Háo hức săn hàng giảm giá ‘bom tấn’ cuối năm vào nửa đêm, nhiều người tiêu dùng thất vọng vì không chỉ mất công thức khuya, mất tiền mà còn bị hủy đơn hàng hoặc nhận về món hàng không như quảng cáo.
Trong dịp mua sắm cuối năm, tình trạng săn sale hụt càng phổ biến hơn. Người tiêu dùng được khuyến cáo hết sức cẩn trọng trong các quyết định mua sắm cũng như tính bảo mật của nền tảng giao dịch.
Trắng đêm săn sale rồi bị hủy
Nhân dịp sàn thương mại điện tử tung chương trình khuyến mãi lớn, chị Ánh Hằng (quận Phú Nhuận, TP.HCM) đã đặt mua nồi chiên không dầu giá 8,4 triệu đồng nhưng giảm còn 5,6 triệu đồng. Chuyển đủ số tiền và sàn thương mại điện tử Shopee đã xác nhận bảy ngày sau sẽ có, nhưng mãi hai tuần sau, sàn này nhắn lại không giao được đơn hàng và đơn hàng sẽ bị hủy.
“Đã mất công nên rất bức xúc, tôi thử liên hệ lên hãng sản xuất, họ báo đang chờ đơn vị nhận hàng. Dù sau đó tôi nhận lại tiền nhưng đã bỏ lỡ cơ hội mua một mặt hàng mình đang có nhu cầu với giá tốt”, chị Hằng chia sẻ.
Để thu hút người tiêu dùng có tâm lý săn sale, nhiều sàn thương mại áp dụng khuyến mãi theo khung giờ với thời gian giảm sâu nhất là khung nửa đêm. Vì thế nhiều người đã thức đêm, canh mua nhưng cuối cùng lại… hụt.
Anh Minh, ngụ TP Thủ Đức, cho biết đã canh sale trong đêm 11-11 để mua được hộp dầu gội đầu giá tốt, nhận nhiều quà tặng hơn so với các khung giờ khác, nhưng đơn hàng không thành công.
“Trong thời gian đó, mỗi lần hỏi thì sàn chỉ nhắn trả lời tôi có muốn hủy đơn hàng hay không. Nghe hủy hàng, hoàn tiền thì đơn giản, nhưng phải hiểu công sức và cả nhu cầu cần thiết mới mua món hàng”, anh Minh bày tỏ.
“Đem con bỏ chợ”
Nhiều người còn mua phải hàng giả, hàng lỗi, hàng kém chất lượng… nhưng không được hỗ trợ xử lý. Tháng 10-2021, anh Dương Hữu Tài (TP.HCM) đặt mua điện thoại iPhone 5S gold đã qua sử dụng trên sàn Lazada. Khi phát hiện hàng không đúng yêu cầu về màu sắc, dây sạc bị đứt, anh Tài đã phản ảnh người bán lẫn chủ sàn và yêu cầu hoàn trả. Thế nhưng từ đây cũng là chuỗi ngày nhọc nhằn, nhiêu khê.
“Tôi phải liên tục liên lạc lên sàn để được xử lý, sàn cứ hẹn hết lần này đến lần khác. Dù là lỗi của người bán nhưng sàn chỉ đợi khách liên hệ mới xử lý, và mỗi lần như vậy chỉ xử lý sau 48 giờ.
Rất nhiều ngày sau đó, tôi phải trình bày đi trình bày lại với những nhân viên chăm sóc khách hàng khác nhau. Mãi đến tháng 11, số tiền mới được hoàn trả” – anh Tài thất vọng và cho biết dự tính mua xe máy trên sàn thương mại điện tử nhưng sau sự cố này anh phải tính lại.
Nhiều người mua hàng còn bức xúc vì xử lý hậu bán hàng của nhiều sàn thương mại điện tử hiện không khác “đem con bỏ chợ”. Nếu khách hàng là người lớn tuổi, không am hiểu công nghệ thì sẽ chấp nhận thua thiệt.
Đại diện sàn Shopee cho biết trong chính sách bán hàng sàn này cho phép người mua gửi yêu cầu hoàn trả sản phẩm hay hoàn tiền trước khi hết hạn. Người mua có thể thực hiện các yêu cầu này trong trường hợp cụ thể như: đã thanh toán nhưng không nhận được sản phẩm, hoặc đơn hàng nhận được không đúng mô tả sản phẩm. Ngoài ra cũng có trường hợp người bán giao sai hàng cho người mua hoặc sản phẩm không hoạt động tốt…
Về phản ảnh số lượng đơn hàng bị giao chậm trễ trong mùa mua sắm cuối năm, nhiều sàn thương mại điện tử cho hay vướng mắc lớn nhất ở đơn vị vận chuyển. Phần lớn đơn hàng bị tắc hoặc giao hàng chậm trễ là do khu vực của người mua nằm trong vùng bị dịch bệnh.
Khuyến mãi ảo vẫn rầm rộ
Song song với các chương trình khuyến mãi ồ ạt, theo ghi nhận, nhiều sản phẩm được rao giảm giá rất mạnh, đến hơn 50%, thậm chí 70 – 80%, nhưng thực chất giá bán đã được “đôn” lên 2 – 3 lần. Khi đó, người mua tưởng mình “vớ” được hàng rẻ nhưng thực chất giá vẫn như cũ, thậm chí còn mắc hơn. Hay nhiều nơi rao bán hàng giả với giá hàng thật nhưng kết hợp khuyến mãi “khủng”…
Trước rất nhiều thông tin quảng cáo, khuyến mãi dễ khiến người mua “hoa mắt”, theo bà Nguyễn Thị Trang Nhung – quản lý marketing ngành hàng gia dụng Hotwell (thuộc Công ty CP Masscom Việt Nam), người tiêu dùng sẽ dễ bị mua nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, tưởng mua rẻ hóa ra rất đắt. Đặc biệt là những trò lừa khá phổ biến thời gian gần đây như không giao hàng khi đã thanh toán trước hay không được đổi trả sản phẩm đã mua…
Theo chia sẻ của các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại, người dùng không nên vội tin theo lời quảng cáo. Bà Ánh Hồng, đại diện hệ thống 24hStore, khuyến cáo: Người dùng chỉ nên mua hàng tại những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng (địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…), không nên kích vào link lạ. Hãy chịu khó đọc các điều kiện và điều khoản của trang web, đặc biệt là những điều khoản bảo hành, đổi trả hàng, hoàn tiền, giao nhận…
Ngoài ra cần liên tục theo dõi, kiểm tra đơn hàng online khi đang còn trên đường giao nhận; kiểm tra gói hàng, quay phim khi khui hàng trước khi xác nhận hoàn tất nhận hàng.
* Nguyễn Duy Vĩ (giám đốc Công ty truyền thông Buzi):
Giám sát và chế tài nghiêm
Khuyến mãi ảo ngày một gia tăng dẫn đến “loạn khuyến mãi”, người tiêu dùng mất niềm tin. Các doanh nghiệp không thể nào “khuyến mãi khủng” kiểu “giảm 70%” thậm chí “mua 1 tặng 1” trong phần lớn thời gian kinh doanh.
Các cơ quan quản lý nên thiết lập hoặc tăng hiệu quả các đường dây nóng để tiếp nhận phản ảnh trực tiếp từ phía người tiêu dùng với các chương trình khuyến mãi “treo đầu dê, bán thịt chó” và có chế tài thật sự đối với đơn vị vi phạm.
Một số cách tránh mua phải khuyến mãi ảo
Để tránh mua phải “bom xịt” khuyến mãi, theo một số chuyên gia bán lẻ, người mua nên khảo sát uy tín của cửa hàng bằng cách xem đánh giá của người mua cũ. Hoặc khách cũng có thể tham khảo các kinh nghiệm săn sale cuối năm trên các diễn đàn để có kinh nghiệm lựa chọn cửa hàng uy tín…
Đôi lúc, chỉ cần vào Google gõ sản phẩm muốn mua cũng có thể tra được giá. Hoặc nhiều sản phẩm, người mua có thể vào các trang web của một số thương hiệu lớn để biết giá thật của mặt hàng chuẩn. Thậm chí hỏi bạn bè, tham khảo ý kiến trong các nhóm bạn cũng có thể có thông tin rất tốt từ những người đã từng mua sản phẩm tương tự.
Bà Nguyễn Thị Trang Nhung tư vấn cần so sánh giá của sản phẩm bạn thấy đang giảm giá với giá cửa hàng khác. Nếu bạn thấy giá của sản phẩm lúc chưa sale với giá thị trường không chênh lệch nhiều thì khuyến mãi đó là khuyến mãi thật. Còn nếu giá của sản phẩm lúc chưa sale tăng cao đột ngột, chênh lệch khá lớn với giá thị trường thì đó là khuyến mãi ảo và không nên mua hàng của cửa hàng đó nữa.
“Rừng” khuyến mãi giảm sâu đến 90 – 100%
Giảm giá 50 – 70% trong TTTM Takashimaya, Q.1 (TP.HCM) vào chiều 7-12
Tiếp nối chuỗi lễ hội mua sắm cuối năm được khởi động từ đầu tháng 11, bước sang tháng 12, lễ hội mua sắm được nhiều sàn thương mại điện tử khởi động. Trong mùa sale cuối năm nay, đây là lần đầu tiên có sàn thương mại điện tử chính thức áp dụng hình thức ưu đãi 100%.
Các sàn như Tiki, Shopee cho biết sẽ tung loạt sản phẩm thương hiệu giảm đến 50%, miễn phí vận chuyển cho đơn từ 0 đồng, cùng cơ hội trúng xe hơi… Hệ thống FPTShop đang giảm giá 5 triệu đồng cho điện thoại Samsung và giảm đến 4,5 triệu đồng cho máy tính bảng Samsung, thiết bị đeo Samsung trong suốt tháng 12.
Hệ thống bán lẻ 24hStore có chương trình nhân đôi bảo hành, gồm cả pin, bên cạnh việc giảm giá loạt sản phẩm như: iPhone 13 Series VN/A chỉ còn từ 19,19 triệu đồng, iPhone cũ từ 3,39 triệu đồng, Apple Watch, AirPods giảm đồng loạt 1 triệu đồng, MacBook Air M1 còn từ 24,7 triệu đồng…
Ông James Dong, tổng giám đốc Lazada Việt Nam và Thái Lan, cho biết trong lễ hội mua sắm sàn sẽ mang đến ưu đãi lớn nhất năm đến 90%.
Bên cạnh khuyến mãi, các sàn còn cho biết kết hợp cùng nhiều đối tác ngân hàng, ví điện tử để triển khai các chương trình ưu đãi nhằm hạn chế sử dụng tiền mặt. Tuy nhiên, người tiêu dùng được nhiều chuyên gia khuyến cáo cần tìm hiểu kỹ để được khuyến mãi thực chất và thực tốt.
Nguồn: tuoitre.vn