Qua đó đáp ứng việc tiêu thụ mủ cao su của các hộ dân ở địa bàn với giá chênh lệch tăng thêm từ 20-30% so với giá bán cho các điểm thu mua nhỏ lẻ, đồng thời đảm bảo đầu ra ổn định. Vào lúc cao điểm thu hoạch mủ, công ty đã tạo việc làm cho 22 lao động, trong đó 15 lao động thời vụ và 7 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 6-8 triệu đồng. Hằng năm, trừ chi phí gia đình ông lãi từ 700 triệu đồng trở lên.
Vợ chồng ông Thông luôn tận tình tư vấn cho khách hàng
Với vai trò Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Đoàn Kết, hằng năm ông tích cực vận động các nhà hảo tâm đóng góp ủng hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Riêng gia đình ông ủng hộ từ 30-50 triệu đồng/năm vào các hoạt động xã hội ở địa phương.
Tương tự cách làm kinh tế của vợ chồng Dương Quang Thông (51 tuổi) – bà Nguyễn Thị Nhung (43 tuổi) ở thôn 3, xã Thống Nhất, cũng là điển hình về kinh doanh khép kín hiệu quả. Hiện ông Thông là hội viên CCB. Ông Thông cho biết: Năm 1993, ông xuất ngũ và theo gia đình làm kinh tế ở tỉnh Lâm Đồng, đầu năm 1996 chuyển đến xã Thống Nhất (Bù Đăng) lập nghiệp đến nay. Gia đình ông có 15 ha đất trồng cao su, tiêu, điều và cà phê. Năm 2004, vợ chồng ông mở đại lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật Thông Nhung với tổng vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng. Điểm đặc biệt là hằng năm đại lý nhà ông cung cấp các mặt hàng cho người dân địa bàn và đến khi thu hoạch nông sản bà con mới trả tiền. Với cách làm này, ông bà đã giúp nhiều hộ khó khăn có điều kiện chăm sóc, tăng năng suất cây trồng, phát triển kinh tế.
Đầu năm 2017, gia đình ông tiếp tục mở thêm cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng và trang trí nội thất Thông Nhung với số vốn đầu tư trên 5 tỷ đồng. Hằng năm, trừ chi phí gia đình ông lãi từ 500 triệu đồng trở lên, đồng thời tạo việc làm ổn định cho 4 lao động thường xuyên với thu nhập 5-7 triệu đồng/tháng. Kinh tế ổn định, vợ chồng ông tích cực tham gia hoạt động xã hội từ thiện từ 25-30 triệu đồng/năm.
Còn rất nhiều mô hình sản xuất – kinh doanh hiệu quả của CCB trên địa bàn huyện Bù Đăng với những cách làm sáng tạo, đã nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng hội ngày càng vững mạnh.
Nguồn Báo Bình Phước