‘Xác định năm 2022 – 2023, chuyển đổi số sẽ là trọng tâm trong phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19’, Thủ tướng nhấn mạnh tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ngày 11-12.
Với việc xác định chuyển đổi số là trọng tâm trong phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19 trong hai năm 2022-2023 sắp tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá: “Việc chấp nhận sớm, nhanh hơn các quốc gia khác, tạo môi trường thử nghiệm (sand-box) công nghệ số để nhanh chóng chấp nhận các mô hình kinh doanh mới, các công nghệ số mới sẽ tạo cơ hội để thay đổi thứ hạng và đi đầu thành công để trở thành quốc gia dẫn dắt công nghệ”.
Hoàn thiện hành lang pháp lý cho các công nghệ số mới
Về thể chế, Thủ tướng yêu cầu “các ngành, lĩnh vực cần tiếp cận theo hướng mở, chấp nhận cái mới, rà soát, sửa đổi, cập nhật hệ thống quy định, chính sách có liên quan để tạo thuận lợi cho các công nghệ số mới, các mô hình kinh doanh mới”.
Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò chủ chốt trong chuyển đổi số của Bộ Thông tin – truyền thông với nhiệm vụ “hoàn thiện khung hành lang pháp lý cho công nghiệp công nghệ số, công nghệ số mới, đẩy mạnh việc làm chủ các thiết kế, tích hợp và làm chủ các công nghệ số mới, công nghệ mở”.
Thủ tướng cũng nêu rõ để chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp công nghệ số sẽ đóng vai trò quan trọng, lực lượng tiên phong thực hiện hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần phải tập trung giải các bài toán lớn của quốc gia, bài toán của 100 triệu dân…
“Diễn đàn này phải là diễn đàn của hành động, của triển khai thực tế” – người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Cam kết với các doanh nghiệp công nghệ số, Thủ tướng cho biết: “Tôi chỉ đạo các đồng chí trưởng ngành phải cởi mở hơn nữa trong tư duy và hành động thì mới có thể chuyển đổi số”, thể hiện bằng những nội dung cụ thể như công bố công khai các bài toán chuyển đổi số của ngành, lĩnh vực mình quản lý, lựa chọn, giao hoặc đặt hàng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam các bài toán lớn, tăng cường việc sử dụng và ứng dụng các sản phẩm, giải pháp, nền tảng công nghệ số mới Make in Vietnam.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành cần phải mở dữ liệu để cộng đồng
Dùng “vắc xin công nghệ” để chống dịch và phục hồi kinh tế
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin – truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số “hãy nhận lấy trách nhiệm phát triển các nền tảng chuyển đổi số quốc gia. Các nền tảng số quốc gia sẽ được nêu tên và được giao cho từng doanh nghiệp.
Nhận phát triển các nền tảng số này là nhận sứ mệnh quốc gia, bởi các nền tảng này chính là hạ tầng của nền kinh tế số, và không chỉ vậy, chúng còn giữ lại Việt Nam tài nguyên dữ liệu của người Việt Nam”.
Về phía các doanh nghiệp công nghệ số, ông Nguyễn Văn Khoa – tổng giám đốc Tập đoàn FPT – khẳng định: “Công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp chống dịch và bứt phá trong bình thường mới”.
Ông Khoa đưa ra khái niệm “vắc xin công nghệ”, bằng những công nghệ giúp tăng sức đề kháng của doanh nghiệp, từ đó góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế số và giải quyết an sinh xã hội, đặc biệt tin rằng giải pháp này sẽ hỗ trợ chính quyền trong công tác phòng chống dịch để phục vụ chính quyền số với mục tiêu giảm thiểu tử vong, phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
Cũng tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trao giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam” năm 2021 cho các sản phẩm xuất sắc nhất của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Trong đó, bốn sản phẩm nền tảng thương mại Vỏ Sò, bộ thiết bị Mesh Wifi, công cụ tìm kiếm Cốc Cốc và Azota – nền tảng tạo đề thi, bài tập online được nhận giải thưởng Vàng.
Nguồn: tuoitre.vn