Với hàng chục đột biến, Omicron được ví như biến thể Frankenstein vì sự chắp vá các đột biến. Nhiều đột biến thường khiến virus nguy hiểm hơn nhưng cũng có thể đẩy chúng vào con đường tự diệt, theo New York Times.
“Về nguyên tắc, các đột biến cũng có thể hoạt động chống lại nhau. Song, sự chọn lọc tiến hóa có nhiều khả năng dẫn đến sự lây lan của một biến thể mới với các tổ hợp đột biến thuận lợi hơn là bất lợi”, nhà sinh vật học tiến hóa Jesse Bloom nói với báo New York Times.
Trong lúc các quốc gia đang tranh thủ “dựng hàng rào”, các nhà khoa học đã chạy đua với thời gian để thu thập dữ liệu về biến thể mới.
Omicron có khoảng 50 đột biến, trong đó có 26 đột biến đặc trưng. Trong số này có những đột biến được cho là có thể giúp virus lây lan dễ hơn và né được hệ miễn dịch của cơ thể.
Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại các nhà khoa học vẫn chưa khẳng định Omicron có dễ lây và độc lực cao hơn các biến thể khác hay không.
“Điều quan trọng là phải biết được toàn bộ con virus này như thế nào”, nhà virus học Penny Moore thuộc Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nam Phi lưu ý.
Không vội kết luận và bình tĩnh phân tích là bài học kinh nghiệm đã được đúc kết trong suốt đại dịch.
Vào năm ngoái, khi biến thể Beta xuất hiện ở Nam Phi, các nhà khoa học phát hiện biến thể này mang đột biến E484K và tin rằng nó có khả năng tránh hệ miễn dịch. Tuy nhiên Beta cũng có hai đột biến khác làm giảm độ nhạy của vắc xin.
“Sự kết hợp của ba đột biến này khiến Beta có khả năng kháng vắc xin cao hơn loại chỉ có đột biến E484K”, bà Moore giải thích về việc không nên vội kết luận khi chỉ mới thấy một loại đột biến.
Omicron mang một đột biến gọi là N501Y, được cho là có thể giúp virus liên kết chặt chẽ hơn với tế bào người. Đột biến này cũng có trong biến thể Alpha và có liên quan đến khả năng lây lan nhanh của nó.
“Cuối cùng biến thể dễ lây lan hơn lại là Delta dù nó không có đột biến của Alpha. Đó là bởi vì Delta có các đột biến khác giúp tăng khả năng lây nhiễm”, tiến sĩ Bloom giải thích.
Khả năng lây lan của một biến thể không chỉ phụ thuộc vào mức độ liên kết của virus với các thụ thể trên tế bào người. Nó còn phụ thuộc vào tính ổn định của virus, vị trí mà virus nhân lên trong cơ thể người.
Omicron có một nhóm các đột biến hỗ trợ liên kết virus chặt chẽ hơn với các tế bào của con người. “Nhưng hành động cùng nhau, chúng có thể có tác động hơi khác nhau”, tiến sĩ Bloom lưu ý và cho biết vẫn chưa rõ virus hoạt động như thế nào trong cơ thể người.
Thử nghiệm trên virus giả và sống
Hàng chục đội nghiên cứu, bao gồm các hãng dược, đang chạy đua trong phòng thí nghiệm để tìm lời giải đáp về biến thể Omicron.
Điều những người bình dân quan tâm nhất hiện nay là liệu các loại vắc xin hiện tại có khắc chế được biến thể Omicron hay không.
Nhóm của tiến sĩ Moore đang cố gắng tạo ra một virus giả tập hợp tất cả các đột biến của Omicron để thử nghiệm mức độ hiệu quả của vắc xin, thay vì suy đoán dựa trên một tập hợp các đột biến.
Một nhóm khác của ông Alex Sigal, một nhà virus học tại Viện Nghiên cứu Sức khỏe châu Phi, thì phát triển Omicron “sống” và sẽ thử nghiệm dựa trên máu của những người được tiêm chủng đầy đủ, cũng như người có miễn dịch do nhiễm bệnh.
“Có thể trong một vài tuần nữa, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về mức độ lây lan của biến thể này và liệu có cần chế ra vắc xin chuyên trị nó hay không”, ông Bloom kỳ vọng.
Tuy nhiên theo tiến sĩ Bloom, ngay cả khi các loại vắc xin hiện tại vẫn trị được Omicron, đến một lúc nào đó sẽ cần các phiên bản vắc xin mới vì virus đang thu nhận các đột biến nhanh hơn dự kiến.
Nguồn: tuoitre.vn