Nếu năm 2016, Việt Nam là điểm đến đứng thứ 8 thì năm 2019, Việt Nam đứng thứ 4/40 điểm đến cho các khóa học và thực tập ngắn hạn của sinh viên Úc tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Đó là kết quả một nghiên cứu do chính phủ Úc tài trợ, do GS.TS Nguyễn Thị Lý – Giảng viên người Việt tại Đại học Deakin (Úc) cùng cộng sự thực hiện.
Theo GS Lý, Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu giáo dục, đặc biệt trong mảng học, thực tập ngắn hạn. Và trong 5 – 10 năm nữa, chúng ta có thể tiến đến xuất khẩu giáo dục cho những khóa học dài hạn để lấy bằng cử nhân, thạc sĩ ở Việt Nam.
GS.TS Trần Thị Lý (sinh năm 1975 tại Quảng Trị) là giảng viên tại Khoa Giáo dục, Đại học Deakin, Úc và là Nhà nghiên cứu Tiềm năng (Future Fellow) tại Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Úc.
PV: Việt Nam trở thành điểm đến đứng thứ 4 của sinh viên Úc cho các khóa học và thực tập ngắn hạn. Điều này thể hiện xu hướng dịch chuyển của sinh viên quốc tế hay chứng tỏ tiềm năng “xuất khẩu giáo dục” của Việt Nam?
GS.TS Trần Thị Lý: Việc trở thành điểm đến ưa chuộng của sinh viên Úc vừa thể hiện khuynh hướng dịch chuyển của sinh viên quốc tế lẫn tiềm năng của Việt Nam.
Nếu như trước kia, sinh viên Úc thường hướng đến các nước phát triển như Anh, Canada, Mỹ,… thì 5 năm trở lại đây, với sự ủng hộ của nước sở tại cũng như sự phát triển trong quan hệ ngoại giao, kinh tế chính trị đối với các nước trong khu vực Châu Á, họ bắt đầu nhận thấy tầm quan trọng của việc gửi sinh viên đến các nước Châu Á để học tập.
Việc nước sở tại cấp học bổng hay hỗ trợ kinh phí cho sinh viên theo học các khóa ngắn hạn ở các nước Châu Á cũng góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy xu hướng dịch chuyển sinh viên ngược này.
Nhờ đó, Châu Á đang dần trở thành điểm đến được ưa chuộng cho các khóa học và thực tập ngắn hạn của sinh viên Úc hơn cả những điểm đến truyền thống như Châu Âu, Châu Mỹ.
Đối với sinh viên, việc đến học và thực tập những khóa học ngắn hạn ở Châu Á sẽ giúp họ học được nhiều hơn so với những điểm du học nói tiếng Anh, vì họ có điều kiện được hòa mình vào một môi trường hoàn toàn khác so với Châu Âu, Châu Mỹ – vốn rất quen thuộc. Sự thách thức trong môi trường mới sẽ là điều kiện để họ phát triển văn hóa, khả năng ngôn ngữ cũng như kiến thức chuyên ngành.
Trong xu hướng thuận lợi đó, những trường đại học của Việt Nam cũng khá nhanh nhạy và biết nắm thời cơ khi bắt đầu mở rộng phát triển hợp tác quốc tế với những trường đại học nước ngoài, từ đó tạo ra những chương trình trao đổi sinh viên, khuyến khích thu hút sinh viên để du học và thực tập ngắn hạn ở Việt Nam.
Việt Nam thu hút các sinh viên Úc liệu có phải là do chi phí rẻ?
Sinh viên Úc đến Việt Nam không hoàn toàn do giá thành rẻ. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy rằng, điều họ thường đề cập tới là Việt Nam có nền kinh tế và xã hội phát triển rất năng động và môi trường sống ổn định và an toàn. Họ muốn có cơ hội học tập và trải nghiệm trong môi trường như thế.
Ngoài ra, họ cũng muốn có cơ hội hòa mình vào và tìm hiểu về văn hóa của Việt Nam. Họ cũng nhận thấy Việt Nam là đối tác quan trọng ở Úc. Nếu có cơ hội học tập và trải nghiệm ở Việt Nam và đặc biệt biết về văn hóa Việt Nam thì họ sẽ thuận lợi hơn cho tương lai công việc và cuộc sống ở Úc.
Nhóm khác lại cho rằng, họ đến Việt Nam với hy vọng những trải nghiệm học tập và làm việc ở đây sẽ cho họ cơ hội làm việc ngay tại Việt Nam.
Theo chị, đâu là mấu chốt khiến các trường đại học của Việt Nam dễ dàng hội nhập và thu hút sinh viên quốc tế?
Theo tôi, cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục, kinh nghiệm và sự chủ động trong việc phát triển quan hệ đối tác với các trường nước ngoài để mở ra các khóa học, thực tập ngắn hạn là điều quan trọng, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Hiện nay, một số trường đại học, đặc biệt là các trường ngoài công lập của Việt Nam đang có mối quan hệ với các doanh nghiệp hoặc các công ty khá bền vững và linh hoạt. Điều đó cho phép họ không chỉ mở ra các khóa học ngắn hạn để sinh viên quốc tế tới học tập mà còn mở ra các khóa thực tập liên kết với các doanh nghiệp mà họ hợp tác.
Mặt khác, trong bối cảnh đại dịch, trường đại học nào có hệ thống giảng dạy online phát triển, họ sẽ có rất nhiều điều kiện để hợp tác với các trường quốc tế. Các trường có nền tảng học online tốt có thể tạo ra những khóa học qua hình thức học tập hợp tác trực tuyến giữa trường đại học Việt Nam với các trường đại học nước ngoài; hoặc hình thức khóa thực tập hay trao đổi văn hóa trực tuyến.
Nếu trường công lập chưa mạnh về nền tảng hỗ trợ việc học và thực tập trực tuyến thì họ sẽ không bắt kịp được với các trường tư trong liên kết đào tạo. Những trường nào có sự linh hoạt và có những khóa học online chất lượng sẽ có lợi thế hơn.
Cùng xây dựng thương hiệu du học Việt Nam
GS Trần Thị Lý: “Thay vì nhập khẩu, Việt Nam có tiềm năng là nước xuất khẩu giáo dục” |
Chị nhắc khá nhiều đến tiềm năng đối với khóa học ngắn hạn, vậy còn với các khóa dài hạn thì sao?
Mặc dù tiềm năng để thu hút sinh viên đối với các khóa học dài hạn không hấp dẫn bằng các khóa học ngắn hạn, tuy nhiên vẫn có nhiều triển vọng, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch.
Trước đây điểm đến truyền thống của sinh viên Châu Á là các nước như Anh, Mỹ, Úc, Canada. Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, nhiều gia đình ở Châu Á cũng dần thay đổi quan điểm du học của con em mình.
Việc đi xa nhà hoặc qua một châu lục khác trở nên khó khăn hơn cho sinh viên. Chính vì vậy, các nước như Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Malaysia,… xem đây là cơ hội để thu hút sinh viên trong khu vực Châu Á đến du học ở đất nước họ.
Ngoài ra, với các khóa học dài hạn thường rất ít có học bổng của Chính phủ. Khi đó, giá thành học phí, chi phí sinh hoạt lại trở thành yếu tố khiến họ cần cân nhắc nhiều hơn. Thực tế, Việt Nam có thuận lợi là mặt bằng chi phí khá rẻ so với các nước trong khu vực.
Chất lượng các khóa học cũng là yếu tố đem lại niềm tin cho sinh viên quốc tế khi lựa chọn các điểm đến du học ở các nước Châu Á. Chất lượng khóa học, “ranking” trường sẽ là những yếu tố khiến họ cân nhắc trong quyết định lựa chọn Việt Nam trở thành điểm đến du học.
Theo chị, làm thế nào để có thể xây dựng Việt Nam thành điểm đến được ưa chuộng và bền vững của sinh viên Úc nói riêng và sinh viên quốc tế nói chung?
Ở những nước đã thành công trong việc đưa đất nước của họ trở thành điểm đến của sinh viên quốc tế, một trong những chính sách được đưa ra là kết hợp giữa ngành giáo dục và các ngành khác như thương mại, ngoại giao, du lịch, truyền thông.
Do đó, tôi cho rằng cần phải xem việc quảng bá cho Việt Nam trở thành điểm đến du học đầy hứa hẹn của sinh viên quốc tế, là một sứ mệnh liên ngành chứ không phải của riêng ngành giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh có sự dịch chuyển của sinh viên quốc tế cũng như sự thay đổi về truyền thống của điểm đến du học.
Sinh viên quốc tế đến Việt Nam không chỉ mang tới lợi ích về giáo dục, văn hóa mà còn là cầu nối quan trọng giúp tăng cường hợp tác quốc tế hóa giáo dục, kinh tế và ngoại giao giữa hai nước.
Họ không chỉ nuôi sống các trường bằng học phí mà còn đóng góp vào nền du lịch, quảng bá hình ảnh Việt Nam như một điểm đến du lịch.
Ngoài ra, về phía các trường đại học cần có sự kết hợp với nhau một cách thống nhất và đồng bộ hơn, góp phần cùng xây dựng “thương hiệu” du học Việt Nam.
Ví dụ, sẽ rất có lợi cho các trường đại học nếu thay vì cạnh tranh lẫn nhau trong việc tuyển sinh viên quốc tế, họ sẽ hợp tác lại để cùng nhau quảng bá cho các trường đại học Việt Nam và đất nước Việt Nam như một điểm đến du học đầy hứa hẹn.
Để có được sự hợp tác đồng bộ giữa các trường, cần có sự thành lập hiệp hội, ví dụ như Hiệp hội quốc tế hóa giáo dục của Việt Nam. Hiệp hội đó sẽ đóng vai trò như một cơ quan đứng ra hỗ trợ cho các trường đại học Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm cũng như chiến lược để thúc đẩy các trường đại học Việt Nam một cách đồng bộ.
Nhưng tất cả những hỗ trợ về ngoại giao, truyền thông về hình ảnh cũng không bền vững nếu Việt Nam không có thực lực để cung cấp những dịch vụ du học, bao gồm dịch vụ nhà ở và hỗ trợ hội nhập cho sinh viên quốc tế, và khóa học có chất lượng.
Do đó, điều quan trọng là các trường đại học phải xem xét việc quốc tế hóa phương pháp giảng dạy và học tập cũng như quốc tế hóa những trải nghiệm cho sinh viên để nâng cao chất lượng các khóa học.
Cần huy động kinh phí từ các nguồn đầu tư và tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước cũng như các nguồn thu của trường để hỗ trợ các dự án và sáng kiến thúc đẩy chương trình đào tạo quốc tế chất lượng và được quốc tế công nhận.
Nếu làm được như thế, Việt Nam có thể xuất khẩu giáo dục, đặc biệt trong mảng học, thực tập ngắn hạn. Dựa vào tiền đề này, 5 – 10 năm nữa, chúng ta có thể tiến đến xuất khẩu giáo dục cho những khóa học dài hạn để lấy bằng cử nhân, thạc sĩ ở Việt Nam.
GS.TS Trần Thị Lý (sinh năm 1975 tại Quảng Trị) là giảng viên tại Khoa Giáo dục, Đại học Deakin, Úc và là Nhà nghiên cứu Tiềm năng (Future Fellow) tại Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Úc. Hướng nghiên cứu của chị tập trung vào quốc tế hoá giáo dục, sinh viên quốc tế, sự dịch chuyển của sinh viên (đặc biệt là nhóm sinh viên Ấn Độ – Thái Bình Dương), việc làm của sinh viên quốc tế sau khi tốt nghiệp và giáo dục đại học Việt Nam. Năm 2019, chị là nhà khoa học nữ người Việt có số lượng công bố quốc tế nhiều nhất trong lĩnh vực khoa học xã hội, dựa trên dữ liệu Scopus, được Tạp chí Forbes vinh danh là 1 trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam. Cuối năm 2020, chị nhận giải thưởng Noam Chomsky – Ngôi sao Tỏa sáng về Thành tựu trong nghiên cứu 2020 và có ảnh hưởng sâu sắc tới việc thúc đẩy hợp tác nghiên cứu xuyên quốc gia. |
Nguồn: vietnamnet