Nghĩ về hành trình đi thưa kiện 32 năm ròng rã để đưa sự thật về đúng vị trí vốn có, người lính năm xưa cay đắng thốt lên “tôi đã mất trắng cả tuổi trẻ với bao khao khát cống hiến”.
Căn nhà nằm sâu trong con ngõ thuộc phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) là nơi ông Nguyễn Ngọc Lợi (68 tuổi, quê quán Lâm Thao, Phú Thọ) sinh sống.
Ông Lợi được biết đến là người lính đi B với hành trình 32 năm ròng rã khiếu kiện đòi quyền lợi bị Trường ĐH Y-Dược, Đại học Thái Nguyên tước đoạt vì những hành vi tắc trách.
Chiều 16/11, tiếp phóng viên trong căn nhà rộng chừng 30m2, ông Lợi trầm ngâm khi nghĩ về hành trình đi thưa kiện và kết quả được minh oan sau 32 năm ròng rã. Cay đắng về những gì đã nếm trải, ông thốt lên “tôi đã mất trắng cả tuổi trẻ với bao khao khát cống hiến”.
Ông Nguyễn Ngọc Lợi |
Cuối năm 1972, thời điểm chiến tranh diễn ra ác liệt nhất, cậu học trò Nguyễn Ngọc Lợi viết đơn có chữ ký bằng máu trên lá đơn tình nguyện nhập ngũ rồi lên đường đi B, phục vụ Đoàn X3/2 Khu ủy Khu V.
Sau khi đất nước thống nhất, ông Lợi với sức trẻ và sự hiếu học được cử đi học y tại Trường ĐH Y-Dược Thái Nguyên. Câu chuyện khiếu kiện cũng bắt đầu từ đây khi giữa ông và một số cán bộ nhà trường nảy sinh nhiều mâu thuẫn, khiến cuộc đời ông bất ngờ rẽ hướng.
Ông Lợi bị nhà trường trả thẳng về tỉnh Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ) với những tập hồ sơ được xác định là “giả” và gây bất lợi khiến ông không được bố trí công việc, không có chứng minh nhân thân, không sổ hộ khẩu.
Từ một cán bộ nguồn được Chính phủ cử đi học, ông bỗng dưng rơi vào cảnh như một người lang thang, lạc lõng trong xã hội. Ông cưới vợ không được làm giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh của con không được ghi tên cha và căn nhà không được đứng tên sổ đỏ.
Hành trình thưa kiện của ông trải qua ba đời Thủ tướng gồm các ông Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng và ông Nguyễn Xuân Phúc. Tất cả các lãnh đạo Chính phủ đều có ý kiến chỉ đạo, nhưng vụ việc vì những lý do mập mờ từ phía Trường ĐH Y-Dược Thái Nguyên nên rơi vào bế tắc.
Cho đến khi, Thanh tra Chính phủ với sự vào cuộc trực tiếp của các thanh tra viên cao cấp thuộc Vụ 3, đã gỡ được nút thắt trong hành trình khiếu kiện kéo dài của ông Lợi.
Hình ảnh người lính Nguyễn Ngọc Lợi thời gian đi B. Ảnh phóng viên chụp lại của nhân vật |
Ngày 13/11 vừa qua, giữa ông Lợi và nhà trường đã có biên bản ghi nhớ về việc bồi thường hơn 3,2 tỷ đồng vì những tổn hại đã gây ra cho ông Lợi suốt hơn ba thập kỷ.
“Xã hội này luôn tồn tại công bằng, sự thật sẽ được trả về đúng vị trí của nó”, ông Lợi giọng trầm ngâm khi nói về lý do kiên trì theo đuổi thưa kiện vụ việc của mình.
Nhiều người thắc mắc, suốt hơn ba thập kỷ đi khiếu kiện, ông Nguyễn Ngọc Lợi đã sống như thế nào khi không có chứng minh nhân thân, không có sổ hộ khẩu.
Đi tìm câu trả lời về cuộc sống hàng chục năm của ông, mới nhận ra thật nhiều nuối tiếc và dang dở. Khi không thể làm công việc là bác sĩ mình yêu thích, dù được nhiều bệnh viện nổi tiếng đồng ý tuyển dụng.
Ông nghiên cứu làm luận án tiến sĩ và được một giáo sư nổi tiếng ở CHLB Đức giúp đỡ, nhưng cũng không thể xuất cảnh vì thiếu giấy tờ. Cuộc sống cứ như vậy liên tiếp thử thách sự kiên nhẫn của người đàn ông tài hoa.
Sở dĩ nói ông Lợi tài hoa bởi, ngay từ khi còn là sinh viên tại trường đại học, ông đã làm nên kỳ tích khi sẵn sàng phản biện với một vị giáo sư người Hà Lan và được người này cởi chiếc áo choàng để “tặng cậu sinh viên Nguyễn Ngọc Lợi” trước hơn 2.000 đại biểu.
Chiếc áo này sau đó được tặng lại cho hiệu trưởng nhà trường và được lưu giữ tại phòng truyền thống với lời nhắn “nhờ công giáo dục của các thầy nên em mới có được vinh dự này”.
Bao nhiêu ấp ủ, hoài bão của tuổi trẻ bỗng chốc bị “đánh cắp”, ông Lợi trở lại với hiện thực khi cơm, áo, gạo tiền đè nặng lên đôi vai, áp lực khi phải lo cho gia đình, ông cộng tác cho một số tờ báo ở Hà Nội.
Từ những đồng lương, tiền nhuận bút viết được, ông trích ra một khoản để dùng vào việc đi thưa kiện. Có thời điểm, ông phải làm quần quật cả tháng mới đủ tiền trang trải cho một vài ngày đi khiếu kiện, gõ cửa các cơ quan từ Trung ương xuống địa phương.
Cơ duyên vào buổi chiều đông với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải
Cuối năm 2014, trong một lần công tác ở Hà Nội, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã có cuộc hội ngộ với cấp dưới của mình tại số 11 phố Cột Cờ, quận Ba Đình.
Ông Lợi kể, buổi chiều hôm ấy trời se lạnh, cuộc nói chuyện ngắn xoay quanh cuộc sống hiện tại. Khi biết chuyện ông Lợi vẫn bị “bỏ rơi” suốt bao nhiêu năm, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải im lặng, trầm ngâm rồi sau đó nói lời tạm biệt.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và ông Lợi |
Chỉ một thời gian ngắn sau đó, ông Lợi bất ngờ khi nhận được điện thoại từ chính quyền Hà Nội khi đồng ý cấp lại chứng minh thư nhân dân và cấp sổ đỏ cho căn nhà ông đang sinh sống.
Vậy là, từ buổi chiều ở số 11 phố Cột Cờ, ông Phan Văn Khải đã trao đổi trực tiếp với lãnh đạo UBND TP Hà Nội về việc sẽ bảo lãnh cho trường hợp ông Nguyễn Ngọc Lợi làm các thủ tục liên quan để ông ổn định cuộc sống.
Không chỉ bảo lãnh giúp ông Lợi, ở thời điểm năm 2014 nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải còn trực tiếp đưa ông Lợi đến nhà riêng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để trao đổi. Tại đây, ông Nguyễn Tấn Dũng cho biết đã nắm bắt được sự việc và giao cho Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (khi đó) trực tiếp chỉ đạo.
Từ đó, niềm tin đi khiếu kiện càng trở nên mạnh mẽ thôi thúc ông kiên trì theo đuổi. Sau khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc, trực tiếp chỉ đạo giải quyết vụ việc của ông Lợi là Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm, Vụ 3 với những cán bộ cao cấp, đã phối hợp tìm ra nút thắt, buộc Trường ĐH Y-Dược Thái Nguyên thừa nhận đã giữ hồ sơ gốc của ông Lợi suốt bao nhiêu năm với 57 loại giấy tờ liên quan.
Trong một bản kết luận kiểm tra phát đi ngày 23/2/2021 của Thanh tra Chính phủ, văn bản trên đã “giải oan” cho người lính đi B, bác sĩ Nguyễn Ngọc Lợi. Hơn ba thập kỷ ròng rã sống như bị “bỏ rơi”, ở cái tuổi bên kia sườn dốc cuộc đời, ông Lợi mới được trả lại nhân thân thật sự.
“Nhà trường chưa từng chính thức xin lỗi tôi”, ông nói và cho biết, đôi khi vật chất không thể xoa dịu được những uất ức ông từng nếm trải, mà đơn giản chỉ là một lời xin lỗi thật tâm.
Những lúc tuyệt vọng nhất trong hành trình 32 năm qua ông đã từng “nghĩ đến cái chết”, nhưng vì danh dự bản thân, uy tín của tổ chức đã giúp ông xua đi ý nghĩ đó.
Công lý đã tìm đến ông dù có muộn màng nhưng với ông Lợi, là một người lính cương trực điều đó như giúp ông giải tỏa tảng đá đè nặng suốt bao năm.
“Có lẽ, tôi là bác sĩ duy nhất có hơn 25 năm vẫn giữ mãi một bậc lương”, ông ngậm ngùi chia sẻ.
Nguồn: vietnamnet