Việc công ty mẹ Facebook tuyên bố đổi tên thành Meta đang thu hút đông đảo chú ý. Song, đây không phải doanh nghiệp đầu tiên đổi tên khi đã tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường.

Theo trang Visual Capitalist, có nhiều lí do dẫn đến quyết định đổi tên của các công ty, nhưng động thái nhìn chung thường bắt nguồn từ những nguyên nhân chính dưới đây:

Áp lực xã hội

Tại sao các công ty đột ngột đổi tên?

Nhận thức của xã hội có thể thay đổi nhanh chóng và các công ty luôn cố gắng hết sức để dự đoán trước những thay đổi này nhằm tránh bị mất lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ.

Theo thời gian, các công ty có nhiều yếu tố bên ngoài tiêu cực ngày càng chịu nhiều áp lực, đặc biệt là trong thời đại đầu tư dựa vào các yếu tố môi trường – xã hội – quản trị (ESG). Áp lực xã hội là nguyên nhân đằng sau những vụ đổi tên của các hãng Total và Philip Morris. Trong trường hợp của Total, việc chuyển sang dùng tên TotalEnergies nhằm báo hiệu sự chuyển hướng phát triển của công ty vượt ra ngoài dầu mỏ và khí đốt để bao gồm cả năng lượng tái tạo.

Trong một số trường hợp khác, lí do tại sao các công ty thay đổi tinh vi hơn. GMAC (General Motors Acceptance Corporation) không muốn liên quan đến việc cho vay dưới chuẩn cũng như gói cứu trợ hàng tỷ đô la sau đó từ chính phủ Mỹ, và việc đổi tên là một cách để tạo khởi đầu mới bằng một “phương tiện sạch”. Công ty dịch vụ tài chính này đổi tên thành Ally vào năm 2010.

Thiết lập lại

Tại sao các công ty đột ngột đổi tên?

Các thương hiệu có thể ít được yêu thích hơn theo thời gian vì các vụ bê bối, chất lượng giảm sút hoặc vô số lí do khác. Khi điều này xảy ra, việc thay đổi tên có thể là một cách để khiến khách hàng loại bỏ những ý nghĩa tiêu cực gắn liền với thương hiệu ban đầu.

Các nhà cung cấp dịch vụ Internet và truyền hình thường bị xếp hạng cuối cùng về mức độ hài lòng của khách hàng. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực này đã thay đổi tên của họ trong những năm gần đây.

Chứng tỏ làm được nhiều việc hơn

Tại sao các công ty đột ngột đổi tên?

Đây là một kịch bản rất phổ biến, đặc biệt là khi các công ty mở rộng nhanh chóng hoặc tìm thấy thành công bằng việc trình làng các sản phẩm, dịch vụ mới. Sau một thời gian tăng trưởng và thay đổi liên tục, một doanh nghiệp có thể thấy rằng tên hiện tại quá hạn chế hoặc không còn phản ánh chính xác những gì họ đã làm được.

Cả Apple và Starbucks đều đơn giản hóa tên công ty mình trong những năm qua. Apple bỏ cụm “Máy tính” khỏi tên của công ty vào năm 2007 và Starbucks đã bỏ “Cà phê” khỏi tên thương hiệu vào năm 2011. Trong cả hai trường hợp, thay đổi thương hiệu đồng nghĩa việc tách doanh nghiệp khỏi những thứ ban đầu đã giúp họ thành công. Cả hai đều đứng vững sau quyết định này.

Một trong những vụ đổi tên lớn nhất trong những năm gần đây là vụ công ty mẹ Google chuyển sang dùng dùng tên Alphabet. Động thái báo hiệu mong muốn của công ty về việc phát triển vượt ra ngoài công cụ tìm kiếm Internet và quảng cáo.

Các vấn đề về bản quyền

Tại sao các công ty đột ngột đổi tên?

Nhiều công ty khởi nghiệp như những thử nghiệm hoặc dự án đam mê, nên việc đặt tên không chiếm vị trí cao trong danh sách ưu tiên. Kết quả là các công ty mới có thể gặp vấn đề về bản quyền.

Ví dụ, công ty Picaboo, tên tiền thân của nhà cung cấp dịch vụ nhắn tin Snapchat đã buộc phải đổi tên vào năm 2011. Picaboo hiện tại, một công ty sách ảnh, không hào hứng khi chia sẻ tên với một ứng dụng chủ yếu liên quan đến nhắn tin vào thời điểm đó.

Cuộc chiến vì cái tên WWF thậm chí còn lạ hơn. Năm 1994, Quỹ Động vật hoang dã thế giới và Liên đoàn Đấu vật thế giới đã có một thỏa thuận chung rằng Liên đoàn Đấu vật thế giới sẽ ngưng sử dụng các tên viết tắt WWF trên toàn thế giới, ngoại trừ các trường hợp dùng trong thời gian ngắn như “nhà vô địch WWF”. Dẫu vậy, thỏa thuận hầu như đã bị phớt lờ và vấn đề lại nóng lên khi liên đoàn đấu vật đăng ký tên miền wwf.com. Cuối cùng, tổ chức đã đổi tên thành WWE (Giải trí đấu vật thế giới) sau khi thua kiện.

Điều chỉnh sai lầm

Tại sao các công ty đột ngột đổi tên?

Không phải trường hợp đổi tên thương hiệu nào cũng phát huy hiệu quả. Khi việc đổi tên thương hiệu bị phát hiện có rắc rối về ý nghĩa, doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh sai lầm.

Ví dụ, nhà xuất bản Tribune đã buộc phải đổi về tên cũ sau lần đầu đổi tên thành Tronc vào năm 2016. Cái tên cách điệu bằng chữ thường được coi là một nỗ lực vụng về nhằm trở thành nhà xuất bản số hóa đầu tiên.

Vì sao Facebook đổi tên?

Tại sao các công ty đột ngột đổi tên?

Dù người sáng lập kiêm Tổng giám đốc điều hành (CEO) Facebook Mark Zuckerberg khẳng định việc đổi tên công ty mẹ thành Meta để phản ánh sự chuyển dịch đang diễn ra trong doanh nghiệp cũng như cho thấy tham vọng vượt ngoài phạm vi mạng xã hội để tiến vào mảng vũ trụ ảo (metaverse) mà ông nhận định là tương lai của Internet, nhưng nhiều nhà phân tích tin nguyên nhân chính là do thương hiệu đang gắn liền với những vụ bê bối, bão chỉ trích và sự bất bình ngày càng tăng của dư luận.

Trước cả khi các ứng dụng mạng xã hội của Facebook đồng loạt bị gián đoạn truy cập khắp toàn cầu hồi đầu tháng 10 và vụ cựu cố vấn pháp lý Frances Haugen tố cáo các sai phạm của công ty lên Quốc hội Mỹ ngay sau đó, Facebook đã trở thành hãng công nghệ ít được dư luận tin tưởng nhất. Từng là vị CEO được ngưỡng mộ nhất ở thung lũng Silicon, nhưng Zuckerberg đến nay cũng chịu nhiều búa rìu dư luận.

Những người hoài nghi dễ dàng tập trung vào các yếu tố tiêu cực liên quan đến động thái mới nhất của Facebook. Thực tế, trong dư luận những tuần gần đây đã râm ran các đồn đoán về việc công ty sẽ đổi tên để “gột rửa” rắc rối và những nhìn nhận bất lợi đeo bám họ thời gian qua.

Tuy nhiên, những người bênh vực lại phản biện rằng, công ty thực sự muốn đổi tên vì mở rộng phạm vi hoạt động. Theo họ, Facebook đã nhận ra, các vấn đề về quyền riêng tư khiến nguồn doanh thu chính của công ty bị đe dọa. Mô hình hướng tới quảng cáo của công ty, vốn được xây dựng dựa trên dữ liệu của người dùng, ngày càng bị giám sát chặt hơn.

Facebook đã đổ hàng tỷ USD, bao gồm cả ít nhất 10 tỷ USD trong năm nay, để xây dựng vũ trụ ảo. Công ty lần đầu tiên tiết lộ tham vọng về mảng này năm 2014 khi thu mua nhà sản xuất thiết bị đeo thực tế ảo Oculus. Một lượng không nhỏ nhân viên công ty cũng đang chịu trách nhiệm biến các ý tưởng về vũ trụ ảo thành hiện thực và bộ phận này dự kiến sẽ thuê thêm 10.000 người nữa ở châu Âu trong 5 năm tới.

Hiện vẫn còn phải xem liệu canh bạc đổi tên này có thành công hay không. Trước mắt, ông Zuckerberg và các nhà đầu tư của Facebook sẽ phải theo dõi sát sao cách truyền thông và công chúng phản ứng với tên thương hiệu mới và quá trình chuyển đổi của công ty.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : facebookMark Zuckerberg

Các tin liên quan đến bài viết