Số bệnh nhân COVID-19 tử vong trong tuần qua ở mức 172 ca/ngày, trong khi tuần liền kề trước đó mới ở mức 133 ca/ngày. Trong tuần gần nhất đã có 2 ngày số ca tử vong gần chạm mốc 200 ca/ngày.
Sau khi điều 14 bệnh viện chi viện cho TP.HCM và 10 tỉnh thành phía Nam, Bộ Y tế đã có quyết định mới hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm COVID-19 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị hướng dẫn chia người nhiễm COVID-19 thành 4 nhóm nguy cơ:
– Nguy cơ thấp là bệnh nhân tuổi dưới 49, chưa có bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vắc xin, sức khỏe chưa có bất thường, những người này được chăm sóc tại nhà, do trạm y tế, tình nguyện viên, nhân viên y tế quản lý, theo dõi.
– Nguy cơ trung bình là lứa tuổi 50-64 đã tiêm đủ liều vắc xin, hoặc lứa tuổi thấp hơn nhưng tiêm chưa đủ liều, biểu hiện bệnh của bệnh nhân ở mức nhẹ như có sốt nhẹ, ho, đau họng, khó thở nhẹ. Bệnh nhân nguy cơ trung bình được điều trị, theo dõi tại cơ sở điều trị tầng 1 nhưng cần theo dõi sát sao để phát hiện sớm dấu hiệu bệnh, khi có thay đổi phải chuyển tầng cao hơn.
– Nguy cơ cao là bệnh nhân trên 65 tuổi đã tiêm đủ liều vắc xin, có bệnh lý nền, hoặc chưa có bệnh lý nền và chưa tiêm đủ liều, phụ nữ có thai hoặc vừa sinh con dưới 42 ngày, trẻ em dưới 3 tháng tuổi. Nhóm này điều trị tại cơ sở điều trị tầng 2 và theo dõi sát sao.
– Nguy cơ rất cao là nhóm trên 65 tuổi chưa tiêm đủ liều vắc xin, mắc bệnh lý nền, có tình trạng cấp cứu điều trị tại các bệnh viện tầng 2, 3 hoặc Trung tâm Hồi sức cấp cứu bệnh nhân COVID-19 tùy chỉ định của bác sĩ.
Tùy từng mức nguy cơ, Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể về thuốc điều trị.
Đồng thời cho biết có 20 bệnh lý nền có nguy cơ cao khi mắc COVID-19, trong đó có đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư, thận, ghép tạng hoặc ghép tế bào gốc, thừa cân béo phì, bệnh lý mạch máu não, bệnh lý thần kinh, bệnh hồng cầu hình liềm, tăng huyết áp, thiếu hụt miễn dịch, bệnh gan…
Hướng dẫn cũng cho biết có 12 dấu hiệu/biểu hiện mắc COVID-19, gồm ho, sốt, đau đầu, đau họng, rát họng, sổ mũi, ngạt mũi, đau ngực, tức ngực hay đau mỏi người, đau cơ, mất vị giác, mất khứu giức, đau họng, buồn nôn, tiêu chảy.
Khi có các tình trạng rối loạn ý thức, khó thở, thở nhanh, huyết áp tụt… là bệnh nhân đang ở tình trạng cấp cứu.
TP.HCM nghiên cứu tỉ lệ người có kháng thể miễn dịch với SARS-CoV-2
Sáng nay 2-12, Sở Y tế TP.HCM tổ chức buổi họp về việc thực hiện nghiên cứu “Xác định tỉ lệ người dân TP.HCM có kháng thể miễn dịch với SARS-CoV-2 và các yếu tố liên quan đến khả năng mắc bệnh của người dân tại TP”.
Số ca COVID-19 mới tại TP.HCM vẫn ở mức cao, trung bình trong 1 tuần qua (25-11 đến 1-12) trên 1.600 ca. Gần nhất, ngày 1-12 có 1.675 ca, tăng 178 ca so với ngày trước. Tính từ đầu mùa dịch thứ 4 đến nay, TP đã có tổng cộng 468.716 ca COVID-19.
Theo Sở Y tế TP.HCM, số ca COVID-19 đang cách ly tại nhà còn tương đối cao, tập trung ở 8 quận, huyện gồm: quận 12, huyện Hóc Môn, TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh, quận Gò Vấp, quận Bình Tân, quận Tân Phú và huyện Nhà Bè.
Sở Y tế TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM đề xuất Bộ Quốc phòng tiếp tục hỗ trợ duy trì hoạt động 85 trạm y tế lưu động với 153 nhân viên y tế trên địa bàn TP.HCM đến hết tháng 12 này.
Đồng thời, nhằm tránh quá tải cho các khu cách ly tập trung và tạo sự thoải mái trong việc cách ly y tế, TP.HCM đã triển khai các khu cách ly tập trung có thu phí tại khách sạn dành cho đối tượng chuyên gia nhập cảnh, người tiếp xúc gần (F1) người mắc COVID-19.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tính đến tối 1-12 có 80 khách sạn trên địa bàn TP đăng ký làm nơi cách ly tập trung cho F0. Cụ thể, quận 1 (35), quận 3 (5), quận 5 (3), quận 7 (16), quận Bình Thạnh (2), quận Tân Bình (14), TP Thủ Đức (2), huyện Cần Giờ (2) và huyện Củ Chi (1).
TP.HCM chấn chỉnh hoạt động cấp phát, kinh doanh thuốc điều trị COVID-19
Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi đến trung tâm y tế, phòng y tế quận, huyện và TP Thủ Đức; cơ sở bán buôn, cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn thành phố chấn chỉnh hoạt động cấp phát, kinh doanh thuốc điều trị COVID-19.
Theo Sở Y tế TP.HCM, lợi dụng tâm lý lo lắng và nhu cầu dự trữ thuốc điều trị của người bệnh COVID-19, có tình trạng thuốc kháng virus không nguồn gốc, xuất xứ đang được chào bán trên mạng với giá cao.
Việc sử dụng thuốc chưa được cấp giấy phép lưu hành có thể dẫn đến các nguy cơ về sức khỏe như bệnh trở nặng hoặc biến chứng do dùng thuốc giả, dùng thuốc không đúng chỉ định, dùng thuốc cho người có chống chỉ định hoặc không theo dõi tác dụng phụ của thuốc với người bệnh.
Sở Y tế yêu cầu các quận huyện tăng cường tiếp nhận thông tin về việc kinh doanh các thuốc kháng virus trôi nổi trên địa bàn quản lý, tổ chức kiểm tra việc kinh doanh của các cơ sở bán lẻ thuốc và xử lý nghiêm các vi phạm.
Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị, chủ động phòng chống dịch trước nguy cơ biến chủng
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 do biến chủng Omicron trên thế giới và dự báo tình hình dịch COVID-19 trong nước, để chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có yêu cầu Bộ Y tế chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch liên quan biến chủng Omicron, trên cơ sở khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới khẩn trương chuẩn bị các phương án về vắc xin, thuốc điều trị và các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương, nhất là TP.HCM và các tỉnh phía Nam tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin, tăng cường lực lượng, vật tư, trang thiết bị y tế cho các địa bàn, địa phương có diễn biến dịch phức tạp và chủ động triển khai các biện pháp phù hợp điều trị sớm các trường hợp nhiễm mới để hạn chế trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong.
Đồng thời hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, đơn vị khẩn trương nhập khẩu, sản xuất thuốc điều trị COVID-19, thúc đẩy thử nghiệm, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin, thuốc điều trị COVID-19 trong nước.
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
– Hà Nội lại “lập đỉnh”, thêm 469 ca mắc mới ghi nhận ngày 1-12, có 202 ca cộng đồng, 178 ca đã được cách ly và 89 ca trong vùng phong tỏa. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 11.066 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 4.439 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 6.627 ca.
– Ngày 1-12, Lào Cai ghi nhận thêm 4 ca mới, trong đó có 2 ca bệnh chưa rõ nguồn lây, đều là giáo viên trên địa bàn huyện Mường Khương. Tính đến 18h ngày 1-12, Lào Cai ghi nhận 188 ca COVID-19. 150 bệnh nhân đã điều trị khỏi và ra viện.
– Phú Thọ từ 18h ngày 30-11 đến 18h ngày 1-12 ghi nhận 64 ca COVID-19 mới, 16 ca cộng đồng. Tính từ ngày 14-10 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.900 ca COVID-19. Phú Thọ còn 13 vùng phong tỏa, 646 hộ gia đình và 2.510 nhân khẩu bị phong tỏa.
– Thanh Hóa tính từ 16h ngày 30-11 đến 16h ngày 1-12, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 104 bệnh nhân mắc COVID-19 mới. Tính từ ngày 27-4 đến nay, Thanh Hóa ghi nhận 2.604 bệnh nhân COVID-19 cộng dồn; 1.760 người điều trị khỏi được ra viện; 12 bệnh nhân tử vong.
– Từ đêm 30-11 đến sáng 1-12, Thái Bình ghi nhận thêm 28 ca mới tại 8 huyện, thành phố. Trong số đó có 6 ca cộng đồng và 22 ca trong khu cách ly tập trung. Số bệnh nhân COVID-19 từ ngày 10-11-2021 đến 6h ngày 1-12 là 1.159 bệnh nhân.
– Bình Định ngày 1-12 ghi nhận thêm 195 ca bệnh mới (riêng thành phố Quy Nhơn có 70 ca, nâng tổng số ca mắc lên 1.648 ca). Tính từ ngày 28-6-2021 đến nay, tỉnh Bình Định ghi nhận 4.418 người mắc COVID-19, trong đó 2.686 người đã khỏi bệnh, 23 người tử vong.
Nguồn: tuoitre.vn