Việt Nam là một trong 5 quốc gia đạt kết quả ấn tượng nhất về khả năng cải thiện và kết nối thương mại quốc tế trong hai thập kỷ qua, theo báo cáo đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 10 năm công bố Chỉ số kết nối toàn cầu của DHL.
Bốn quốc gia còn lại gồm Mexico, Hà Lan, Cộng hòa Sierra Leone, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.
Theo báo cáo này, các quốc gia trên đã áp dụng những phương thức khác nhau để gia tăng mức độ kết nối, dựa trên cơ hội quốc tế phù hợp nhất với bối cảnh quốc gia mình.
Báo cáo chỉ số kết nối toàn cầu DHL 2021 do DHL và Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York công bố ngày 30-11. Trong lần phát hành thứ 10, báo cáo thường niên này cũng đưa ra những phân tích mới mẻ về tác động của đại dịch lên toàn cầu hóa, được đo lường thông qua các dòng chảy quốc tế về thương mại, vốn, thông tin và con người.
5 lĩnh vực chính giúp cải thiện chỉ số kết nối quốc gia bao gồm: hòa bình và an ninh, môi trường kinh doanh trong nước hấp dẫn, sự mở cửa cho dòng chảy quốc tế, hội nhập khu vực và hỗ trợ xã hội. Đáng chú ý, môi trường kinh doanh hấp dẫn trong nước có thể thúc đẩy chỉ số kết nối toàn cầu tốt hơn cả các chính sách ủng hộ toàn cầu hóa truyền thống.
Cũng theo báo cáo, do ảnh hưởng của đại dịch, xu hướng của các dòng chảy khác nhau, nhưng nhìn chung các chỉ số trước đó có sự giảm nhẹ vào năm 2020 đã tăng trưởng trở lại trong năm 2021. Những thách thức do đại dịch COVID-19 mang lại đã chỉ ra nhiều điểm yếu cần được cải thiện trong tương lai.
Ông John Pearson, tổng giám đốc DHL Express, cho biết nhiều người lo sợ rằng cuộc khủng hoảng toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến tiến trình toàn cầu hóa. Sau khi phân tích, hãng này nhận định rằng đại dịch không khiến toàn cầu hóa sụp đổ..
Không những vậy, sự bứt phá mạnh mẽ của dòng chảy thương mại toàn cầu và tình hình phục hồi kinh tế hiện tại đã tạo ra nhiều cơ hội tăng trưởng cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương, với khối lượng xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa của khu vực châu Á trong năm 2021 được dự đoán sẽ tăng lần lượt là 14,7% và 9,4% so với năm 2019.
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) một khi bắt đầu có hiệu lực vào tháng 1-2022 sẽ góp phần rất lớn cho sự kết nối toàn cầu, phục hồi kinh tế và mang đến sự thịnh vượng cho khu vực.
Trái ngược với những dự đoán trước đây rằng mậu dịch khu vực sẽ “lên ngôi” trong bối cảnh dịch bệnh, bình quân trong năm 2020 thương mại hàng hóa đường dài vẫn chiếm ưu thế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dữ liệu về dòng chảy vốn, thông tin và con người cũng cho thấy không có dấu hiệu của việc chuyển dịch từ toàn cầu hóa sang khu vực hóa.
Nguồn: tuoitre.vn