Bỏ qua các chủ đề về COVID-19, tình hình Myanmar cũng như các tuyên bố chính trị thường thấy, chuỗi hội nghị cấp cao ASEAN lần 38, 39 và các hội nghị cấp cao giữa ASEAN và các nước đối tác đã bàn bạc rất nhiều về vấn đề Biển Đông.

ASEAN, các đối tác bàn nhiều về Biển Đông - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong hội nghị trực tuyến với các lãnh đạo ASEAN vào hôm 26-10. Đây là lần đầu tiên sau bốn năm, một tổng thống Mỹ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – ASEAN 

Chuỗi hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, Trung Quốc tiếp tục gia tăng sức ép đối với Đài Loan cũng như thường xuyên tập trận ở khu vực Biển Đông và gửi tàu hải dương thám hiểm địa chất xuống khu vực này. Không hề nao núng, Mỹ và các quốc gia đồng minh cũng liên tục tập trận hải quân ở khu vực Biển Đông.

Có nhiều tiến bộ

Nếu chúng ta so sánh với Hội nghị cấp cao ASEAN cách đây 2 năm, khi Thái Lan làm chủ tịch luân phiên, năm nay tuyên bố chung của hội nghị lần này liên quan đến vấn đề Biển Đông có nhiều tiến bộ quan trọng hơn.

Trong Tuyên bố Chủ tịch ASEAN năm 2019, cụm từ “các sự cố nghiêm trọng gần đây” ở khu vực Biển Đông đã không được đưa vào, do bị Campuchia phản đối. Năm nay, vấn đề Biển Đông chiếm nhiều “diện tích” trong các thảo luận cũng như các tuyên bố.

Tuyên bố Chủ tịch ASEAN của hội nghị cấp cao lần 38 và 39 (dài 27 trang) dành nguyên cả trang 25 để nói về Biển Đông. Mặc dù không có ý mới trong thông cáo năm nay, ASEAN đã mạnh dạn thể hiện sự lo ngại về những hoạt động gây mất ổn định ở khu vực Biển Đông, như “các hoạt động cải tạo đất, sự cố nghiêm trọng trong khu vực, bao gồm cả thiệt hại đối với môi trường biển”; đề cao luật pháp quốc tế khi cụm từ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982) được nhắc lại tới 4 lần chỉ trong trang này trong tổng số 7 lần trong toàn bộ tuyên bố.

Ngoài ra, bản thông cáo đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến hợp tác hàng hải bao gồm tài nguyên biển, đánh bắt cá, du lịch và cũng đặc biệt nhấn mạnh các vấn đề hợp tác cần phải tuân theo luật pháp quốc tế UNCLOS, Tuyên bố các quốc gia Đông Á về tăng cường hợp tác hàng hải khu vực năm 2015 và Chương trình hành động Manila.

Điều này có nghĩa các hành động đơn phương về khai thác tài nguyên biển của Trung Quốc ở Biển Đông, hay các hành vi cấm đánh bắt cá cũng như các hợp tác song phương ở khu vực Biển Đông giữa Trung Quốc và các quốc gia riêng rẽ trong khối ASEAN cũng cần phải dựa trên UNCLOS và trên vai trò trung tâm của ASEAN.

Các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có Biển Đông, là những nội dung ASEAN và các nước đối tác đang hết sức quan tâm và mong muốn được tham gia một cách chủ động, tích cực và có trách nhiệm.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng

Luật pháp quốc tế là nền tảng

Các tuyên bố của ASEAN với các quốc gia đối tác khác cũng thể hiện một quan điểm chung của ASEAN về Biển Đông. Luật pháp quốc tế phải là nền tảng xương sống cho các hợp tác trong tương lai ở khu vực.

Tuyên bố chung ASEAN – Nhật Bản ngày 27-10 dài 5 trang cũng dành 2 đoạn để nói về Biển Đông, trong đó 2 bên bày tỏ sự ủng hộ đối với UNCLOS và thể hiện sự lo ngại đối với các hành vi gây nguy hại tới tình hình an ninh ở Biển Đông và làm xói mòn lòng tin.

ASEAN và Nhật Bản đều mong muốn Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) tuân theo UNCLOS sẽ nhanh chóng được ký kết.

Trong bản tuyên bố chung ASEAN – Ấn Độ vào ngày 28-10, 2 bên đều nhấn mạnh luật pháp quốc tế là chìa khóa cho ổn định ở khu vực Biển Đông và “khẳng định sự cần thiết phải theo đuổi giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS 1982”.

Mặc dù trong bản tuyên bố chung ASEAN – Trung Quốc dài gần 8 trang cũng đề cập đến vấn đề Biển Đông, nhưng diễn ngôn của thông cáo chỉ ghi nhận rằng 2 bên “đã thảo luận về tình hình ở Biển Đông và lưu ý rằng một số nhà lãnh đạo đã nêu các vấn đề liên quan đến một số hoạt động và sự cố nghiêm trọng trong khu vực”. Thông cáo tránh đề cập đến quan điểm của các bên về các hoạt động hay sự cố nghiêm trọng trong khu vực.

Do đó, vấn đề Biển Đông vẫn được coi là một vấn đề khó có nhiều tiến bộ trong hợp tác giữa ASEAN – Trung Quốc trong thời gian tới khi ngôn ngữ trong thông cáo vẫn còn né tránh “các vấn đề cốt lõi”.

3 kết quả nổi bật

Trả lời phỏng vấn báo chí, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết chuỗi hội nghị cấp cao ASEAN lần 38, 39 và các hội nghị liên quan có 3 kết quả nổi bật:

Thứ nhất, ASEAN đoàn kết, nhất trí hướng tới xây dựng cộng đồng. Đóng góp cho hòa bình, ổn định trong khu vực tiếp tục là mục tiêu chung của ASEAN nói chung và từng nước thành viên nói riêng.

Thứ hai, các đối tác bên ngoài vẫn đặc biệt coi trọng ASEAN, cam kết cùng ASEAN hợp tác kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; hợp tác ứng phó với các thách thức đang nổi lên, trong đó có biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, đồng thời cũng cho thấy phục hồi bền vững vẫn là nội dung được hầu hết các nước đặt ưu tiên, phấn đấu đạt được trong thời gian tới đây.

Thứ ba, những nội dung ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực như Biển Đông, Myanmar, Triều Tiên, thu hẹp khoảng cách phát triển… tiếp tục được đề cập sâu rộng và trao đổi sôi nổi tại các hội nghị. Theo đó, tất cả các nước đều đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN, sẵn sàng chia sẻ minh bạch về các bước đi của mình với khu vực và khẳng định hòa bình, ổn định là mục tiêu chung; thượng tôn pháp luật, đối thoại thẳng thắn, hợp tác hiệu quả là những công cụ chủ yếu để đạt tới mục tiêu này.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : ASEANBiden điện đàm putinHội nghị Cấp cao ASEAN

Các tin liên quan đến bài viết