Sức mua tăng nhiều vào 2 ngày cuối Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành đã giúp nhiều đơn vị đạt được doanh số đề ra. Nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ tăng mạnh nguồn cung hàng Tết cho TP.HCM nếu xúc tiến sớm đạt hiệu quả.
Lo ngại ảnh hưởng dịch COVID-19 sẽ khiến ít khách nên bà Lê Hà Khánh Vy – đại diện Công ty Duy Anh Foods (TP.HCM) – cho biết đơn vị chỉ mang lượng ít hàng trong ngày đầu hội nghị. Do đó, khi sang 2 ngày cuối sức mua tăng nhanh, đơn vị phải tăng tốc nhập thêm hàng. Tuy vậy, nhiều sản phẩm như bún, mì Quảng, bánh tráng… vẫn “cháy hàng” do cung không kịp nhu cầu.
Theo đó, đơn vị đã xuất bán gần 50 thùng hàng các loại, đặc biệt nhiều khách hàng tỏ ra thích thú với như bún, miến… được làm từ thanh long, rau củ… nên đã mua sỉ số lượng lớn.
Nếu hiệu quả kết nối tốt, các siêu thị nhanh chóng “chốt đơn”, công ty sẽ tăng mạnh nguồn cung ngay trong dịp này để phục vụ nhu cầu Tết này.
Trong khi đó, mang đến hội nghị với hơn 35 mặt hàng đặc sản Lào Cai, ông Nguyễn Hữu Vương – đại diện cửa hàng đặc sản Lào Cai – cho biết dù chưa bằng các năm nhưng nhờ sức mua tăng dần vào các ngày cuối nên doanh thu chương trình đã đạt được mục tiêu đề ra với hơn 80 triệu đồng.
Ngoài ra, đơn vị kỳ vọng sẽ tăng mạnh nguồn cung vào hệ thống cửa hàng, siêu thị tại TP.HCM trong dịp Tết này nhờ đã thương thảo được với nhiều đối tác.
“Hiện mỗi tuần đơn vị nhập vào TP.HCM một chuyến hàng, nhưng cận Tết có thể sẽ tăng 2-3 lần sản lượng để phục vụ nhu cầu của bà con. Giá bán vẫn sẽ giữ ổn định”, ông Vương dự tính.
Sau khi đã trưng bán trên nhiều kênh thương mại điện tử, ông Nguyễn Quốc Khánh – giám đốc Công ty Vườn Bà Ba (tỉnh An Giang) – cho biết mục tiêu tiếp cận các siêu thị, cửa hàng để đẩy mạnh lượng bưởi, xoài sấy bán ra dịp Tết này cơ bản đạt được khi đơn vị đã tiếp cận với 5 hệ thống bán lẻ lớn.
Tuy vậy, theo ông Khánh, để kịp đưa vào bán dịp Tết này thì không dễ, đặc biệt nhiều đơn vị thu mua còn e dè do lo ngại sức mua dịp Tết giảm vì dịch.
“Đơn vị đã chuẩn bị sẵn nguồn hàng cho dịp Tết với bưởi có thể đạt 80 tấn, lượng xoài sấy tăng gấp 2-3 lần bình thường, và khâu vận chuyển có thể đáp ứng tốt. Tuy nhiên, vẫn phải chờ các nhà thu mua ‘đánh tiếng’ mới mạnh dạn tăng nguồn hàng về TP.HCM”, ông Khánh nhận định.
Trong khi đó, đại diện nhiều nhà thu mua cho biết, số lượng doanh nghiệp xúc tiến năm nay không đa dạng bằng mọi năm. Tuy nhiên, nhờ nhóm nhà cung cấp sản xuất thực phẩm thiết yếu tham gia đông nên mục tiêu xúc tiến cơ bản đã đạt được.
Cụ thể, đại diện Saigon Co.op tại hội nghị cho biết đã xúc tiến với hàng chục nhà cung ứng, trong đó 70% là thuộc nhóm hàng thực phẩm.
“Chúng tôi sẽ khẩn trương làm việc với các nhà cung ứng, nếu thuận lợi có thể sớm thu mua đưa vào phục vụ người dân mùa tiêu dùng cao điểm Tết này” – đại diện này nói.
Tương tự, theo đại diện Vincommerce, với hàng ngàn cửa hàng, siêu thị trên khắp cả nước, đơn vị có nhu cầu lớn về nguồn hàng cho dịp Tết này, đặc biệt là dòng sản phẩm thiết yếu. Do đó, nếu nhà cung cấp đáp ứng cơ bản yêu cầu về chất lượng, sản lượng, vận chuyển thì đơn vị sẽ xúc tiến ký kết thu mua sớm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Bùi Tá Hoàng Vũ – giám đốc Sở Công thương TP.HCM – cho biết đơn vị sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xúc tiến, ký kết bằng hình thức online để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đưa hàng về TP, đặc biệt là mặt hàng thiết yếu dịp cận Tết nhằm tăng nguồn cung phục vụ nhu cầu của người dân với mức giá ổn định.
Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành 2021 diễn ra từ ngày 2 đến 5-12, với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp đến từ hơn 45 tỉnh, thành và hơn 600 gian hàng giới thiệu, trưng bán nhiều mặt hàng.
Có 559 hợp đồng được ký kết
Sở Công thương TP.HCM cho biết hội nghị đã có 559 hợp đồng ghi nhớ được ký kết giữa nhà cung ứng và thu mua, trong đó tập trung nhiều sản phẩm thực phẩm, đặc sản vùng miền như hạt điều Bình Phước, thủy hải sản miền Trung, rau quả Nam Bộ…
Giá bán hàng Tết ổn định, thậm chí giảm so với các năm
Nhiều doanh nghiệp, nhà vườn tham gia hội nghị cung cầu năm nay cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên giá thành sản xuất tăng 5-20% tùy mặt hàng. Tuy nhiên, để kích thích sức mua, giá bán các mặt hàng dự kiến vẫn được giữ ở mức ổn định, thậm chí có thể giảm so với các năm trước nếu sức mua cận Tết ở mức thấp.
Nguồn: tuoitre.vn