Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để xây dựng nền tảng dạy học trực tuyến mang tầm quốc gia nhằm giải quyết vấn đề căn cơ trong dạy – học trực tuyến.
Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khi trả lời chất vấn của đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Phước trong phiên chất vấn hôm nay (11-11).
Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điểu Huỳnh Sang chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn
Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, việc tổ chức đào tạo theo hình thức trực tuyến nói chung và dạy học theo hình thức trực tuyến nói riêng cũng là giải pháp tình thế để duy trì và giữ học sinh, sinh viên không dừng việc học. Tuy nhiên, việc đào tạo theo hình thức này hiện nay chưa có kế hoạch bài bản cũng như chưa có sự chuẩn bị chu đáo, do còn nhiều khó khăn, bất cập.
Bộ trưởng chỉ đề cập đến việc thiếu, yếu về hạ tầng, cơ sở vật chất như đường truyền và máy tính cũng như thiếu về kỹ năng của giáo viên, của học sinh, “kỹ năng đồng hành của phụ huynh”. Tuy nhiên ở đây, giải pháp căn cơ cũng như vấn đề đặt ra trong thực tế chúng ta thấy việc học này thiếu sự hỗ trợ bài toán quản trị, dạy học ứng dụng công nghệ và có thể đánh giá trong quá trình dạy học. Vậy, giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới như thế nào để đảm bảo căn cơ về chất lượng đào tạo theo hình thức đào tạo trực tuyến nói chung và dạy học theo hình thức trực tuyến nói riêng để đảm bảo chất lượng GD&ĐT khi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp? |
Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điểu Huỳnh Sang |
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông giải quyết được một số việc mang tính cụ thể. Trong số 1.919 điểm lõm sóng, chỉ trong vòng 2 tháng Bộ Thông tin và Truyền thông đã giải quyết được 283 điểm tăng cường ngay và kịp thời. Như vậy, việc lõm sóng còn ở rất nhiều nơi, đấy là một phần của hạ tầng phải tăng cường. Cần phải xây dựng một nền tảng để học tập trực tuyến đủ lớn mang tầm quốc gia. Việc này các tập đoàn lớn trong hệ thống của Bưu chính Viễn thông cũng phải tham gia trong một kế hoạch lớn thuộc về chuyển đổi số toàn quốc gia, chứ không để mỗi nơi có một nền tảng khác nhau làm một kiểu, như vậy sẽ thiếu tính bền vững và lâu dài.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời về giải pháp học trực tuyến trong thời gian tới
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, các quy định, hướng dẫn hiện nay tương đối đầy đủ nhưng vẫn còn đang thiên về tính ứng phó tạm thời. Cho nên sau đợt ứng phó với dịch bệnh này, Bộ GD&ĐT sẽ có đánh giá sâu hơn và pháp chế hóa cho một số các văn bản còn có tính chất hướng dẫn quy định tạm thời. Đây là việc đảm bảo bền vững và lâu dài.
Về giải pháp căn cơ thì cần phải xây dựng một kho học liệu, bộ cơ sở dữ liệu đủ lớn để khi có một nền tảng thì việc học tập trực tuyến sẽ đảm bảo. Trong chiến lược của Bộ GD&ĐT, chuyển đổi số là một trong các đột phá chiến lược của ngành thời gian sắp tới. Trong chiến lược về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của ngành giáo dục, nước ta đã có các nội dung liên quan đến việc chuẩn bị một cách bền vững lâu dài cho việc chuyển đổi này. |
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn |
Về tư tưởng và nhận thức, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, việc dạy trực tuyến lúc này đang là hình thức ứng phó tạm thời nhưng vẫn là một công việc lâu dài, ngay cả khi dịch đã ổn định thì vẫn là một nội dung quan trọng mà ngành cần phải đưa vào thực hiện trong tầm chiến lược của mình.
Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, phần lõm sóng di động sẽ cố gắng phủ trong năm nay, chậm nhất tháng 1-2022 là phủ kín. Về phát triển các nền tảng học trực tuyến, có 6 nền tảng Made in Việt Nam đang được cung ứng miễn phí và có 10 triệu học sinh đang sử dụng. Bộ GD&ĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông đang soạn thảo tiêu chí, tiêu chuẩn cho các nền tảng này và sẽ tổ chức đánh giá, công bố.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thông tin về việc đầu tư hạ tầng học trực tuyến
Về vấn đề an toàn thông tin, các thiết bị đầu cuối và nền tảng đào tạo trực tuyến, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo phát triển 1 phần mềm để cài vào máy tính, điện thoại thông minh giúp cha mẹ kiểm soát con truy cập các trang web. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, chương trình chuyển đổi số quốc gia có ưu tiên cao cho chuyển đổi số của ngành GD&ĐT.
Theo Báo Bình Phước