Những năm gần đây, trào lưu tìm kiếm tài năng nhí mà các nhà sản xuất chương trình thổi phồng thành những “thần đồng nhí” về mọi lĩnh vực trên các kênh truyền hình từ quốc gia đến khu vực, địa phương ngập tràn màn hình tivi.

Em Phùng Nguyễn Minh Khang trong chương trình “Điều con muốn nói” – ảnh internet

Phải thừa nhận những cuộc thi tìm kiếm tài năng, từ nghệ thuật đến toán học cùng kỹ năng khác đã tạo sân chơi hấp dẫn, là cơ hội để các bé phô diễn tài năng, hình thành và hoàn thiện khả năng giao tiếp trước đám đông, để độc lập trong suy nghĩ, hành động và kích thích khả năng đặc biệt của các bé. Bên cạnh đó, cũng có những mặt trái mà nguyên nhân chính là do người lớn bị lóa mắt bởi ánh hào quang về danh hiệu “quán quân”, “thần đồng”, “thần tượng”… để rồi ép các bé sớm trở thành người lớn, khiến các em mất đi sự hồn nhiên, vô tư trong sáng.

Thật khó liệt kê hết những game show truyền hình dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Trong đó, Biệt tài tí hon, Giọng hát Việt nhí, Bước nhảy hoàn vũ nhí… là những chương trình hot, thu hút người xem nhiều nhất. Trong 3 buổi tối cuối tuần, khán giả truyền hình có cảm giác “bội thực” khi không thể phân biệt rành rẽ những gương mặt trẻ thơ đang “gồng mình” phô diễn tài năng, nhập vai người lớn.

Trẻ em, sau khi đăng quang những chương trình nêu trên đều thành sao. Có thể kể một số “sao” từ các cuộc thi như: “thánh nói” Phùng Nguyễn Minh Khang 6 tuổi với sự hoạt ngôn, thông minh và trí nhớ đặc biệt, trở thành hiện tượng của chương trình Biệt tài tí hon. Là Mộc Quế Anh với biệt tài hóa thân vào các MC, người mẫu nổi tiếng một cách sáng tạo. Là Nguyễn Gia Như, được mệnh danh là Nữ hoàng Ai Cập trong Biệt tài tí hon mùa 1. Lĩnh vực âm nhạc có Nguyễn Quang Anh, với giọng hát đẹp đã đoạt quán quân Giọng hát Việt nhí và Phương Mỹ Chi, á quân Giọng hát Việt nhí mùa thứ nhất. Đặc biệt, ca sĩ nhí Hồ Văn Cường – “cậu bé dân ca” hoàn cảnh gia đình rất khó khăn đã đăng quang Vietnam Idol Kids năm 2016.

Trên một số tờ báo gần đây, thi thoảng đưa thông tin về các “thần đồng”. Có bé mới hơn 2 tuổi, đang ngồi xem tivi cùng ba mẹ, tự nhiên đọc vanh vách những dòng chữ chạy trên màn hình. Có bé xuất thần vẽ những bức tranh theo trường phái lập thể. Lại có bé tự nhiên biết làm thơ Đường luật mà chưa thuộc 24 chữ cái… Trong những trường hợp đó, hầu hết các bậc cha mẹ đều ngộ nhận con mình là “thần đồng”. Họ vội vàng thông tin cho báo chí, vội vàng khai thác tối đa những khả năng đặc biệt của con như: khuyến khích đọc thật nhiều, vẽ thật nhiều, làm thơ thật nhiều. Họ muốn có thật nhiều người biết đến khả năng đặc biệt của con mình. Nhưng đến một giai đoạn nhất định, những khả năng đặc biệt ở các bé tự nhiên mất đi. Điều đáng nói là nhiều bé được coi như “thần đồng” ở một lĩnh vực nào đó lại học rất kém so với các bạn đồng lứa. Có bé đến lớp chỉ ngồi một mình, không hòa nhập được với các bạn vì luôn nghĩ mình giỏi hơn. Lại có bé không thể tham gia các trò chơi vì không có khả năng. Nhiều bậc cha mẹ, vì đã lỡ ngộ nhận con mình là thần đồng, nên dù thấy những biểu hiện bất thường ở con cũng không đưa bé đi khám bệnh. Kết quả là một số bé trở nên lập dị hoặc thiểu năng, mang bệnh suốt đời.

Ở một khía cạnh khác, nhiều phụ huynh chỉ mong con được nổi tiếng khi tham gia một chương trình nào đó, cát xê hay chi phí cho cuộc thi không quan trọng. Có trường hợp quá khao khát con được nổi tiếng, sẵn sàng chi tiền cho nhà sản xuất. Nhiều phụ huynh cạnh tranh thiếu lành mạnh để con có cơ hội tham gia hoặc đoạt giải, bất chấp những tổn thương mà chính con mình có thể gặp phải. Khi những cuộc cạnh tranh thiếu lành mạnh đó bị rò rỉ ra ngoài khiến dư luận ồn ào, những em bé ngây thơ vô tình trở thành nạn nhân của “búa rìu” dư luận.

Để tạo sự chú ý, đạo diễn và nhà sản xuất sẵn sàng cho trẻ nhỏ mặc trang phục sành điệu, hở hang, uốn éo cơ thể theo những giai điệu sôi động, cất lên những ca từ mà chính các em không hiểu nội dung của nó ra sao. Có cô bé, cậu bé sún răng, nói còn ngọng vẫn cố lên gân thể hiện những tác phẩm với người lớn còn thấy khó như: Xa khơi, Huyền thoại hồ Núi Cốc, Giấc mơ Chapi; hay uốn éo với các bài nhảy Taxi, Bay, Đường cong; hoặc nức nở với Cát bụi, Tình lỡ… Một số nhà sản xuất còn giật tít “sốc” trên YouTube, trang fanpage chương trình để thu hút khán giả như: Sốc với cô bé 12 tuổi muốn làm con trai, Xúc động trước cô bé “come out” với mẹ đầy văn minh và tình cảm… Những cái tít như thế vô tình làm tổn thương các bé tham gia chương trình… Vì thế, có vị đại biểu Quốc hội đã từng phát biểu trên diễn đàn: “Các kịch bản game show đều hướng đến sự cạnh tranh khốc liệt với những chiêu trò nhằm thu hút người xem mà ở đó trẻ em không khác gì những con rối trong tay các nhà sản xuất”.

Đã là thi thì phải có thắng – thua. Nhiều cuộc thi không còn là cuộc chơi vô tư, trẻ bước vào mỗi đêm thi với tâm thế của một chiến binh. Nhìn những gương mặt non nớt căng thẳng trong giây phút công bố kết quả, nhìn những em bé hồn nhiên, trong sáng ngã khuỵu trên sân khấu, khóc như mưa khi biết mình bị loại làm khán giả thấy nhói lòng. Kẻ thua đã vậy, người thắng cuộc cũng không sung sướng gì. Vài năm trước, cơn bão dư luận soi mói, ác ý đổ ụp lên đầu giọng dân ca ngọt ngào Phương Mỹ Chi là “mặc áo không quần”. Cậu bé Hồ Văn Cường bị anti-fan “ném đá”
tơi bời vì “đem hoàn cảnh nghèo khó để câu lòng thương khán giả”. Và gần đây, em đang khổ sở vì dính vào thị phi ồn ào khác… Những tổn thương tâm lý đó, trẻ em nào chịu nổi!

Ở nước ta, ngoài các vị thần đồng được vinh danh trong truyện kể dân gian như: Trạng Quỳnh, Xiển Bột, cũng đã từng xuất hiện những người có khả năng đặc biệt như nhà thơ Trần Đăng Khoa, mới 5-7 tuổi đã viết ra những câu thơ để đời. Tuy nhiên, phần lớn những khả năng ấy chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn rồi tắt. Hạn hữu lắm mới có người trụ được với khả năng phát tiết ban đầu như nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhưng những gì đóng góp cho xã hội cũng chưa thể mang tầm cỡ của một thần đồng!

Người Việt Nam có câu “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Tinh hoa dân tộc ở mỗi thời đại chỉ dồn vào số ít người. Những người tài giỏi phát lộ sớm lại càng đáng quý. Tuy nhiên, tài năng vốn chỉ dành cho số ít cá nhân có khả năng thiên phú và qua nhiều năm tháng chăm chỉ khổ luyện. Vì thế, các bậc cha mẹ đừng vì thứ phù hoa rực rỡ của các danh hiệu “thần đồng”, “biệt tài”, “thần tượng”… mà “khoác” lên vai con mình gánh nặng khi chúng còn quá nhỏ.

Theo Báo Bình Phước

Từ khóa : áp lực họcdanh hiệugánh nặng

Các tin liên quan đến bài viết