Cuối năm, sinh viên không khó bắt gặp những lời mời chào các công việc thời vụ, đúng với tâm lý muốn kiếm thêm chút thu nhập ngày Tết. Tuy nhiên, không phải bất kỳ lời rao “việc nhẹ, lương cao” nào cũng như mong muốn.
Mức lương được quảng cáo tại những trang rao việc trên các trang mạng xã hội có thể dao động 200.000 – 500.000 đồng/ngày. Một số việc gán mác “việc nhẹ, lương cao”. Một số tin rao không công khai địa chỉ làm việc mà yêu cầu sinh viên để lại số điện thoại, sẽ có người gọi lại sau.
N.T.M.H., sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), chia sẻ năm trước bạn từng bắt gặp một yêu cầu khá đơn giản từ nhà tuyển dụng, không đòi hỏi kinh nghiệm, không cần thử việc, lương lên tới gần 600.000 đồng/ngày cộng thêm thưởng cho những ngày Tết.
M.H. kể trước khi giới thiệu việc, bên môi giới bắt phải đóng trước nhiều khoản tiền như tiền mua đồng phục, cọc giữ chỗ, tiền thế chân,… tổng cộng lên tới 850.000 đồng. Linh cảm có điều gì đó không ổn, M.H. từ chối công việc.
Trong khi đó, Phương Anh, sinh viên Trường ĐH Tài chính – marketing TP.HCM, cho hay bạn từng tin tưởng vào lời rao trên Facebook nói rằng một siêu thị lớn ở TP.HCM cần tuyển số lượng lớn việc làm dịp Tết.
Điểm hẹn phỏng vấn tuyển dụng là một quán cà phê ở TP Thủ Đức, cách siêu thị không xa. Sau khi đóng khoảng 500.000 đồng cho mọi thủ tục, một tuần sau Phương Anh nhận được tin nhắn báo lại là siêu thị đã đủ chỗ, không tuyển thêm.
“Họ hỏi mình giờ còn việc phát tờ rơi hoặc đi dọn dẹp nhà cửa, có muốn nhận hay không? Nếu không sẽ mất khoản tiền cọc đã đặt”, Phương Anh kể.
ThS Nguyễn Văn Đương, trưởng phòng chăm sóc và hỗ trợ người học thuộc Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết dịp cuối năm nhiều công ty có nhu cầu tuyển dụng cao. Mới đây, phòng chăm sóc và hỗ trợ người học cũng đã tổ chức ngày hội việc làm trực tuyến với rất nhiều doanh nghiệp tham dự.
Dù vậy, theo ThS Nguyễn Văn Đương, sẽ có nhiều tin rao tuyển dụng sinh viên khó có thể kiểm tra được độ chính xác, đặc biệt trên môi trường mạng xã hội. Những năm trước đây cũng đã có nhiều trường hợp kẻ xấu lợi dụng tâm lý muốn tìm việc của sinh viên vào những dịp cận Tết để lợi dụng, lừa đảo.
Vì vậy, ông Đương cho rằng sinh viên nếu có nhu cầu việc làm, trước hết có thể liên hệ đến các phòng, trung tâm hỗ trợ sinh viên thuộc các trường đại học. Đây là những đầu mối kết nối các bạn tới những doanh nghiệp uy tín, có hợp tác với trường để các bạn có thể an tâm hơn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, trưởng phòng dịch vụ việc làm Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP (YES Center), lưu ý những đơn vị chính thống thường sẽ không thu phí khi giới thiệu việc làm cho các bạn.
Bà Thảo cho biết thêm sinh viên có nhu cầu tìm việc có thể liên hệ Đoàn thanh niên, Hội sinh viên của trường mình đang học. Hoặc tìm đến Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP (thuộc Thành đoàn TP.HCM) hoặc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP (thuộc Sở Lao động – thương binh và xã hội).
Nguồn: tuoitre.vn