Người trên 18 tuổi, đặc biệt nhóm trên 50 tuổi là đối tượng nguy cơ diễn tiến nặng và tử vong cao hơn trẻ em, bởi vậy các địa phương phải đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin Covid-19 cho lứa tuổi này trước.
Theo PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó trưởng ban điều hành chương trình Tiêm chủng mở rộng, mặc dù tới đây, Việt Nam sẽ triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi trên quy mô toàn quốc, nhưng chúng ta không thể triển khai ngay cho tất cả 63 tỉnh TP; hơn 700 huyện và hơn 11.000 điểm tiêm chủng xã phường.
“Chúng ta phải đặt tiêu chí số 1 là tích cực đẩy mạnh việc tiêm chủng cho đối tượng trên 18 tuổi, ưu tiên tiêm đủ liều cho đối tượng trên 50 tuổi trong tháng 11 này ở hầu hết địa phương, sau đó mới triển khai tới nhóm đối tượng từ 12 đến 17 tuổi”, bà Hồng nhấn mạnh tại buổi tập huấn trực tuyến với 63 tỉnh, TP về triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ 12 – 17 tuổi, tổ chức tại Bộ Y tế chiều 29/10.
PGS Hồng phân tích, người trên 18 tuổi, đặc biệt nhóm trên 50 tuổi là đối tượng nguy cơ diễn tiến nặng và tử vong cao hơn trẻ em, bởi vậy các địa phương phải đạt tỷ lệ bao phủ cho lứa tuổi này trước.
Hiện Việt Nam mới có TP.HCM triển khai mang tính chất thí điểm tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho trẻ em. PGS Hồng thông tin, Bộ Y tế tới đây sẽ ưu tiên nguồn vắc xin cho trẻ em ở 19 tỉnh khu vực phía Nam, song song tiêm phủ mũi thứ 2 cho người từ 18 tuổi trở lên.
“Phía Nam hiện nay đã đạt được độ bao phủ mũi 1 rất cao, độ bao phủ mũi 2 trung bình đạt 60-70%. Thậm chí, có những địa phương gần như hoàn thành mũi 2 cho người dân đang sinh sống trên địa bàn. Bên cạnh đó, khu vực phía Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch Covid-19. Bởi vậy, đây sẽ là những địa phương được ưu tiên cấp vắc xin tiêm cho trẻ em”, PGS Hồng cho hay.
PGS.TS. Dương Thị Hồng phát biểu tại buổi tập huấn trực tuyến về triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ 12 – 17 tuổi, tổ chức tại Bộ Y tế chiều 29/10 |
PGS nhấn mạnh, chương trình Tiêm chủng mở rộng thực hiện song song 2 nhiệm vụ. Trước hết, cung ứng đủ vắc xin cho các tỉnh có tỷ lệ bao phủ thấp (trước đó các tỉnh này chưa được phân bổ nhiều, phải ưu tiên cho các tỉnh có dịch) để tiêm phủ mũi 1, tiến tới bao phủ mũi 2 cho người lớn trên 50 tuổi trong tháng 11 này. Song song, sẽ cân đối, mở rộng dần việc tiêm chủng vắc xin cho trẻ em.
PGS.TS. Dương Thị Hồng đề nghị CDC các tỉnh xây dựng kế hoạch chi tiết (từ cách tổ chức, triển khai, theo dõi xử trí phản ứng sau tiêm,…), trình UBND tỉnh phê duyệt. Sau đó, gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur của từng khu vực, Cục Y tế dự phòng, Chương trình Tiêm chủng mở rộng trong tháng 11 để có đánh giá tổng thể về số đối tượng trẻ em ở mỗi địa phương.
Từ số liệu này, cân nhắc với khả năng cung ứng vắc xin, chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ báo cáo Bộ Y tế, trình kế hoạch phân bổ chi tiết.
“Chúng tôi sẽ ưu tiên vắc xin cho trẻ em các địa phương đang có dịch, đang thực hiện giãn cách xã hội, các địa phương có mật độ dân cư đông, có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao”, PGS Hồng nói.
Đánh giá về tiến độ tiêm chủng vắc xin và thời điểm hoàn thành mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng trên toàn quốc, PGS Hồng cho rằng với tiến độ tiêm chủng như trong tháng 9, tháng 10 vừa qua và lượng vắc xin sẽ nhận trong tháng 11, chúng ta có thể hoàn thành được việc bao phủ vắc xin cho hầu hết người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên trong năm nay.
“Quý 4 năm 2021, Bộ Y tế chỉ đạo phải hết sức nỗ lực đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng, mong muốn tất cả trẻ em từ 12 đến 17 tuổi được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin. Nếu nhận đủ vắc xin trong tháng 12 và những tháng đầu năm 2022, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ sớm bao phủ được vắc xin cho cả người lớn và trẻ em”, PGS Hồng khẳng định.
Tuy nhiên, theo bà Hồng, điều này còn phụ thuộc vào nguồn cung toàn cầu, việc thực hiện cam kết của các nhà cung ứng, nhà tài trợ. Nếu Việt Nam được trả vắc xin đúng như các hợp đồng Bộ Y tế ký, mục tiêu trên là điều khả thi.
Nguồn: vietnamnet