“Tôi không muốn dùng từ này, nhưng đúng là bác sĩ điều trị Covid-19 đang bị kỳ thị”, Tiến sĩ Bác sĩ Lê Quốc Hùng bật cười khi kể câu chuyện của mình.
TS BS Lê Quốc Hùng là Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy. Đồng thời, ông phụ trách khu hồi sức 200 giường cho bệnh nhân Covid-19. Kể từ khi Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, ông và các đồng nghiệp tại khoa “gắn bó” tuyệt đối với nCoV.
Bệnh nhân Covid-19 tại Khu hồi sức E của Bệnh viện Chợ Rẫy, tháng 8/2021. |
“Kể từ lúc dịch chưa bùng phát, hay khi các bệnh viện dã chiến được thu gọn, khu cách ly của chúng tôi vẫn duy trì. Hiện tại, có 85 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại đây, là các ca bệnh nặng và nguy kịch”, ông chia sẻ.
Khi đỉnh dịch đi qua, cuộc sống bước sang “bình thường mới”. Nhưng các bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp điều trị Covid-19, không thể có khái niệm bình thường. TS BS Lê Quốc Hùng cũng không phải ngoại lệ.
Gia đình Tiến sĩ Hùng có 3 người. Hết giờ làm, ông trở về nhà. Gia đình luôn đóng kín cửa, khác hoàn toàn không khí khi Covid-19 chưa xuất hiện.
“Không chỉ tôi mà vợ và người nhà cũng hạn chế ra ngoài, tiếp xúc với hàng xóm. Mình hiểu nếu không cẩn thận mình có thể là nguồn lây cho mọi người. Cuộc sống không bình thường chút nào”.
Theo bác sĩ Hùng, vợ ông trước đây rất thích đi chợ, tự tay chọn từng mớ rau, từng loại quả xem có tươi ngon hay không. Còn hiện tại, bà phải “mua bằng mắt”, nghĩa là đặt hàng online và giao tận nhà. Tất cả đều phải tập lại thói quen.
Khi gia đình có những bữa ăn quây quần, bác sĩ Hùng cũng không dám tham gia hoặc vô cùng hạn chế. Bản thân ông dù rất cẩn trọng và nghiêm khắc với kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện, nhưng không tránh được lo lắng có thể vô tình lây bệnh cho người thân.
Hàng xóm rất thương và lo lắng cho gia đình ông. Bất cứ khi nào cần giúp đỡ, những người “tối lửa tắt đèn” đều nhiệt tình, mua đồ giùm và để trước cửa. Nếu bắt buộc phải nói chuyện, cả hai bên đều cố gắng đứng xa, giữ khoảng cách. “Tôi cứ cảm thấy áy náy!”, bác sĩ Hùng kể.
Tuy nhiên, phản ứng trên cũng là dễ hiểu khi dịch bệnh vẫn còn nguy cơ lây lan, bất cứ ai cũng phải tự bảo vệ mình.
“Trước đây tôi không thích dùng từ kỳ thị, nhưng bây giờ đúng là như vậy. Không chỉ với nhân viên của tôi, mà người nhà họ cũng bị như thế. Chỉ cần biết người này làm ở Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, suốt ngày ở với bệnh nhân Covid-19 là người ta… ngại, lo lắng”, ông cười trước “hậu quả tinh thần” dịch bệnh gây ra.
TS BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy. |
Từ tháng 4/2021, Khoa Bệnh nhiệt đới đón bệnh nhân Covid-19 đầu tiên của TP.HCM trong đợt dịch 4. Sau đó, bệnh nhân lác đác kéo dài đến đỉnh dịch vào tháng 7 và 8.
Theo BS Hùng, nhân viên y tế trong khu cách ly E tại Bệnh viện Chợ Rẫy phải làm việc trong không gian nóng nực của đồ phòng hộ gần 7 tháng. Nguy cơ nhiễm bệnh do tiếp xúc F0, có thể lây lan cho gia đình, nên y bác sĩ tự cách ly với người nhà, con cái… trong toàn bộ thời gian trên.
Tại khoa, chỉ có 2-3 trường hợp cá biệt vì con nhỏ nên được linh động xem xét cho nghỉ trong khoảng vài tuần (bao gồm cả thời gian cách ly).
Khi lượng bệnh nhân giảm, ông cũng sắp xếp cho một số nhân viên được nghỉ ngơi, lấy lại sức để tiếp tục cho chặng đường dài. Tuy nhiên, họ cũng không được về nhà vì phải cách ly theo quy định, đảm bảo an toàn cho người thân và cộng đồng.
Đây cũng là tình trạng chung của bất kỳ nhân viên y tế nào tham gia phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt ở khối điều trị.
“Nguyện vọng lớn nhất cho cá nhân tôi và đồng nghiệp? Tất nhiên là dịch chấm dứt càng mau càng tốt.
Không ai muốn làm trong môi trường dịch bệnh mãi. Được trở về cuộc sống và công việc trước đây, nghe thì đơn giản, nhưng rất khó trong tương lai gần”, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay.
Trong 3 tháng qua, Khu hồi sức E do Khoa Bệnh nhiệt đới làm nòng cốt, tiếp nhận khoảng 1.300 ca trong tổng số 3.500 bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Tỷ lệ tử vong tại khoa là 28%, trên 70% bệnh nhân được cứu sống. Tỷ lệ này tương ứng với các Trung tâm hồi sức của nhiều quốc gia (tử vong dưới 35%)
Khu vực này chủ yếu điều trị các ca Covid-19 lớn tuổi với rất nhiều bệnh nền, hoặc phải can thiệp ngoại khoa, phẫu thuật. Do đó, nếu phân tích sâu hơn, tỷ lệ tử vong ở nhóm bệnh nhân Covid-19 nặng phải thở máy tại khu E là 70%.
Nguồn: vietnamnet