Du học tưởng là con đường tất yếu của mọi nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia nhưng tân quán quân Nguyễn Hoàng Khánh lại cho biết mình không hứng thú du học.
Tư duy khác biệt
Tân chủ nhân vòng nguyệt quế của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 21 mang chân dung thú vị của một thế hệ trẻ Việt Nam mới, những người giỏi giang nhưng biết tận hưởng hạnh phúc trong sự hài hòa và dám phá bỏ những khuôn mẫu. Khánh mong muốn sau này được gặp lại các bạn cùng thi chung kết Olympia ở những vị thế mới, “những con người kiến tạo đất nước”.
Khi được hỏi về kế hoạch du học ngay sau chiến thắng ngày 14-11, Hoàng Khánh chia sẻ với báo giới du học mới chỉ là một trong những dự định của bạn chứ không phải là quyết định. Nói kỹ hơn về sự đắn đo này, Hoàng Khánh cho biết thời gian dịch bệnh COVID-19 vừa qua bạn nhận ra rằng “Việt Nam là nơi tuyệt vời để học tập và theo đuổi ước mơ”.
Khánh cho rằng học tập trong nước, bên cạnh gia đình là tốt nhất, quê hương chính là nơi học tập an toàn, lý tưởng với Khánh. Ngay cả khi dịch COVID-19 qua đi, thế giới không bao giờ như cũ, rất có thể lại có những chủng virus mới xuất hiện gieo rắc dịch bệnh khác.
Nhưng dịch bệnh không phải là lý do duy nhất khiến Khánh không hứng thú du học. Theo Khánh, với thời đại công nghệ thông tin như hiện nay thì với Internet ai cũng có thể học mọi thứ trên đời, từ bất cứ đâu. Việc du học không còn là con đường tốt nhất và duy nhất để tìm kiếm bể kiến thức rộng lớn của thế giới như trước đây.
Mẹ Hoàng Khánh – bà Hoàng Thị Thu Giang – cho biết hiện Hoàng Khánh đang có một số cơ hội đi du học nhưng bạn chưa quyết định, trước mắt bạn lo hoàn thành chương trình học cấp III. Trước đó, Hoàng Khánh từng có cơ hội đi học cấp III ở nước ngoài nhưng bạn cũng đã từ chối. Thậm chí Khánh cũng từ chối trường chuyên để học ngay tại ngôi trường ở thị xã Quảng Yên gần nhà.
Biết Khánh tiếp tục học “trường làng” khi vào cấp III, nhiều thầy cô, bạn bè đều ngạc nhiên bởi ai cũng nghĩ học trường chuyên phải là lựa chọn tất yếu của cậu học trò học giỏi nổi tiếng, đã giành được giải nhất học sinh giỏi tiếng Anh cấp thị xã năm 2019; giải nhì học sinh giỏi tiếng Anh cấp thành phố; giải nhất môn hóa học cấp trường năm 2018.
Năm đó, lớp cấp II của Khánh có 36 bạn thì có tới 24 bạn lựa chọn vào trường chuyên, nhưng Khánh nằm trong số 12 người học “trường làng”. Khánh có lý lẽ vững chắc cho lựa chọn khác biệt của mình. Khánh muốn có thời gian để ôn thi Olympia, một cuộc thi yêu cầu độ phủ kiến thức rộng và Khánh muốn có cơ hội có thêm nhiều trải nghiệm cuộc sống chứ không chỉ học chữ.
Thích nhạc Trịnh, yêu thơ Lưu Quang Vũ
Trong phần thi về đích cuộc thi chung kết Olympia, nhiều người đã ngạc nhiên khi chứng kiến Hoàng Khánh đã trả lời đúng câu hỏi đầu tiên dành cho Việt Thái mà Thái không trả lời được. Đó là câu hỏi về tác giả của bài thơ Phố ta với những câu thơ đẹp như “Con chim sẻ của phố ta/Đừng buồn nữa nhá/Bác thợ mộc nói sai rồi/Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa/Tại sao cây táo lại nở hoa? Sao rãnh nước trong veo đến thế?”. Hoàng Khánh đã rất nhanh đưa ra đáp án đúng là Lưu Quang Vũ.
Nói với Tuổi Trẻ, Hoàng Khánh cho biết vì mẹ và bà ngoại đều là cô giáo dạy văn nên Khánh được đọc đủ loại sách từ nhỏ, trong đó có nhiều sách văn học. Trong số các văn nghệ sĩ nước nhà, Khánh thích nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với âm nhạc tuyệt vời của ông và rất yêu những vần thơ của đôi vợ chồng thi sĩ tài năng Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh. Trong di sản thơ Lưu Quang Vũ thì Khánh đặc biệt thích Phố ta bởi tinh thần nhân văn luôn tin vào con người, tin vào điều tốt đẹp ở đời.
Ngoài đọc sách, Khánh còn đọc các báo quan trọng hằng ngày, chủ yếu đọc báo chí nước ngoài. Mê cuộc thi Olympia từ nhỏ nhưng với vòng nguyệt quế của đàn anh cùng quê gốc thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh – Nguyễn Hoàng Cường – 2 năm trước, Hoàng Khánh càng quyết tâm và ôn luyện bài bản hơn.
Tuy thế, Khánh vẫn dành thời gian chơi thể thao rất nhiều, vừa rèn luyện sức khỏe vừa giữ tinh thần được thư giãn, sảng khoái. Khánh là thí sinh cao nhất dự chung kết Olympia 21 với chiều cao 1,75m. Khánh cũng tham gia nhiều hoạt động xã hội như tham gia CLB Hạ Long xanh chuyên làm sạch môi trường và nhiều CLB khác trong trường em. Khánh cũng thích học về lịch sử qua các buổi tham quan bảo tàng, di tích.
Điểm tựa tinh thần
Bố mẹ bận bịu với công việc của viên chức nhà nước, Khánh là con cả trong gia đình có hai anh em trai nên vẫn giúp cha mẹ việc nhà. Mẹ Khánh khoe bạn nấu ăn rất ngon và còn là nhà tư vấn thời trang riêng của mẹ. “Con trai có trách nhiệm trong gia đình, có bản lĩnh, đôi khi trong một số việc Khánh còn là điểm tựa tinh thần cho cả nhà” – mẹ Khánh nói.
Cuộc thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21 là màn so tài của 4 chàng trai, trong đó hai bạn cùng “chung mái nhà” là các trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội: Nguyễn Việt Thái (THPT chuyên ngoại ngữ – Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội), Nguyễn Thiện Hải An (THPT chuyên khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội).
Hai nhà leo núi còn lại là Nguyễn Đình Duy Anh (THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) và Nguyễn Hoàng Khánh (THPT Bạch Đằng, Quảng Ninh). Với 315 điểm, Hoàng Khánh xuất sắc giành vòng nguyệt quế, Hải An về nhì với 240 điểm, Việt Thái 155 điểm và Duy Anh 60 điểm cùng giành giải ba.
Ấp ủ chinh phục Olympia từ sớm
Điểm cầu Trường THPT Bạch Đằng vỡ òa khi Nguyễn Hoàng Khánh trở thành nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 21
Điểm cầu Quảng Ninh tại khu di tích đền thờ Trần Hưng Đạo và miếu Vua Bà thuộc thị xã Quảng Yên ngày 14-11 vỡ òa trong niềm tự hào của hàng trăm “cổ động viên” là học sinh, thầy cô giáo Trường THPT Bạch Đằng khi thí sinh Nguyễn Hoàng Khánh xuất sắc giành giải nhất cuộc thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21.
Cô giáo Bùi Thị Hải Yến – hiệu trưởng Trường THPT Bạch Đằng – bày tỏ sự tự hào khi học trò của trường đã thể hiện hết mình để giành được vinh quang và với nhà trường, đây là món quà rất ý nghĩa mà Khánh đã dâng tặng nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập trường sắp diễn ra.
Nói về quá trình để đạt được thành tích trên của Hoàng Khánh, cô Yến nhớ lại ngay từ thời điểm vào lớp 10, một cậu học trò rất nhỏ đã bước vào phòng cô hiệu trưởng để nói rằng “em mong muốn sẽ được tham gia thi Đường lên đỉnh Olympia”.
“Ngay lúc đó tôi đã nhìn thấy một gương mặt học trò rất điềm đạm, toát lên niềm đam mê học tập và sự bình tĩnh. Chúng tôi đã thực hiện kế hoạch trong năm học 2019 – 2020 và xây dựng một chương trình để có thể giúp các em học sinh có một sân chơi ngay tại trường, tuy nhiên dịch bệnh COVID-19 đã làm gián đoạn tất cả.
Bản thân Hoàng Khánh đã tự học tập cùng các thầy cô, bạn bè và đặc biệt em tham gia những chương trình thi trên hệ thống mạng để trau dồi tri thức. Cá nhân tôi hoàn toàn tự hào với những gì Khánh đã cố gắng, cuộc thi này cũng là một trong những bước khởi đầu để em tiếp tục trên chặng đường khám phá tri thức” – cô Yến chia sẻ.
Chung niềm tự hào, nam sinh Vũ Anh Đức – bạn học cùng lớp 12A1 của Hoàng Khánh – hóm hỉnh nói về việc Khánh đoạt vòng nguyệt quế cũng là lần thứ 3 tỉnh Quảng Ninh có ngôi vương tại cuộc thi Olympia, tương ứng với lịch sử ba lần đại thắng quân Nguyên – Mông mà điểm cầu hôm nay đặt đúng ở khu di tích lịch sử đền thờ Trần Hưng Đạo.
“Ở trường, Khánh luôn thể hiện sự điềm đạm, khiêm tốn, ít thể hiện bản thân mình nhưng khi bước vào các cuộc thi hay tham gia những hoạt động xã hội thì cậu ấy luôn khiến người xung quanh phải tâm phục khẩu phục trước tài năng và sự nỗ lực” – Đức chia sẻ.
Nguồn: tuoitre.vn