Sự trỗi dậy của biến thể Omicron có thể thay đổi toàn bộ cục diện đại dịch do Delta thống trị theo 2 hướng trái ngược nhau. Kịch bản tốt nhất có thể chứng kiến dịch bệnh thoái lui một cách nhanh chóng như khi nó xuất hiện.
Biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 khiến giới nghiên cứu đứng ngồi không yên vì một lý do: Nếu nó được xác nhận lây lan mạnh hơn Delta theo như dữ liệu ban đầu gợi ý, nó sẽ bắt đầu thay thế Delta vốn đang chiếm ưu thế gần như ở mọi quốc gia.
Trường hợp ngược lại không có gì nhiều để bàn vì Delta sẽ tiếp tục “thống trị” thế giới trong một thời gian nữa không xác định.
Ngày 8-12, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo sự lây lan của Omicron có thể tác động lên đại dịch, “phải chặn đứng biến thể này trước khi có thêm nhiều người nhập viện“.
Ý của ông Tedros cũng là kịch bản xấu nhiều quốc gia đang đề phòng: Omicron lây mạnh hơn Delta và có độc lực tương đương hoặc chỉ nhẹ hơn Delta không đáng kể (đến nay chưa có dấu hiệu cho thấy Omicron gây bệnh nặng hơn).
Báo cáo dịch tễ của WHO viết: “Thậm chí nếu mức độ gây bệnh (của Omicron) tương đương hoặc có thể thấp hơn Delta, dự báo số ca nhập viện sẽ tăng khi số người nhiễm nhiều hơn, và từ lúc ca nhiễm tăng đến khi ca tử vong tăng có một khoảng thời gian chờ nhất định”.
Tại sao ca tử vong tăng nếu độc lực virus không tăng? Vấn đề nằm ở con số: Nếu Omicron có khả năng lây nhiễm cho nhiều người hơn Delta, thậm chí nếu nguy cơ mỗi cá nhân mắc bệnh nặng thấp hơn chút ít, tổng số ca tử vong trên toàn bộ dân số vẫn cao hơn.
Ở chiều ngược lại, kịch bản tốt do một số chuyên gia, bao gồm các bác sĩ Nam Phi, gợi ý sẽ đi theo hướng: Độc lực của Omicron thấp hơn đáng kể so với các chủng trước, bao gồm Delta. Việc hệ thống y tế Nam Phi không quá tải dù ca nhiễm tăng cao là một tia hy vọng.
Con người sẽ xây dựng miễn dịch cộng đồng dần dần bằng cách tiêm ngừa, nhiễm tự nhiên, tự chữa bằng các loại thuốc… cho đến khi COVID trở thành một loại bệnh thông thường giống cảm lạnh hay cúm mùa.
Trong trường hợp này, các đột biến sẽ càng đẩy nhanh quá trình “thuần hóa” của virus, số lượng đột biến lớn của Omicron không còn là điều gì ghê gớm, ngoại trừ giúp nó khác biệt hẳn so với Delta.
Vấn đề bây giờ là chưa có đủ dữ liệu hay bằng chứng cho cả 2 kịch bản nói trên, chỉ có thời gian mới trả lời được. Việc các nước, đặc biệt là phương Tây, thận trọng sau nhiều bài học chủ quan đau thương là có thể hiểu được.
Về tương lai sắp tới…
Khoa học không biết nhiều về quá trình các loại virus corona gây cảm cúm ở người tiến hóa để trở thành như ngày nay.
Một số chuyên gia tin rằng vào thời điểm nào đó chúng đã từng gây bệnh nặng và lây lan khắp thế giới. Sau nhiều chu kỳ lây nhiễm – đột biến, và khi con người dần thích nghi, chúng trở thành mầm bệnh vô hại, chỉ gây những triệu chứng phiền toái như sổ mũi, ho, đau họng, sốt nhẹ…
Chuyên gia Adrián Hugo Aginagalde, từ Hiệp hội Dịch tễ học Tây Ban Nha, cho biết rất khó để hình dung về đại dịch như chúng ta biết ngày nay nếu đặt trong bối cảnh cách đây vài trăm năm.
“Một đại dịch hô hấp truyền nhiễm cấp tính cần 2 điều kiện, một là dân số già và mạng lưới di chuyển nhanh xuyên lục địa. Nếu thiếu một trong hai nó sẽ không quá nghiêm trọng, hoặc không thể lan khắp thế giới được” – ông giải thích trên nhật báo EL PAIS của Tây Ban Nha.
Trong 4 loại virus họ corona sống chung với con người đến ngày nay, HCoV-OC43 là virus xuất hiện gần nhất, nhà khí hậu học Arturo Sánchez Lorenzo cho biết.
Một số học giả tin rằng HCoV-OC43 chính là “thủ phạm” gây ra trận đại dịch “Cúm Nga” với thương vong cao nhất trong giai đoạn năm 1889 – 1890. Ngày nay nó chỉ là một virus vô hại gây cảm cúm thông thường.
Trong tương lai, SARS-CoV-2 có thể đi theo con đường tương tự, và Omicron là bước đầu tiên. Thời gian sẽ trả lời.
Về tuyên bố “cần mũi 3, mũi 4” của Pfizer
Ngày 8-12, liên danh Pfizer-BioNTech công bố báo cáo nói 2 mũi vắc xin mRNA sinh ra lượng kháng thể trung hòa thấp trước Omicron, có nghĩa biến thể này sẽ dễ lây hơn. Họ khẳng định tiêm mũi thứ 3 “sẽ cung cấp bảo vệ (trước Omicron) tương đương với các biến thể trước”.
Từ Tây Ban Nha, chuyên gia Federico Martinón – cố vấn vắc xin cho WHO – giải thích rằng thông thường lượng kháng thể trung hòa là chỉ dấu tốt dự báo khả năng lây của virus, nhưng đây không phải là toàn bộ phản ứng miễn dịch của cơ thể kháng lại bệnh.
“Miễn dịch sinh ra do vắc xin và nhiễm bệnh tự nhiên sâu hơn nhiều chỉ số kháng thể. Miễn dịch tế bào là một hàng rào khác giúp chống lại bệnh nặng nếu COVID xâm nhập các cơ quan. Đây là lý do tại sao hai làn sóng COVID gần đây ở Tây Ban Nha có số ca nhập viện và tử vong giảm mạnh dù ca nhiễm cao” – ông giải thích.
Nguồn: tuoitre.vn