Sinh ra đã không biết cha mình là ai, một tay người mẹ tảo tần nuôi nấng đến năm học lớp 7 thì mẹ cũng mất, Nguyễn Thị Thùy Trang (thôn Tây, xã Hiền Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) phải vất vả một mình bươn chải lo cuộc sống, vừa lo đến trường.
Nhưng số phận nghiệt ngã đã không thể đánh gục Trang. Cô gái mảnh khảnh ấy vừa đậu vào Trường ĐH Quảng Bình để biến giấc mơ làm giáo viên thành hiện thực.
Tận cùng cô độc
Nhà của Trang đang ở nằm sâu trong một con ngõ của thôn Tây. Ngay phía tường trước mặt đã có gắn tấm bảng “Nhà khăn quàng đỏ”.
Trang vừa kết thúc buổi học trực tuyến trên điện thoại thì lủi thủi sau góc bếp chuẩn bị bữa cơm chiều. Ngôi nhà nhỏ chỉ hơn 50m2 nhưng dáng mảnh khảnh của cô tân sinh viên này vẫn lọt thỏm vì ngôi nhà quá trống trải.
Chuẩn bị bữa ăn đạm bạc xong, Trang bưng đĩa rau muống luộc và chén mắm cà ra chiếc bàn nhỏ ngay trước bàn thờ.
“Từ ngày mẹ mất đến nay đã gần 6 năm, bữa ăn nào em cũng mang ra đây ăn. Nhà chỉ còn một mình, ra đây ngồi ăn để có cảm giác như có mẹ ăn cùng”, Trang lí nhí kể.
Cuộc đời của Trang từ khi ra đời đã đầy sóng gió. Trang mang phận con rơi và cho đến hiện tại Trang cũng chẳng biết cha mình là ai. Thiếu bờ vai ấm của người cha, Trang lớn lên lầm lũi như ngọn măng giữa bụi tre sau nhà. May mắn nhất của Trang là có một người mẹ tảo tần.
Một mình bà đã dãi nắng dầm mưa nuôi Trang ăn học. Được vài năm, một người em của mẹ Trang mất sớm, mẹ Trang phải gồng gánh nuôi luôn con của em gái, không một lời than vãn.
Tưởng như sự đời vá víu đã buông tha cho cô học trò nhỏ, nhưng tai ương lại tiếp tục đổ xuống. Một ngày Trang đi học về năm lớp 7, mẹ đột ngột ngã gục.
Hai ngày sau, mẹ Trang qua đời. Trang chính thức cô độc. Những ngày đầu khi mẹ mất, Trang hoang mang tột cùng. Một cô học trò mới 13 tuổi đầu đã phải một mình chơi vơi giữa đời. Tự lo cái ăn. Tự lo học hành.
Cố gắng sẽ làm được
Khoảng thời gian đầu sau khi mẹ mất là lúc Trang thấy mình yếu đuối nhất. Đã có lúc Trang nghĩ đến chuyện nghỉ học đi học nghề để nhanh kiếm được tiền lo cuộc sống. Nhưng nghĩ đến những năm tháng mẹ vất vả làm thuê làm mướn, dãi nắng dầm mưa kiếm từng đồng cho con đến lớp, Trang không cho phép mình bỏ học.
Biết hoàn cảnh của Trang, cô giáo tổng phụ trách Đội của trường đã lên mạng xã hội kêu gọi hỗ trợ.
Một tổ chức ở khu du lịch Phong Nha đã đồng ý hỗ trợ em mỗi tháng 500.000 đồng đến hết cấp III. Số tiền này Trang phải đắp đổi để lo chi phí học hành và sinh hoạt qua ngày. Để có thêm chút tiền lo việc học, hè năm lớp 9 Trang đã biết đi làm thuê.
Thời điểm đó Trang đi phụ việc cho một trại trồng nấm ở trong làng. Đến năm lớp 11, Trang lại “đầu quân” cho một tiệm làm bánh mì ở gần trung tâm xã để vừa học vừa làm.
Ngồi trong ngôi nhà trống hoác thi thoảng chỉ phảng phất mùi khói nhang trên bàn thờ, điều chúng tôi ngạc nhiên là Trang rất lạc quan.
Không phải Trang mạnh mẽ đến mức có thể vượt qua được nỗi đau mất mẹ nhanh đến thế.
Cũng không phải Trang cứng cáp đến mức có thể tự lo cho cuộc sống của mình, nhưng Trang nói rằng phải gồng mình lên mà chấp nhận thực tế.
Trang đã vượt qua số phận nghiệt ngã để đứng vững suốt 6 năm qua. Bà Lê Thị Thẻ, hàng xóm sát nhà nói cô phải kiên cường lắm mới vượt qua được những chông gai phủ kín đời mình.
Suốt 6 năm từ khi mẹ mất đến khi học xong cấp III, Trang đều đạt học sinh giỏi và tiên tiến. Và điều kỳ diệu là giờ Trang vào được đại học.
“Mẹ cũng mất rồi. Mình không thể gục ngã. Mình mà gục ngã thì sẽ không còn ai đỡ mình dậy nữa. Phải tự đứng dậy. Phải kiên cường để đứng lên. Không còn cách mô khác. Mình cũng phải sống, phải học để mở ra cánh cửa tương lai cho chính mình”, Trang quyết tâm.
Mẹ là sức mạnh
Tuy nghĩ được điều lạc quan, nhưng nhắc đến mẹ trong câu chuyện là mắt Trang lại nhòe đi. Tất cả những kỷ niệm về mẹ lại ùa về. Trang với lấy chiếc điện thoại vừa được người bà con mua cho để học online lật mở ra một tấm hình của người phụ nữ đứng giữa ruộng.
Đó là hình ảnh duy nhất của mẹ Trang còn giữ được. Và nó chính là niềm động viên giúp cô gái này có thể vượt qua những đêm một mình trong 6 năm qua.