Trong buổi làm việc với Tổng thư ký ITU, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra sáng kiến của Việt Nam là sẽ tắt sóng 2G vào năm 2023, khi mật độ thuê bao này còn khoảng 5%.
|
Theo tính toán và đề xuất của các nhà mạng, khi số thuê bao theo công nghệ chỉ còn khoảng 5% sẽ là thời điểm thích hợp để tắt sóng công nghệ cũ. |
Việt Nam sẽ tắt sóng 2G vào năm 2023
Trao đổi với Tổng thư ký Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) Houlin Zhao trong khuôn khổ sự kiện Digital World ngày 13/10, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa cách làm của Việt Nam để Việt Nam nhanh chóng phổ cập smartphone đến 100% người dân. Theo đó, Việt Nam sẽ tắt sóng 2G vào năm 2023 và khi mật độ thuê bao này còn khoảng 5%. Cùng với việc tắt sóng, nhà mạng sẽ hỗ trợ máy cầm tay cho các thuê bao 2G. Đây cũng là mô hình mà các nước thành viên của ITU có thể tham khảo cho quá trình tắt sóng các công nghệ cũ.
Mỗi quốc gia khi tắt sóng công nghệ 2G, 3G đều có những phương pháp, mục tiêu khác nhau. Tuy nhiên, nếu một nhà mạng muốn triển khai công nghệ di động mới 5G thì duy trì vận hành quá nhiều công nghệ song song như 2G, 3G, 4G đồng thời sẽ tốn chi phí rất lớn và khai thác không hiệu quả. Vì vậy, cần tắt sóng công nghệ cũ để tối ưu hóa vận hành và dành nguồn lực, băng tần số vô tuyến điện cho công nghệ mới, đáp ứng mục tiêu phát triển của nhà mạng và quốc gia. Trên thế giới, có nước tắt sóng mạng 2G nhưng có nước lại tắt sóng mạng 3G trước.
Việt Nam đã lựa chọn phương án tắt sóng 2G để thúc đẩy thực hiện mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng đã phê duyệt là phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh đến từng người dân Việt Nam. Đây sẽ là cuộc cách mạng để thúc đẩy Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số… một cách nhanh chóng và cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh và mạnh hơn.
Khi 100% người dân sử dụng smartphone sẽ thúc đẩy những dịch vụ số phong phú hơn, dịch vụ dữ liệu được sử dụng nhiều hơn, nhà mạng có thêm doanh thu và cơ hội phát triển mới.
Theo tính toán và đề xuất của các nhà mạng, khi số thuê bao theo công nghệ chỉ còn khoảng 5% sẽ là thời điểm thích hợp để tắt sóng công nghệ cũ.
Mục tiêu phổ cập 100% smartphone cho người dân
Để chuẩn bị cho việc tắt sóng 2G, Bộ TT&TT cũng đã đưa ra Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất. Theo đó các thiết bị đầu cuối thông tin di động sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam phải hỗ trợ công nghệ 4G trở lên.
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu thị trường GFK (Growth from Knowledge), trung bình mỗi năm thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng trên 20 triệu máy điện thoại, trong đó, khoảng 60% là máy Smartphone, 40% là máy Featurephone (8 triệu máy). Với 25,6 triệu thuê bao sử dụng thiết bị chỉ hỗ trợ 2G/3G đang hoạt động trên mạng, theo thời gian vòng đời của thiết bị (trung bình khoảng 3 năm), thì lượng thiết bị này sẽ dần được loại bỏ ra khỏi mạng khi không còn nguồn cung.
Chủ trương hỗ trợ smartphone tới các hộ nghèo và cận nghèo đã được đưa vào dự thảo Chương trình viễn thông công ích giai đoạn 2021-2025 trình Chính phủ. Theo đó, chương trình dự kiến sẽ hỗ trợ 2,1 triệu máy Smartphone cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc.
Như vậy, quá trình thúc đẩy 100% người dân sử dụng smartphone đang được đẩy nhanh.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng đang hối thúc các nhà mạng triển khai mở tính năng VoLTE trên smartphone để sẵn sàng đáp ứng dừng công nghệ cũ. Đây là công nghệ cho phép gọi điện thoại với chất lượng cao (HD) trên nền tảng mạng 4G, mang lại những trải nghiệm mới cao cấp hơn cho khách hàng. Mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2021, 50% người dùng máy điện thoại hỗ trợ VoLTE sử dụng được dịch vụ VoLTE.
Với chính sách và giải pháp đã triển khai đã có tác động tăng số người sử dụng điện thoại smartphone, theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường Statista, Việt Nam nằm trong Top 10 quốc gia có số người sử dụng smartphone nhiều nhất trên thế giới đạt 63,1% dân số vào năm 2023.
Nhà mạng đang thúc đẩy tắt sóng 2G
Cho đến thời điểm này, một số nhà mạng cũng đã bắt đầu tắt các trạm 2G có lưu lượng thấp và đưa ra chương trình khuyến khích khách hàng sử dụng SIM 4G với các chương trình ưu đãi. Nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, đã có địa phương xung phong thí điểm dừng công nghệ cũ, thúc đẩy sử dụng smartphnone như thành phố Đà Nẵng, huyện đảo Cô Tô của tỉnh Quảng Ninh… Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng đề xuất sớm đưa công nghệ 5G vào thương mại tại địa phương để làm nền tảng cho hạ tầng số.
Chia sẻ quan điểm trước đề xuất tắt sóng 2G vào năm 2023 khi mật độ thuê bao 2G của Việt Nam còn khoảng 5% và hỗ trợ các thuê bao thiết bị đầu cuối, ông Tào Đức Thắng cho hay, Viettel ủng hộ việc tắt sóng 2G này của Bộ TT&TT. Mục tiêu của tắt sóng 2G là thúc đẩy người sử dụng sử dụng smartphone và sử dụng dữ liệu sẽ thúc đẩy kinh tế số và xã hội số trong tương lai.
“Hiện tỷ lệ thuê bao 2G trên mạng Viettel vẫn còn khoảng 20%, nhưng tốc độ giảm của thuê bao 2G khá nhanh. và Viettel cũng đang xúc tiến thúc đẩy các thuê bao chuyển lên sử dụng dịch vụ dữ liệu” ông Tào Đức Thắng nói.
Đồng quan điểm với Viettel, ông Tô Mạnh Cường, Tổng giám đốc MobiFone cho biết, MobiFone cũng ủng hộ quan điểm của Bộ TT&TT về lộ trình tắt sóng 2G. Hiện một số vùng thuê bao 2G cũng đã giảm mạnh. Vì vậy, MobiFone sẽ tắt sóng công nghệ cũ để đẩy mạnh đầu tư cho mạng 5G trong tương lai.
Chia sẻ với VietnamNet về vấn đề này, đại diện VNPT khẳng định việc tắt sóng 2G sẽ giảm chi phí vận hành khai thác cho các nhà mạng. Nhà mạng có thể dành tần số này cho các công nghệ mới phục vụ tốt hơn nhu cầu khách hàng. Đại diện VNPT cũng cho hay, hiện tỷ lệ thuê bao sử dụng dich vụ 2G giảm rất mạnh, trong khi đó số lượng thuê bao sử dụng smartphone 5G đang tăng nhanh. Đây là xu hướng thuận lợi cho việc tắt sóng 2G. Tuy nhiên, việc chọn thời điểm tắt sóng rất quan trọng vì sẽ giúp cho các nhà mạng giảm chi phí hỗ trợ máy đầu cuối cho khách hàng.
Nguồn: vietnamnet