Giới chức Indonesia đang truy vết tiếp xúc sau khi phát hiện ca nhiễm Omicron đầu tiên ngoài cộng đồng ở nước này.
Hãng thông tấn Reuters đưa tin, trong cuộc họp báo hôm 28/12, bà Siti Nadia Tarmizi, quan chức cấp cao thuộc Bộ Y tế Indonesia, cho biết bệnh nhân là một người đàn ông 37 tuổi đến từ thành phố Medan, từng tới một nhà hàng ở khu thương mại trung tâm Jakarta hồi đầu tháng.
Theo bà Tarmizi, người này trong thời gian gần đây không ra nước ngoài hay tiếp xúc với bất kỳ du khách quốc tế nào. Bệnh nhân cũng không biểu hiện triệu chứng sau khi nhiễm Covid-19, và đang được cách ly tại một bệnh viện ở Jakarta.
Nhân viên y tế Indonesia xét nghiệm Covid-19 cho người dân ở Jakarta. |
Giới chức y tế Indonesia cho đến nay đã ghi nhận 47 ca nhiễm biến thể Omicron, hầu hết là các trường hợp nhập cảnh. Chính phủ nước này đã quyết định tăng cường xét nghiệm PCR đối với người nhập cảnh, sau khi phát hiện một số ca nhiễm biến thể mới thông qua sàng lọc tại điểm cách ly tập trung Wisma Atlet ở Jakarta.
WHO cảnh báo các hệ thống y tế sẽ ‘quá tải’ vì Omicron
Ngày 28/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo Omicron có thể khiến các hệ thống y tế rơi vào quá tải, dù những nghiên cứu trước đây nhận định biến thể mới này chỉ gây ra các triệu chứng Covid-19 ở thể nhẹ hơn.
Tiến sĩ Catherine Smallwood, quan chức cấp cao thuộc Văn phòng WHO khu vực châu Âu, nêu rõ: “Sự lây lan nhanh của biến thể Omicron… thậm chí nếu kết hợp với các ca nhiễm Covid-19 ở thể nhẹ hơn, vẫn sẽ dẫn tới một số lượng lớn bệnh nhân nhập viện, nhất là ở những người chưa tiêm vắc xin Covid-19”.
Bà Smallwood cũng nhấn mạnh, tình trạng này sẽ gây ra sự gián đoạn trên diện rộng đối với các hệ thống y tế cũng như các dịch vụ quan trọng khác.
WHO đưa ra cảnh báo trên trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 gia tăng do biến thể Omicron.
Malaysia dỡ lệnh cấm đi lại với 8 nước châu Phi
Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin hôm 28/12 cho biết, nước này đã dỡ bỏ lệnh cấm đi lại đối với 8 trong số những quốc gia châu Phi đầu tiên ghi nhận các ca nhiễm Omicron, với lý do biến thể mới đã lây lan nhiều hơn trên toàn cầu.
Tám quốc gia kể trên, bao gồm Nam Phi, Zimbabwe, Mozambique, Malawi, Botswana, Eswatini, Lesotho và Namibia, sẽ vẫn nằm trong danh sách các nước được xem là có “nguy cơ cao”. Giới chức y tế Malaysisa đã liệt 18 quốc gia vào danh sách này, trong đó có Australia, Ấn Độ, Ảrập Xêút, Anh và Mỹ.
Du khách đến Malaysia từ các quốc gia có nguy cơ cao phải xét nghiệm PCR 2 ngày trước khi khởi hành. Một đợt xét nghiệm khác sẽ được tiến hành khi nhập cảnh, và du khách còn được cung cấp một thiết bị theo dõi kỹ thuật số. Những người đã được tiêm phòng đầy đủ phải cách ly 7 ngày trong khi những người chưa được tiêm phòng phải cách ly 10 ngày. Ngoài ra, họ có thể đăng ký để được cách ly tại nhà thay vì tại các cơ sở được chỉ định.
Cũng trong ngày 28/12, Bộ trưởng Khairy Jamaluddin nói với các phóng viên rằng thời gian chờ đến lúc được tiêm liều bổ sung vắc xin Covid-19 đối với những người đã tiêm 2 liều vắc xin của các hãng Pfizer-BioNTech và AstraZeneca sẽ được rút ngắn từ 6 xuống còn 3 tháng.
Malaysia đã ghi nhận khoảng 2,7 triệu ca nhiễm Covid-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát trong nước, trong đó có hơn 31.300 ca tử vong. Tính đến ngày 27/12, 97,6% người trưởng thành ở Malaysia đã được tiêm chủng đầy đủ.
Đức mua 1 triệu liệu trình thuốc Paxlovid của Pfizer
Phát biểu trước báo giới ngày 28/12, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cho biết chính phủ nước này đã quyết định mua 1 triệu liệu trình thuốc Paxlovid từ hãng dược Pfizer để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19.
Theo Bộ trưởng Lauterbach, Paxlovid rất được mong đợi vì khi được sử dụng sớm, chúng có thể làm giảm các biến chứng nghiêm trọng do virus corona gây ra. Với loại thuốc này, Bộ Y tế Đức kỳ vọng sẽ có thể ngăn ngừa nhiều ca nhiễm Covid-19 trở nặng.
Theo kế hoạch, trong tháng 1/2022, Đức sẽ tiếp nhận những lô thuốc Paxlovid đầu tiên. Ông Lauterbach đã đề xuất thủ tục phê duyệt khẩn cấp để chúng có thể được sử dụng tại Đức ngay khi được tiếp nhận.
Bộ trưởng Y tế Đức cũng cho biết, những triển vọng trong điều trị Covid-19 đang ngày càng tăng. Việc kết hợp giữa các loại vắc xin và liệu pháp điều trị hiệu quả sẽ dần làm mất đi “nỗi kinh hoàng” từ đại dịch. Bộ Y tế Đức sẽ tích cực hợp tác với các nhà phát triển thuốc điều trị để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống Covid-19.
Paxlovid đang trong quá trình thử nghiệm tại châu Âu và chưa được chính thức chấp thuận. Tuy nhiên, theo Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA), loại thuốc này có thể được sử dụng để điều trị cho những bệnh nhân Covid-19 trưởng thành và những người có nguy cơ nhiễm bệnh với diễn biến nặng hơn.
Hong Kong siết chặt quy định cách ly với phi hành đoàn
Ngày 28/12, giới chức y tế Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thông báo sẽ siết chặt những quy định cách ly đối với các thành viên phi hành đoàn để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm biến thể Omicron.
Theo các biện pháp mới, thành viên phi hành đoàn của các chuyến bay vận tải hàng hóa phải cách ly 3 ngày trong khách sạn trước khi trở về nhà để tiếp tục cách ly. Hầu hết các ca nhiễm mới ghi nhận gần đây trong nhóm các thành viên phi hành đoàn đều được xác nhận trong 3 ngày đầu tiên sau khi trở về.
Hong Kong đã phát hiện hàng chục ca nhiễm Omicron nhờ xét nghiệm thường xuyên trong khu cách ly, song chưa có ca lây nhiễm biến thể mới nào được ghi nhận ngoài cộng đồng. Nhiều ca nhiễm Omicron được phát hiện trong nhóm các thành viên phi hành đoàn.
Trung tâm Y tế cộng đồng Hong Kong nhận định, nguy cơ bùng phát dịch do biến thể mới là rất cao. Tỷ lệ cư dân đã tiêm phòng của đặc khu này hiện vẫn chưa đến 70%, và bị cho là thấp hơn nhiều so với các khu vực cùng quy mô.
Hong Kong cũng triển khai những biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt nhất thế giới. Hầu hết những người không phải cư dân đặc khu đều không được phép nhập cảnh, trong khi những đối tượng được phép vào Hong Kong sẽ bị cách ly nghiêm ngặt tại các khách sạn trong tối đa 21 ngày, và phải tự trả chi phí cách ly.
Nguồn: vietnamnet