Chị Lê Thị Giang, 32 tuổi, mắc kẹt tại TP.HCM nửa năm qua vì dịch Covid-19. Chỉ đến sáng nay, TP.HCM được công bố là vùng xanh, chị mới yên tâm gọi điện báo với gia đình: “Tết này con về quê”.

Thế nhưng, Bình Phước – quê chị Giang – đang là tỉnh vùng cam (vùng nguy cơ cao), số ca mắc Covid-19 tăng gần 1.000 ca mỗi ngày. Con trai chị chưa đầy 1 tuổi. “Bố mẹ tôi ngăn không cho về, vì sợ cháu còn nhỏ quá, không may nhiễm bệnh thì tội nghiệp. Nhưng cả năm chỉ có một dịp tết đoàn viên, không về với bố mẹ, mình không đành”, chị ngậm ngùi.

Tình cảnh như chị Giang là tâm tư của hàng ngàn người dân xa quê, đang mưu sinh tại TP.HCM. Nếu như cách đây vài tháng, người ở TP về các tỉnh, sẽ phải thực hiện cách ly y tế vì về từ vùng dịch, thì nay, tình thế đã trái ngược.

Người từ TP.HCM về quê đón Tết sao cho an toàn?
Người dân đã chuẩn bị phương án tàu xe để kịp về quê đón tết.

“Người từ TP bây giờ an toàn nhất vì tiêm đến 3 mũi vắc xin, ai cũng có miễn dịch”, anh Trần Hải An, 25 tuổi, chia sẻ. Anh đã lên kế hoạch về Đồng Nai vào 25 tháng Chạp Âm lịch. “Tôi xin công ty về sớm mấy ngày để tránh đông xe cộ và nhồi nhét khách. Tốt nhất bây giờ cứ đông người thì mình tránh, không biết ai F0 ai F1, chỉ sợ mang bệnh về nhà”.

Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho rằng, người dân tại TP.HCM hiện nay khá an toàn vì đã được tiêm đủ vắc xin Covid-19, từ 2 đến 3 mũi. Điều đáng lo là ở trẻ nhỏ theo cha mẹ về quê.

“Nhóm trẻ dưới 12 tuổi vẫn chưa được tiêm vắc xin, trong đó có những em bị bệnh nền. Nếu nhóm này mắc bệnh sẽ rất dễ chuyển nặng. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, những ca Covid-19 nặng đều dưới 12 tuổi, có bệnh đi kèm”, bác sĩ Việt nói.

Do đó, bác sĩ Việt đề xuất, có thể xem xét ưu tiên tiêm cho những em bé có bệnh nền thuộc nhóm tuổi này. Bên cạnh đó, bố mẹ nên lựa chọn những xe khách thoáng chỗ, để tránh tiếp xúc với nguồn lây bệnh. “5K tuyệt đối trên đường di chuyển. Nếu người trong gia đình có triệu chứng hô hấp cần nghĩ ngay đến Covid-19 để tự cách ly, tránh lây nhiễm cho người thân”, bác sĩ Việt lưu ý.

Trong khi đó, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy khuyến cáo, nếu có ý định về quê, người lớn nên trang bị đầy đủ các phương pháp phòng chống dịch cho trẻ. “Việc đầu tiên là test nhanh Covid-19 để chắc chắn mình âm tính, không là nguồn lây trên đường về hay khi đi tàu xe”.

Bác sĩ Hùng cho rằng, một số người về quê thường có tâm lý chủ quan không khai báo y tế. Cũng có người về nhà test nhanh mới có kết quả dương tính rồi giấu bệnh vì sợ cách ly.

“Điều này hết sức nguy hiểm, bởi trong gia đình còn có người già, người bệnh, trẻ em. Bản thân người trẻ có thể  không nguy hiểm nhưng lây cho bố mẹ, ông bà lại rất dễ chuyển nặng. Vì vậy, phải tuân thủ quy định phòng chống dịch địa phương và báo ngay cơ sở y tế để được hỗ trợ tốt nhất”, bác sĩ Hùng khuyến cáo.

Người từ TP.HCM về quê đón Tết sao cho an toàn?
Người lao động tại TP.HCM đã lên kế hoạch về quê đón tết Nguyên đán.

Ngoài ra, ngày tết, mọi người thường có thói quen bắt tay, đến nhà nhau ăn cơm, cần nhớ đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên. “Tốt nhất là không nên tụ tập đông người. Trong trường hợp cần thiết phải gặp mặt thì mua que test trước xem có âm tính không. Hiện nay mua test Covid-19 và thực hiện rất dễ dàng”, bác sĩ Hùng chia sẻ thêm.

Còn bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho rằng, người TP.HCM về quê không còn quá nghiêm ngặt như trước vì TP đã là vùng xanh, người dân được tiêm vắc xin COvid-19 mũi 2 và 3. Tuy nhiên, nguy cơ có thể xuất hiện nếu tụ tập, vui chơi ở nhiều điểm du lịch.

“Chúng ta cần cẩn thận nhưng không quá sợ hãi vì tình hình dịch đã khác”. Theo đó, người từ TP về quê nhưng chỉ ở nhà, không đi du lịch hay các lễ hội đông đúc, không giao du với người lạ, sẽ không trở thành nguồn lây.

Ông cũng cho rằng, từ nay đến Tết Nguyên đán, nếu các tỉnh đủ thời gian tiêm vắc xin cho các đối tượng nguy cơ, thì “Tết sẽ thực sự là dịp đoàn viên và an toàn”.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Tết Nhâm DầnTP HCM

Các tin liên quan đến bài viết