Bộ Y tế thúc tiêm vắc xin ngừa COVID-19, có địa phương kêu thiếu. Làm sao khắc phục tình trạng chậm tiêm vắc xin vùng Tây Nam Bộ?

Vắc xin nằm kho, ai nói cũng đúng! - Ảnh 1.

Tiêm vắc xin cho học sinh chuẩn bị trở lại trường học 

Trước ý kiến của Bộ Y tế về việc có một số địa phương hiện nay vẫn đang có độ phủ vắc xin COVID-19 khá chậm so với nguồn được phân bổ, nhiều tỉnh miền Tây đã lý giải về chuyện “tồn vắc xin” trong kho.

Mũi 1 Cà Mau cơ bản đã phủ hết, đang yêu cầu các địa phương rà soát tiêm vét. Cà Mau cũng đã hoàn thành tiêm mũi 1 cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên.

Ông Nguyễn Văn Dũng (giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau)

Do chờ thời gian tiêm mũi 2

Tại Bạc Liêu, UBND tỉnh cho biết theo tiến độ phân bổ thì đến tháng 1-2022, tỉnh sẽ nhận được 1.275.000 liều, hiện tại đã nhận được 1.012.829 liều vắc xin.

Tính đến ngày 17-11, Bạc Liêu đã tiêm được 910.656 liều, trong đó mũi 1 là 551.827 liều (tỉ lệ 82,23%) và mũi 2 là 358.829 liều (đạt 53,47% dân số trên 18 tuổi).

Bà Cao Xuân Thu Vân, phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết tỉnh vừa được phân bổ thêm khoảng 118.000 liều vắc xin để tiêm cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi và riêng số vắc xin này sẽ được triển khai tiêm hết trong vòng 1 tuần.

Theo bà Vân, tỉnh Bạc Liêu vẫn đang triển khai quyết liệt tiến độ tiêm vắc xin cho cả hai nhóm trên 18 tuổi và từ 12 đến 17 tuổi.

Đối với nhóm trên 18 tuổi, hiện còn một số trường hợp chưa tiêm được là do nhiều nguyên nhân. Cụ thể như người đang có bệnh lý chưa tiêm được, người đang điều trị bệnh, người dân đang đi lao động ở nơi khác (chẳng hạn như đi biển) chưa trở về… và số còn lại là người đã tiêm mũi 1, chưa đủ thời gian tiêm mũi 2.

Tại Cà Mau, một trong những địa phương xác định vẫn còn tồn vắc xin trong kho, cũng có cách giải thích tương tự. Theo Sở Y tế tỉnh, đến nay số vắc xin đã nhận là 1.567.230 liều, còn tồn 264.726 liều.

Ông Nguyễn Văn Dũng – giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau – giải thích việc “tồn” vắc xin số lượng lớn ở địa phương này là chừa lại để tiêm trả mũi, do chưa đủ thời gian tiêm mũi 2.

Có vắc xin “nằm kho” do dự trữ tiêm mũi 2

Ông Phạm Phú Trường Giang – phó giám đốc phụ trách Sở Y tế TP Cần Thơ – cho rằng việc tiêm chậm nếu dựa theo số liệu phân bổ trên giấy cũng chưa đúng.

“Có khi Bộ Y tế hay Viện Vệ sinh dịch tễ đã có quyết định phân bổ trên giấy tờ cho địa phương rồi, nhưng thực tế chưa nhận vắc xin về làm sao tổ chức tiêm?”, ông Giang nói.

Thực tế, Cần Thơ cũng chỉ nhận được thêm 200.000 liều Vero Cell được phân bổ. Tuy nhiên trong đợt tiêm mũi 1 bằng vắc xin Vero Cell, Cần Thơ có tới 500.000 người dân đã tiêm, vì vậy hiện TP vẫn còn thiếu 300.000 liều vắc xin này để tiêm đủ mũi 2 cho người dân.

Hiện tỉ lệ tiêm cho người trên 18 tuổi mũi 1 đạt 96%, mũi 2 là 38,4%, số vắc xin đã nhận là hơn 1,3 triệu liều đã tiêm hơn 1,2 triệu liều (tỉ lệ 91% số vắc xin đã nhận).

“Quan điểm y tế Cần Thơ là chỉ đạo sát sao việc tiêm vắc xin, nhận hôm trước, hôm sau tiêm liền, chưa bao giờ để tồn đọng vắc xin lâu ở kho.

Còn việc mũi 2 của các loại vắc xin (trừ Vero Cell) tiêm chậm dù đã có đủ vắc xin, thực ra cũng là do chưa tới ngày tiêm theo quy định.

Bên cạnh đó, TP hiện có hơn 50.000 liều Pfizer nguồn được cấp cho người trên 18 tuổi, đang xin Bộ Y tế lấy ra tiêm cho trẻ em mà bộ chưa cho phép”, ông Giang nói thêm.

Ông Nguyễn Ngọc Chơn – giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang – khẳng định liên quan việc tỉ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 1 trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn chưa đạt độ phủ 100% là do việc phân bổ vắc xin từ Bộ Y tế chưa đáp ứng yêu cầu.

Mũi 2 nhu cầu tiêm của người dân khoảng 300.000 liều, trong khi Bộ Y tế phân bổ theo từng đợt rất ít.

Cũng theo ông Chơn, không có chuyện tỉnh Tiền Giang tiêm vắc xin chậm. Vắc xin tồn lại là để tiêm trả mũi 2 phải chờ cho đủ thời gian để tiêm. Chẳng hạn như vắc xin AstraZeneca đúng tuần là từ 8 – 12 tuần mới tiêm được. Nhưng chỉ mới 6 tuần mình đã tiêm trả mũi cho người dân rồi.

Hiện tại, Tiền Giang đã nhận trên 2,5 triệu liều và đã tiêm trên 1,9 triệu liều, đạt 77,4% tổng số vắc xin đã nhận. Nhu cầu cần thêm cho cả người lớn và trẻ em khoảng 400.000 liều.

Đủ điều kiện là tiêm, để “nằm kho” làm gì!

Tại An Giang, ông Trần Quang Hiền – giám đốc Sở Y tế – cho biết An Giang đã nhận trên 2,7 triệu liều vắc xin các loại, hiện tại đã tiêm trên 2,2 triệu liều. An Giang còn gần 500.000 liều vắc xin đang tiêm cho những người mũi 2 và trẻ em từ 12 đến 17 tuổi tiêm mũi 1.

Trong đó, có 200.000 liều là vắc xin tiêm mũi 1 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Nếu như cách đây nửa tháng, An Giang còn gần cả triệu liều để trong kho thì từ khi bùng phát dịch mạnh, tỉnh đã tiêm vắc xin thần tốc ngày đêm.

“Chúng tôi có vắc xin bao nhiêu là tiêm bấy nhiêu. Nhiều địa phương còn vào khu vực phong tỏa, khu cách ly hay tiêm cả ban đêm cho người dân để đẩy nhanh độ bao phủ vắc xin cho bà con càng sớm càng tốt”, ông Hiền nói.

“Các địa phương đều phải làm theo Bộ Y tế về thời gian tiêm của từng loại vắc xin, không thể tiêm sớm hơn thời gian quy định của bộ được. Hiện chúng tôi còn thành lập cả tổ nhập dữ liệu tiêm chủng để đồng bộ cho bà con.

Nếu Bộ Y tế cấp sớm 400.000 liều để tiêm mũi 2 cho người lớn và trẻ em thì trong tháng 11 này chúng tôi sẽ đạt độ bao phủ vắc xin trên 95% mũi 2 toàn tỉnh”, ông Hiền khẳng định.

Nói về tình hình tiêm vắc xin của tỉnh và nhu cầu sắp tới ra sao để đạt mục tiêu bao phủ vắc xin toàn tỉnh như kế hoạch của Bộ Y tế, ông Đoàn Tấn Bửu – phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp – nói: “Do các huyện cung cấp số liệu tiêm cao nhưng thực tế lại chênh lệch mấy trăm ngàn liều. Vì vậy, tôi đang cho anh em tổng hợp lại. Đồng Tháp sẽ có cuộc họp trực tuyến với các địa phương xem tình hình vắc xin thực tiêm bao nhiêu, nhu cầu từ nay đến cuối năm bao nhiêu và số lượng cụ thể trong năm 2022 là bao nhiêu”, ông Bửu nói.

Vì sao Bộ Y tế nói các tỉnh miền Tây còn nhiều vắc xin?

tiemvacxin1

Tiêm vắc xin cho người già và người bị bệnh nền ở phường Đông Xuyên, TP Long Xuyên, An Giang

Các tỉnh phía Nam còn 7,5 triệu liều vắc xin đã chuyển về địa phương nhưng chưa sử dụng.

Theo thông tin của Tuổi Trẻ, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận trên 136 triệu liều vắc xin (mới nhất là 1 triệu liều Moderna do Mỹ viện trợ, vừa nhận ngày 17-11), đã tiêm trên 102,13 triệu liều.

So với số đã tiêm, hiện vẫn còn khoảng 34 triệu liều đang trữ trong các kho, trong đó số đã phân bổ và chuyển về địa phương cho các tỉnh phía Nam chưa sử dụng khoảng 7,5 triệu liều, số đã lưu trữ tại các kho khu vực nhưng chưa chuyển về 6,7 triệu liều.

Ngày 13-11, UBND TP Cần Thơ đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, cho biết năng lực tiêm chủng là 100.000 liều/ngày, tỉ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm 1 mũi vắc xin là trên 95%, tiêm đủ 2 mũi là 36,35%.

So với tỉ lệ chung toàn quốc, tỉ lệ người tiêm đủ 2 mũi của Cần Thơ thấp hơn so với con số chung toàn quốc. Cần Thơ đang rất cần 500.000 liều Vero Cell để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 đến hạn và trên 225.000 liều Pfizer để tiêm cho trẻ em.

Tuy nhiên, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, hiện Cần Thơ đang còn gần 500.000 liều vắc xin các loại (đã chuyển về địa phương và chưa sử dụng), chưa kể số đã được phân bổ nhưng chưa nhận về.

Lãnh đạo của Chương trình tiêm chủng mở rộng cũng cho biết đã phân bổ thêm vắc xin cho Cần Thơ sau đề nghị của Cần Thơ gửi Thủ tướng.

“Có tỉnh phàn nàn cần vắc xin tiêm cho trẻ em nhưng chưa tiêm xong cho người lớn, số lượng vắc xin còn nhiều nên không được phân thêm về”, một lãnh đạo có trách nhiệm liên quan về vắc xin cho biết.

Về số lượng vắc xin mà các tỉnh miền Tây thông báo đang cần, ví dụ như Bạc Liêu, hiện số lượng vắc xin còn tại tỉnh là 120.000 liều, cộng với 500.000 liều đã phân bổ nhưng chưa chuyển về, tổng số đang có và đã phân bổ là 620.000 liều. Nếu Bạc Liêu cần ngay thì vắc xin sẽ được chuyển thêm về.

Hay tỉnh Trà Vinh thông báo cần thêm 470.000 liều thì hiện đang còn gần 250.000 liều ở tỉnh, 220.000 liều ở các huyện. Tiêm hết số này sẽ phân bổ thêm ngay.

Thông tin kể trên cũng cho hay hầu hết các tỉnh miền Tây đều còn một lượng vắc xin đáng kể chưa sử dụng và cần đẩy nhanh tốc độ tiêm.

Bộ Y tế đã yêu cầu nếu hết tháng 11, tỉnh thành nào chưa phủ mũi 1 cho toàn bộ người từ 18 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm.

Trong tình hình số ca mắc mới tăng nhanh kể từ thời điểm nới giãn cách, số ca tử vong toàn quốc có giảm nhưng vẫn đứng ở mức cao, tiêm vắc xin là yếu tố quan trọng để phòng dịch và giảm thiểu số ca tử vong.

Không có vắc xin để tiêm

tiem vc

Chuẩn bị tiêm vắc xin cho trẻ tại một điểm tiêm

Bộ nói còn tồn nhiều vắc xin nhưng trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 17-11, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân cho biết tỉ lệ tiêm bao phủ mũi 1 của tỉnh đến nay chưa đạt 50% do không có vắc xin để tiêm.

“Tỉ lệ phân bổ vắc xin cho tỉnh Sơn La ít, được phân bổ bao nhiêu tỉnh tiêm hết từng đó” – bà Xuân nói.

Theo CDC Sơn La, đến nay tỉnh mới được Bộ Y tế cấp hơn 591.000/1.585.000 liều vắc xin mà tỉnh cần.

Ông Khương Thành Vinh – phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Nam Định – cũng khẳng định nguyên nhân chính là do việc phân bổ vắc xin từ Bộ Y tế chưa đáp ứng yêu cầu.

“Nam Định là 1 trong 10 tỉnh được phân bổ vắc xin thấp nhất cả nước. Năng lực của chúng tôi một ngày có thể tiêm chủng đạt 60.000 – 70.000 mũi, vắc xin về đến đâu là triển khai tiêm ngay đến đó nhưng có những ngày không có mũi nào để tiêm” – ông Vinh cho hay.

Ông Đầu Thanh Tùng, phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết thời gian trước tỉnh được phân bổ vắc xin ít so với quy mô dân số (hơn 3,7 triệu người). Đến nay, tỉ lệ người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin đến hết ngày 16-11 đạt 69,42%.

Ông Dương Đình Chỉnh, giám đốc Sở Y tế Nghệ An, cho biết sở dĩ tỉnh có tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin mức dưới 70%, người từ 18 tuổi trở lên mới chỉ đạt 60% (tính đến ngày 14-11, theo Bộ Y tế) là do nguồn vắc xin về hạn chế.

“Hiện nay tỉnh đang tập trung tiêm mũi 2 cho người dân đủ thời gian mũi 1. Không có chuyện tỉnh Nghệ An tiêm chậm vắc xin cho người dân. Vắc xin về đến đâu, chúng tôi đều phân bổ, tiêm hết đến đó nhanh nhất có thể” – ông Chỉnh khẳng định.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Chậm tiêm vắc xinCOVID-19Tiêm vắc xin ngừa COVID-19Vắc xin nằm kho

Các tin liên quan đến bài viết