Tại phiên toà xét xử cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong vụ án liên quan đến gói thầu số hóa, ông Nguyễn Văn Tứ (cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội) khai một câu khiến mọi người giật mình.
“Thời điểm này ông Chung vướng hết vụ án này đến vụ án kia, chứ thời điểm 2016 bị cáo Chung ở Hà Nội như “ông trời””- lời ông Tứ.
Không “giật mình” sao được khi Đảng, Nhà nước đã và đang đưa quyền lực vào “lồng cơ chế” thì người đứng đầu một thành phố với quyền hành của mình lại muốn làm gì cũng được, muốn thay đổi theo ý mình, đứng trên trái luật như bản cáo trạng truy tố.
Cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại phiên toà |
Cuối năm 2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội làm chủ đầu tư thực hiện 2 gói thầu “Số hóa hồ sơ đăng ký kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Khi đó, Sở phải dừng đấu thầu theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Việc dừng trái quy định Luật đấu thầu nhằm tạo điều kiện cho Công ty Nhật Cường của trúng thầu.
Bị cáo Tứ cho rằng nếu không dừng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì “ông Chung là trưởng ban chỉ đạo công nghệ thông tin thành phố. Trước chỉ đạo quyết liệt của ông Chung, chúng tôi đã phải thực hiện”.
Chẳng ai lại dám không thực hiện chỉ đạo của cấp trên, của người đứng đầu, dẫu biết trái luật cũng phải thực hiện. Cái nguy hại của việc người đứng đầu khi “quyền lực tha hóa” là ở đây.
Lời khai của ông Tứ vô tình lại trùng hợp với phần ông Nguyễn Đức Chung nói ở phiên tòa trước đó. Ông Nguyễn Đức Chung nói rằng muốn làm ăn chỉ cần gửi gắm một câu hay chỉ đạo cấp dưới cũng có tiền, thậm chí nhiều tiền.
Ở ta việc đấu thầu không minh bạch làm thất thoát tiền của của nhà nước đã là một vấn nạn, nhưng nguy hiểm hơn là lợi dụng việc đấu thầu để dành cho “sân sau” cho người thân. Tình trạng này xảy ra ở tất cả các lĩnh vực. Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an khi nói về những vụ án xảy ra trong ngành y tế gần đây cho biết, “sai phạm liên quan đến hoạt động đấu thầu không chỉ xảy ra ở các dự án trong lĩnh vực giao thông, xây dựng, mà ở cả lĩnh vực nhạy cảm, mang tính nhân văn cao như y tế, giáo dục, văn hóa… Những sai phạm này gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội và bức xúc trong quần chúng nhân dân”.
Những vụ án đình đám thời gian qua hầu hết liên quan đến những người đứng đầu, những người có quyền hành, là những “ông trời”. Họ đã dùng quyền hành của mình để giành hợp đồng, cho người thân, cho “cánh hẩu”.
Trong vụ án về ông Tất Thành Cang hiện cũng đang được xét xử, mặc dù ông biết rõ việc phát hành cổ phần phải thực hiện đấu giá, thẩm định giá theo Điều 38 Nghị định 91/2015 của Chính phủ nhưng đã không chỉ đạo Văn phòng Thành ủy, người đại diện vốn có ý kiến về việc đấu giá, thẩm định giá theo quy định gây thiệt hại lớn. Đây cũng chính là “ông trời” làm việc không theo quy định, không theo pháp luật.
Người có quyền hành trong tay nếu bị tha hóa sẽ trở thành những “ông trời” khuynh loát tất cả. Bác Hồ đã cảnh báo: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt”.
Nguồn: vietnamnet