Tính đến sáng 2-11, thế giới đã ghi nhận hơn 247 triệu ca COVID-19, trong đó có 5,02 triệu ca không qua khỏi. Số ca đang phải điều trị hiện là hơn 18,2 triệu ca, trong đó có hơn 73.350 ca trong tình trạng nguy kịch.

Thêm nhiều chuyên gia lý giải COVID-19 là bệnh tuần hoàn, mạch máu hơn là bệnh phổi - Ảnh 1.

Khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng 

COVID-19 tấn công phổi, nội mạc mạch máu và nhiều cơ quan nội tạng

Theo một nghiên cứu quốc tế mới công bố gần đây, ban đầu các chuyên gia nhầm tưởng COVID-19 là bệnh phổi do virus tấn công phổi và gây nhiều triệu chứng hô hấp.

Tuy nhiên càng về sau khảo sát thấy có nhiều triệu khác, không giống với các triệu chứng thường thấy của bệnh hô hấp.

GS Uri Manor cùng các nhà nghiên cứu từ Đại học California-San Diego đã nghiên cứu và đăng kết quả trên tạp chí Circulation Research: nCoV thông qua Protein Spike tấn công làm viêm, tổn thương lớp nội mạc mạch máu, ảnh hưởng xấu đến hệ thống tuần hoàn, vận mạch, làm giảm lưu thông máu, gây ứ huyết và khẳng định COVID-19 thực sự là bệnh về tuần hoàn, mạch máu, còn các triệu chứng hô hấp chỉ là hậu quả của tình trạng viêm các mô mạch máu ở phổi.

Đó là lý do nhiều bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng của đông máu, tai biến mạch máu não, khác hoàn toàn những gì được thấy ở bệnh hô hấp.

Các nghiên cứu đang mở ra thêm bằng chứng đây là bệnh thiên về mạch máu, tuần hoàn hơn là bệnh phổi, hô hấp. Cụ thể viêm mô mạch máu khiến dịch thấm qua mạch máu, máu đặc quánh, lưu thông kém, ứ trong các mạch máu ở phổi và đây là nguyên nhân chính gây tổn thương phổi, với các triệu chứng hô hấp và tổn thương phổi là hậu quả của tình trạng viêm mô mạch máu trong phổi.

Trong một số trường hợp dưới tác động của nCoV, viêm mạch xuất hiện, lan toả nhanh và gây ứ huyết khắp phổi dẫn đến suy hô hấp cấp, bệnh nhân tử vong nhanh chóng (trong vài giờ từ lúc nhẹ). Đây là lý do mà Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo dùng thuốc kháng viêm sớm cho những bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng.

Cục máu đông có thể gây tắc nghẽn phổi ở bệnh nhân COVID-19?

Cục máu đông ở người mắc COVID-19 biểu hiện rất đa dạng, từ tổn thương da ở bàn chân đến tắc nghẽn mạch máu, đôi khi là đột quỵ gây nguy cơ tử vong, có thể xuất hiện vài ngày, vài tháng, thậm chí trong vòng 1 năm sau khi bệnh khỏi.

Theo tác giả James Levy từ Trường Y Warren Albert, Đại học Brown, đây là vấn đề y tế quan trọng nhất liên quan đến Covid-19. Thực tế virus cúm Tây Ban Nha, bệnh HIV, Ebola đều gây cục máu đông, nhưng nCoV khiến đông máu nghiêm trọng, chưa từng thấy trước đây.

Các cục máu đông hình thành nhiều trong các mạch máu nhỏ ở phổi, cản trở lưu thông máu trong phổi, gây khó thở, thiếu oxy máu. Theo GS Margaret Pisani từ Đại học Y Yale, Mỹ, đây có thể là nguyên nhân khiến nhiều bệnh nhân COVID-19 có sức khoẻ bình thường đột ngột chuyển nặng nhanh chóng. Điều này cần nghiên cứu thêm.

Nhưng tác giả Edwin Van Beek từ Viện nghiên cứu y khoa, Đại học Edinburgh (Scotland) cho rằng: 30% bệnh nhân COVID-19 nặng bị thuyên tắc phổi do tắc động mạch phổi vì máu đông từ hệ tĩnh mạch chi dưới. Nhiều bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh vẫn khó thở nhưng đó không phải là bệnh tái phát mà là hậu quả của các cục máu đông.

Cục máu đông cũng gây tổn hại tới tim, thận, gan, ruột và mô, dẫn đến đột quỵ. Phi công người Anh điều trị tại Việt Nam (bệnh nhân 91) phải điều trị rối loạn đông máu.

Các nhân viên y tế ở Italy đã sử dụng các loại thuốc kháng viêm để điều trị bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng đông máu hoặc thuyên tắc phổi. Ở Việt Nam, Bộ Y tế cũng có chủ trương dùng sớm thuốc chống đông cho bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng.

COVID-19 có thể gây tác động lâu dài về tim mạch

Theo Ziyad Al-Aly từ Hệ thống chăm sóc sức khoẻ St. Louis, Missouri, Mỹ, ngay cả những bệnh nhân COVID-19 nhẹ không phải nhập viện vẫn có nguy cơ bị cục máu đông, suy tim trong vòng 1 năm. Nguy cơ bị biến chứng tim mạch gây tử vong (tai biến mạch não, bệnh tim) càng cao nếu tình trạng ban đầu của bệnh nhân COVID-19 càng nặng.

So sánh những F0 đã khỏi bệnh và những người không mắc COVID-19 cho thấy những F0 nhẹ, không phải nhập viện có nguy cơ suy tim tăng 39%, cục máu đông tăng 2,2 lần so với người không mắc COVID-19. Nhưng với bệnh nhân COVID-19 nặng phải nhập viện, nguy cơ ngừng tim tăng 5,8 lần và viêm cơ tim tăng 14 lần.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 2-11 theo giờ Việt Nam, thế giới đã ghi nhận hơn 247 triệu ca COVID-19, trong đó có 5,02 triệu ca không qua khỏi. Số ca đang phải điều trị hiện là hơn 18,2 triệu ca, trong đó có hơn 73.350 ca trong tình trạng nguy kịch.

Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với 79,41 triệu ca, tiếp đến là châu Âu với 64,63 triệu ca. Bắc Mỹ ghi nhận 56,24 triệu ca, Nam Mỹ gần 38,42 triệu ca, tiếp đến là châu Phi (8,57 triệu ca) và châu Đại Dương (312.267 ca).

Dù mới xuất hiện đến nay gần 2 năm, nhưng COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề khắp thế giới. Các nghiên cứu mới về căn bệnh này đang tiếp tục được triển khai để mở thêm cơ hội điều trị hiệu quả căn bệnh mới này.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Lưu thông máumạch máu nãonguy cơ tử vongTắc nghẽn mạch máu

Các tin liên quan đến bài viết