Ngày 3-1, Israel cho biết quốc gia này sẽ cho người nước ngoài có miễn dịch với COVID-19 (do tiêm vắc xin hoặc đã nhiễm và khỏi bệnh) từ các quốc gia có nguy cơ trung bình nhập cảnh vào tuần tới.
Theo Hãng tin Reuters, quyết định này đảo ngược một phần lệnh cấm được áp dụng từ cuối tháng 11-2011 đến nay để ứng phó với biến thể Omicron.
Quyết định cũng cho thấy chính quyền của Thủ tướng Naftali Bennett đã nhận ra biện pháp hạn chế đi lại – vốn đã hủy hoại du lịch mùa đông – giảm giá trị của nó.
Theo đó, kể từ ngày 9-1, người nước ngoài từ 199 “quốc gia màu cam” sẽ được nhập cảnh Israel nếu họ có thể chứng minh mình đã tiêm vắc xin đầy đủ hoặc nhiễm COVID-19 trước đó và khỏi bệnh.
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh Israel dự đoán số ca nhiễm COVID-19 mới có thể tăng gấp 10 lần trong vòng vài ngày tới. Tốc độ lây nhiễm nhanh khiến nhiều người Israel phải xếp hàng hàng giờ đồng hồ chờ làm xét nghiệm COVID-19. Tuy nhiên, Israel xác nhận biến thể Omicron không làm tỉ lệ tử vong tăng tương ứng.
Phát biểu trên truyền hình hôm 3-1, Bộ trưởng Y tế Israel Nitzan Horowitz cho biết Israel sẽ điều chỉnh tiêu chí xét nghiệm bắt buộc, tập trung chủ yếu vào những người có nguy cơ cao.
Sau đó, người Israel “sẽ được yêu cầu thực hiện trách nhiệm cá nhân và làm xét nghiệm tại nhà”.
Chiến lược của chính phủ là tập trung vào tiêm chủng: liều thứ tư – hay còn gọi là liều nhắc lại thứ hai – được tiêm trước cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương.
Israel cũng giảm thời gian tự cách ly với những người có tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 do lo ngại rằng việc cách ly hàng loạt có thể làm tê liệt nền kinh tế.
COVID-19 vào Quốc hội Mỹ
Ngày 3-1, bác sĩ của Quốc hội Mỹ cho biết các trường hợp nhiễm COVID-19 đang tăng chưa từng có tại cơ quan này. Theo Hãng tin Reuters, tỉ lệ dương tính trong bảy ngày tại một địa điểm xét nghiệm của Quốc hội đã tăng lên 13%.
Dựa trên các mẫu xét nghiệm tính đến ngày 15-12, tiến sĩ Brian Monahan cho biết hầu hết các ca nhiễm xảy ra trong số những người đã tiêm vắc xin, trong đó biến thể Omicron chiếm khoảng 61% và biến thể Delta là 38%.
Không chỉ ở Quốc hội, số ca nhiễm COVID-19 mới ở Mỹ đã tăng gấp đôi trong bảy ngày qua lên mức trung bình 418.000 ca một ngày, theo thống kê của Reuters.
Ông Monahan cho biết các ca nhiễm ở những người đã tiêm vắc xin tại Quốc hội chỉ bị bệnh nhẹ – không cần phải nhập viện, không có triệu chứng nặng hoặc tử vong và là bằng chứng chứng minh tầm quan trọng của tiêm chủng.
Khoảng 65% trường hợp COVID-19 tại Quốc hội có triệu chứng. Trong các trường hợp dương tính còn lại không có triệu chứng.
Ngoài ra, số ca nhập viện do COVID-19 chung ở Mỹ cũng tăng. Theo dữ liệu mới nhất từ Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ, có hơn 103.000 người hiện đang nhập viện vì COVID-19 sau gần 4 tháng qua và là lần đầu tiên con số này đạt đến sáu con số trong gần 4 tháng.
Số ca nhập viện do COVID-19 đạt mức cao kỷ lục hơn 142.000 vào khoảng 1 năm trước, ngày 14-1-2021 và lần cuối cùng lên đến 100.000 vào ngày 11-9-2021
Tổng số đã giảm xuống còn khoảng 45.000 ca nhập viện vào đầu tháng 11-2021 nhưng tăng đều kể từ đó và tăng mạnh trong tuần trước.
Các trường hợp nhập viện chủ yếu là ở người chưa tiêm vắc xin.
Theo dữ liệu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh – CDC, tỉ lệ nhập viện tích lũy đến tháng 11-2021 cao hơn khoảng 8 lần với người lớn chưa tiêm và cao hơn khoảng 10 lần với trẻ em từ 12 đến 17 tuổi chưa tiêm.
Số ca nhập viện tăng diễn ra trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ tăng do biến thể Omicron lây lan nhanh.
Mặc dù các nghiên cứu ban đầu cho thấy Omicron gây ra bệnh nhẹ hơn, nhưng với khả năng lây nhanh của biến thể này, các bệnh viện ở Mỹ đã gặp nhiều thách thức trong việc cung cấp dịch vụ.
Tiến sĩ James Phillips, trưởng khoa y tại Bệnh viện Đại học George Washington, cho biết: “Chúng tôi thấy số bệnh nhân tăng đột biến, chưa từng có trong đại dịch này. Những gì sắp tới với phần còn lại có thể rất nghiêm trọng. Và họ cần phải chuẩn bị”.
Nguồn: tuoitre.vn