Đến trưa 1-11, tại Đắk Lắk phát hiện thêm nhiều trường hợp học sinh nghi dương tính với COVID-19, nhất là tại huyện Ea Kar.
Sau khi tiếp nhận các trường hợp nghi dương tính, ngành chức năng tổ chức cách ly tập trung và phong tỏa khu vực trường học để tiến hành xét nghiệm, sàng lọc.
Sau khi có kết quả RT-PCR sẽ bóc tách F0, tổ chức cách ly tại chỗ đối với các F1 là học sinh, thầy cô giáo liên quan. Những F1 ngoài trường học, ngành y tế sẽ tính toán phương án cách ly phù hợp nhất.
“Phương án tối ưu”
Về việc các học sinh, nhất là những em nhỏ tuổi phải cách ly tập trung tại trường, dư luận lo lắng việc chăm sóc, đảm bảo sức khỏe cho các cháu gặp khó khăn.
Ông L.V.T. (60 tuổi, trú xã Cư Yang, Ea Kar) có cháu là F1 tại Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân cho biết mấy ngày nay cả gia đình lo lắng vì có hai cháu ngoại đang ở trong trường.
Trong khi đó, điều kiện ở trường (là cơ sở 2) rất thiếu thốn, không đảm bảo việc tắm rửa, nghỉ ngơi cho các cháu, nhất là các bé còn nhỏ.
Về việc này, ông Lê Đình Chiến, phó chủ tịch UBND huyện Ea Kar, cho biết sau khi phát hiện hai học sinh Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân (xã Cư Yang, Ea Kar) dương tính, hiện nay địa phương xuất hiện thêm nhiều điểm dịch ở các trường học, có cả trẻ đang học mẫu giáo nên phải phong tỏa, truy vết.
Theo ông Chiến, để đảm bảo công tác truy vết, dập dịch, việc cách ly tập trung tại trường là phương án tối ưu, an toàn nhất hiện nay.
Theo đó, khi phát hiện các trường hợp F0, huyện giao xã khảo sát các gia đình có F1 để đánh giá việc cách ly tại nhà có đảm bảo an toàn hay không. Tại các xã đều có bố trí hội trường thôn, điểm nhà dân bỏ trống đủ điều kiện làm điểm cách ly tập trung nhưng với các F1 là học sinh thì cách ly tại trường là hợp lý nhất.
Địa phương đảm bảo công tác hậu cần để các cháu có nơi tắm, ăn uống, ngủ đảm bảo mức tối thiểu. Bên cạnh đó, các thầy cô giáo bản thân là F1 cũng tham gia chăm sóc sức khỏe cho học sinh của mình.
Ông Nay Phi La, giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, cho rằng hiện nay phải thực hiện nâng cao khuyến cáo và linh hoạt trong phòng chống dịch.
Đối với các trường học có học sinh nghi nhiễm, sở chỉ đạo phải thực hiện nhanh xét nghiệm PCR để tách F0 đi cách ly tập trung, theo dõi điều trị. Các trường hợp còn lại cho cách ly tại nhà đối với các hộ đủ điều kiện và cũng để các em học sinh ổn định tâm lý, gia đình yên tâm.
Ở những nơi này, nếu đủ vắc xin thì tổ chức tiêm luôn. “Tuy nhiên, mọi việc phải phụ thuộc vào hoàn cảnh thực tế và các tình huống cụ thể với tinh thần đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, cộng đồng”, ông Nay Phi La nói.
Chúng tôi cũng vận động phụ huynh vào ban chăm sóc sức khỏe của các trường bị cách ly để cùng với y bác sĩ, tình nguyện viên chăm sóc con em. Cha mẹ vào cùng con để đảm bảo tâm lý cho trẻ nhỏ nhưng cũng được tập huấn để không phát sinh những ca mắc mới, dĩ nhiên là có rủi ro.
Ông Lê Đình Chiến
Khống chế lây lan dịch
Trong khi đó, ngày 1-11 ông Hoàng Thanh Xuân – giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) – cho biết trong hai ngày 31-10 và 1-11 xảy ra dịch COVID-19 tại Trường tiểu học Lâm Sơn A, xã Lâm Sơn đã có 5 em học sinh là F0.
“Số F0 này được đưa đến Trung tâm y tế để cách ly điều trị. Còn 127 em khác và 11 giáo viên cùng là F1 được cách ly tại Trường tiểu học Lâm Sơn A. Số ca F1 này vì có tiếp xúc gần với 5 ca F0 nên cần phải cách ly tập trung, sinh hoạt ăn ở ngay tại trường trong suốt thời gian cách ly 14 ngày theo quy định để giám sát, khống chế lây lan dịch” – ông Xuân nói.
Còn theo ông Đoàn Văn Hùng – chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn, từ việc tham mưu của đơn vị chuyên môn, UBND huyện chỉ đạo UBND xã Lâm Sơn quyết định kích hoạt khu cách ly tập trung ngay tại Trường tiểu học Lâm Sơn A để không cho toàn bộ giáo viên, học sinh về nhà.
Đến sáng nay, mọi hoạt động trong khu cách ly theo chuẩn quy định của ngành y tế không còn khó khăn. “Cách ly chống lây dịch là việc phải làm!” – ông Hùng nói.
Trước đó ngày 31-10, một chùm lây dịch bệnh COVID-19 ở xã Lương Sơn (cùng huyện Ninh Sơn) đã lây nhiễm nhiều người khác ở xã Lâm Sơn, trong đó có 5 em học sinh Trường tiểu học Lâm Sơn A khiến cho 141 giáo viên, học sinh đã phải khẩn cấp cách ly ở lại trường ngay trong đêm.
Phải có người lớn chăm sóc các em
Trước việc COVID-19 xuất hiện tại hầu hết các địa phương, nhiều trẻ em phải cách ly, theo dõi, điều trị do mắc COVID-19 hoặc tiếp xúc gần với trường hợp F0 (tức F1), Bộ Y tế từ ngày 25-8-2021 có công văn số 7020 về việc cách ly phòng chống dịch COVID-19 đối với trẻ em.
Theo đó nhằm đảm bảo điều kiện sinh hoạt an toàn, thuận lợi cho trẻ em trong thời gian thực hiện cách ly, theo dõi, điều trị, Bộ Y tế hướng dẫn cha mẹ/người chăm sóc được đi cùng các em đến cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung hoặc được ở cùng các em tại nơi cách ly ở nhà, nơi lưu trú để tiện chăm sóc. Người theo trẻ phải có cam kết tự nguyện cách ly, đồng thời thực hiện đầy đủ các quy định về phòng chống dịch COVID-19.
Trường hợp cha mẹ/người chăm sóc không thể đi cùng, ở cùng, chính quyền địa phương phải bố trí người chăm sóc cho trẻ, hoặc chỉ định cán bộ trong cơ sở y tế/cơ sở cách ly tập trung tình nguyện chăm sóc trẻ.
Những người này phải có kiến thức, kỹ năng trong chăm sóc hỗ trợ trẻ; đảm bảo trẻ em được duy trì liên lạc thường xuyên với gia đình, người thân nhằm giảm tối đa sự khủng hoảng, căng thẳng, lo âu.
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ tại TP.HCM, khẳng định: “Việc cách ly để đảm bảo an toàn phòng chống dịch là đúng, nhưng cách ly trẻ bắt buộc phải có người lớn (cha, mẹ, người thân) đi cùng để chăm sóc, không được để các em ở một mình”.
Nguồn: tuoitre.vn