Biến thể Omicron của virus gây Covid-19 lây lan nhanh như chớp, và các nhà khoa học quốc tế đang nỗ lực giải mã đặc tính này.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, tỷ lệ ca nhiễm Omicron ở nước này đã tăng gấp 7 lần chỉ trong một tuần, từ 0,4% tổng số ca bệnh lên 2,9%. Tại một số khu vực, bao gồm New York và New Jersey, biến thể này chiếm tới 13% số ca nhiễm.
Tại Anh, giới chức nước này cho biết, trong một gia đình, nguy cơ Omicron lan truyền từ thành viên này sang thành viên khác cao gấp 3 lần so với Delta, biến thể cũng nổi tiếng vì mức độ lây nhiễm cao.
Hình ảnh kính hiển vi điện tử quét màu cho thấy virus SARS-CoV-2 (các vật thể tròn màu xanh lam) xuất hiện từ các tế bào được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. |
Theo hãng truyền thông Mỹ National Public Radio (NPR), dữ liệu nghiên cứu mà giới chuyên gia quốc tế có được cho đến nay đã hé mở cách thức Omicron hoạt động bên trong đường hô hấp của người bệnh và cung cấp manh mối lý giải vì sao biến thể này lại lây nhanh đến vậy.
Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Hong Kong cho rằng, so với biến thể Delta, Omicron tự nhân lên nhanh hơn 70 lần bên trong đường hô hấp của con người, và đạt mật độ cao hơn trong mô khoảng 48 giờ sau khi nhiễm.
Trước những phát hiện trên, chuyên gia miễn dịch học Wilfredo Garcia-Beltran thuộc Viện Ragon của Bệnh viện Đa khoa Massachusetts đã phải thốt lên: “Điều đó thật đáng kinh ngạc”.
Nghiên cứu cho thấy, các đột biến của Omicron tăng tốc quá trình xâm nhập hoặc tái tạo (hoặc cả hai) bên trong mô tế bào. Tuy nhiên, điều này có mối liên quan thế nào đến tải lượng virus ở đường hô hấp vẫn là điều bí ẩn.
Wilfredo Garcia-Beltran không tham gia nghiên cứu ở Đại học Hong Kong. Tuy nhiên, trước đó ông và các đồng nghiệp đã tiến hành một nghiên cứu khác và cũng nhận thấy Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn nhiều so với Delta. Sử dụng các virus giả, họ phát hiện protein gai của Omicron có sức công phá mạnh hơn khi giúp virus xâm nhập vào mục tiêu, so với Delta.
“Đáng chú ý là Omicron có khả năng lây nhiễm nhanh hơn gấp 4 lần so với phiên bản gốc của virus, và gấp hai lần so với Delta”, NRP trích dẫn báo cáo nghiên cứu của nhóm Garcia-Beltran.
Trong nghiên cứu của các chuyên gia Đại học Hong Kong, nhà virus học Michael Chan Chi-Wai cùng các đồng nghiệp đã lấy mô từ phế quản người và tiêm vào đó các hạt virus sống. Họ sử dụng 3 biến thể gồm Delta, Omicron và một chủng lưu hành trong năm 2020.
Sau đó, nhóm nghiên cứu quan sát tốc độ lây lan của từng biến thể qua mô hô hấp. Trong vòng 24 giờ, Omicron đạt tốc độ lây nhanh hơn 70 lần so với Delta.
Ông Chan cùng các cộng sự còn tiến hành nhiều thí nghiệm với mô phổi. Điều đáng kinh ngạc là bên trong loại mô này, Omicron nhiễm vào các tế bào kém hiệu quả hơn so với Delta hoặc phiên bản gốc của virus.
“Sự lây nhiễm tập trung vào phế quản nhiều hơn vào phổi và có tốc độ rất nhanh”, Marc Veldhoen – nhà miễn dịch học tại Đại học Lisbon – mô tả. Điều đó có thể lý giải vì sao Omicron gây bệnh không nghiêm trọng bằng Delta hoặc bản gốc của virus. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học, trong đó có ông Veldhoen, cho rằng còn quá sớm để kết luận như vậy.
Nhà virus học Alejandro Balazs tại trường Y Harvard chỉ ra thực tế rằng, một mô khi đã bị cô lập sẽ không tạo ra nhiều phản ứng miễn dịch để chống lại virus. Và trong nghiên cứu, các chuyên gia mới theo dõi sự lây nhiễm của virus trong 48 giờ.
“Thí nghiệm này được thực hiện trên đĩa trong thời gian quá ngắn. Chúng ta chưa biết chắc Omicron nhiễm vào mô phế quản có thực sự nhanh hơn nhiễm vào mô phổi hay không, vì chưa biết điều gì xảy ra 72 giờ sau đó”.
Nhà miễn dịch học Wilfredo Garcia-Beltran khuyến nghị các chuyên gia cần phải đo tải lượng virus bên trong đường hô hấp của người bệnh. Với người nhiễm Delta, số hạt virus bên trong đường hô hấp của họ nhiều hơn 1.000 lần so với các biến thể ban đầu.
“Tôi muốn xem lượng virus như thế nào ở người nhiễm Omicron. Lấy mẫu từ những người đã nhiễm bệnh thực sự – đó mới là tiêu chuẩn vàng. Đó mới là nơi hành động”, ông Garcia-Beltran nêu quan điểm.
Nguồn: vietnamnet