Trong khi các khu vực trung tâm cơ bản được kiểm soát, số ca mắc COVID-19 tại các vùng ngoại thành của TP.HCM đang có chiều hướng tăng cao trong những ngày gần đây.
Sau Nhà Bè, việc huyện Cần Giờ “chuyển màu” từ vàng (nguy cơ trung bình) sang cam (nguy cơ cao) vào sáng 8-11 khiến nhiều người bất ngờ.
Không chỉ cách xa trung tâm TP.HCM, thường xuyên duy trì ở mức nguy cơ thấp, huyện Cần Giờ vốn là địa phương có mật độ dân cư thưa thớt, đặc biệt không có các khu công nghiệp. Vậy nguồn lây từ đâu?
Giải mã hiện tượng Cần Giờ
Như thông lệ mỗi tuần một lần, chiều 8-11 UBND TP.HCM thông báo kết quả đánh giá cấp độ dịch theo nghị quyết 128 của Chính phủ và quyết định số 4800 của Bộ Y tế. So với đợt đánh giá lần đầu tiên (1-11), lần này tổng thể về tình hình dịch của TP không thay đổi, vẫn cấp độ 2 (vùng vàng, nguy cơ trung bình).
Tuy vậy ở cấp độ dịch từng quận huyện, phường xã, thị trấn thì có sự thay đổi đáng kể. Dịch có xu hướng dạt ra các quận huyện vùng ven, chủ yếu tập trung ở một số địa phương có nhiều khu công nghiệp hoặc có lượng lớn người làm trong các khu công nghiệp như huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Cần Giờ, quận 12…
Trong đó 2 huyện Nhà Bè và Cần Giờ đang rơi vào cấp độ 3 (nguy cơ cao); Bình Chánh, Hóc Môn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình); chỉ duy nhất Củ Chi vẫn giữ vững vùng xanh.
Theo các chuyên gia y tế, việc Cần Giờ rơi vào vùng nguy cơ cao là khá bất ngờ. Bởi thời gian qua địa phương luôn duy trì ở cấp 1 (vùng xanh, nguy cơ thấp). Cần Giờ cũng là địa phương đầu tiên tại TP.HCM cho phép học sinh lớp 1, 2, 6, 9, 12 của Trường tiểu học Thạnh An và Trường THCS-THPT Thạnh An được đến trường từ ngày 20-10.
Số liệu cập nhật cho thấy nếu trước đây một ngày địa phương này chỉ 5 – 10 ca, thậm chí không có ca nào, thì từ ngày 1-11 đến 6-11, số ca nhiễm thường trên 20 ca, có khi tăng vọt lên 46 ca. Tương tự tại huyện “vùng cam” Nhà Bè đang có đến 395 ổ dịch hộ gia đình và 19 ổ dịch cộng đồng.
Giải mã việc “chuyển màu”, bác sĩ Đoàn Ngọc Huệ – giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ – cho rằng khi mở cửa, tất yếu số ca mắc sẽ có xu hướng tăng. Huyện Cần Giờ tuy không có khu công nghiệp, nhưng theo bác sĩ Huệ, lại giáp ranh các quận huyện có khu công nghiệp (Tân Thuận, Hiệp Phước, Long Hậu). Do đó có nhiều công nhân sống ở Cần Giờ qua lại các địa phương làm việc, được xét nghiệm rồi phát hiện bệnh; một số ít bệnh nhân đi khám ở các bệnh viện, còn riêng mầm bệnh ở cộng đồng hiện gần như “chưa được phát hiện”.
Số ca mắc tăng, nhưng bác sĩ Huệ cho rằng “không đáng lo ngại” bởi các F0 đều được tiêm chủng vắc xin đầy đủ; việc kiểm soát dịch trên địa bàn đang ổn và các hoạt động đi lại, sản xuất kinh doanh, du lịch vẫn diễn ra bình thường.
“Cần Giờ gần như phủ vắc xin 2 mũi cho người dân, còn học sinh cơ bản cũng đã phủ xong mũi 1. Mới đây có 400 F0 gần như không có triệu chứng, chỉ 1 ca chuyển viện do bệnh lý nền xuất huyết tiêu hóa” – bác sĩ Huệ nói.
Số ca tăng nhưng tỉ lệ nặng thấp
Chiều 8-11, chúng tôi theo chân nhân viên y tế của Trạm y tế xã Nhị Bình (huyện Hóc Môn) lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho 2 hộ gia đình (6 người) thuộc tổ 4, ấp 1. Tất cả đều cho kết quả xét nghiệm nhanh dương tính. Trong 6 người này có 4 người lớn đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Hầu hết các F0 này không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ như đau họng.
Đại diện trạm y tế xã cho biết hiện xã có khoảng 16.000 dân. Từ giữa tháng 10 đến nay, số ca dương tính trên địa bàn gia tăng, có ngày đỉnh điểm lên 40 ca. “Đến thời điểm này xã đã xác định có 5 ổ dịch cộng đồng, 3 ổ dịch hộ gia đình và 2 ổ dịch nằm ở khu nhà trọ, chủ yếu là công nhân, trong đó có nhiều người làm việc ở các công ty, xí nghiệp thuộc khu công nghiệp tại Bình Dương” – vị này nói.
Một lãnh đạo huyện Hóc Môn nhận định địa bàn huyện là khu vực có nhiều nguy cơ như có mật độ dân số lớn, phòng trọ nhiều. Ngoài ra ở các xã tiếp giáp với huyện Bình Chánh và một số huyện của tỉnh Long An có nhiều khu công nghiệp cũng là những nơi phát sinh số lượng F0 lớn.
“Số ca F0 nhiều, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, điều này đã được chúng tôi dự liệu khi nhiều dịch vụ mở cửa trở lại. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay khác thời điểm bùng dịch trước đó bởi đã có 90% người dân chích ngừa đủ 2 mũi, hệ thống y tế địa phương có kinh nghiệm, có sự phân công rõ ràng, có thuốc điều trị và phác đồ cho từng trường hợp theo mức độ nặng nhẹ” – lãnh đạo huyện Hóc Môn chia sẻ.
Theo đánh giá từ ngành y tế và các địa phương, phần lớn các ca mắc COVID-19 gần đây đều làm ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Điều này, theo một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, xuất phát từ việc nhiều khu vực công nghiệp, nhà máy cho hoạt động trở lại đã tiến hành xét nghiệm cho công nhân trước khi đi làm hoặc xét nghiệm định kỳ để đảm bảo duy trì sản xuất an toàn.
Tuy số ca có tăng nhưng hầu hết các trường hợp đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ; số ca phải nhập viện điều trị vì thế cũng chiếm tỉ lệ nhỏ. Nguyên nhân một phần lớn là do tỉ lệ tiêm chủng vắc xin tại các địa phương đạt khá cao. Theo số liệu công bố ngày 8-11, tỉ lệ tiêm vắc xin tại huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Cần Giờ, quận 12… đều đạt 100% mũi 1 và trên 90% mũi 2.
Tâm lý người dân có chủ quan
Theo lãnh đạo huyện Hóc Môn, sau ngày 1-10 nhiều dịch vụ được mở cửa, người dân đi lại và tiếp xúc nhiều nên dịch lây lan nhanh và nhiều hơn giai đoạn còn giãn cách. Và thực tế, sau khi TP.HCM vượt qua cao điểm dịch đợt 4, tâm lý người dân có chủ quan trong việc tiếp xúc với hàng xóm, nơi công cộng… cũng là lý do làm cho số ca F0 tăng.
“Dù mật độ dân cư thưa, nhà ở cách xa nhau nhưng nhiều người dân ở đây vẫn giao lưu, nói chuyện thoải mái với nhau mà không đeo khẩu trang. Bên cạnh nâng cao xét nghiệm, phát túi thuốc kịp thời cho các F0 thì chúng tôi phải tăng cường truyền thông người dân tuân thủ biện pháp 5K” – một nhân viên Trạm y tế Nhị Bình nói.
Xét nghiệm ít nhất 6.000 mẫu/ngày
Trao đổi bên lề kỳ họp Quốc hội khóa XV, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết dịch bệnh ở một số địa bàn đang có xu hướng tăng và TP sẽ xét nghiệm theo quy mô 4 người/1.000 dân. Theo ông, dựa theo dân số khoảng 10 triệu người, mỗi ngày TP phải xét nghiệm ít nhất 6.000 mẫu. Việc xét nghiệm diễn ra thường xuyên nhằm có đánh giá chính xác hơn về sự tăng hoặc giảm của dịch bệnh, từ đó có những cảnh báo sát thực tiễn hơn.
Người đứng đầu UBND TP.HCM cũng cho biết TP đang cân nhắc, có thể giữa tháng 11 sẽ có một vài điều chỉnh sát với nghị quyết 128. Cụ thể, tùy theo hoạt động, với cấp độ 1 có thể hoạt động 100%, cấp độ 2 hoạt động 75%, cấp độ 3 hoạt động 50% và cấp độ 4 còn 25% hoặc phải tạm ngưng.
Nguồn: tuoitre.vn