Từ tháng 11/2021, chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em sẽ được triển khai trên toàn quốc. Vậy các địa phương có thể cho trẻ trở lại trường ngay trong tháng 11 này hay không?
Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho hay, đến nay, địa phương vẫn chưa cho học sinh đến trường trở lại mà học qua hình thức trực tuyến và qua truyền hình.
Theo dự kiến trước đó, Đà Nẵng định cho học sinh các khối lớp 1, 9, 12 đi học trở lại từ ngày 1/11 và từ 8/11 với học sinh toàn thành phố. Tuy nhiên, cách đây 2 hôm, TP đã quyết định dời lịch cho học sinh trở lại trường học trực tiếp, dự kiến đến 15/11.
Hiện, Sở GD-ĐT đang phối hợp với Sở Y tế để lập danh sách và tổ chức tiêm vắc xin cho học sinh.
“Theo như dự kiến của lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng tại các phiên họp thì sẽ tiêm trước đối với học sinh cấp THPT, sau đó sẽ lần lượt đến các cấp học nhỏ hơn nếu triển khai”, bà Thuận nói.
Học sinh lớp 12 tại TP.HCM tiêm vắc xin Pfizer ngày 27/10. |
Ông Lý Thanh Tâm, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước cho biết, đến ngày hôm nay, toàn tỉnh có 9 học sinh vào diện F0 và 1 giáo viên F0.
Số cán bộ, giáo viên vào diện F1 là 4, diện F2 là 21. Số học sinh vào diện F1 là 6, F2 là 35 em.
Theo ông Tâm, lịch cho học sinh trở lại trường sẽ do UBND tỉnh chỉ đạo. Đến nay, Sở GD-ĐT Bình Phước cũng chưa tham mưu về ngày cụ thể cho học sinh đi học trở lại.
“Hiện, Sở GD-ĐT Bình Phước đang phối hợp với ngành y tế và các huyện, thị để nắm tình hình dịch của các địa phương, từ đó có tham mưu chính xác cho UBND tỉnh về thời gian cho học sinh trở lại”, ông Tâm nói.
Ông Tâm cho hay, Sở GD-ĐT Bình Phước cũng đã có công văn về các phòng GD-ĐT các huyện để lập danh sách các học sinh chuẩn bị tiêm vắc xin.
“Sở GD-ĐT sẽ có tham mưu cho UBND tỉnh về việc tiêm cho những học sinh bậc học nào nhưng phải đợi nhận các góp ý từ các địa phương lên”, ông Tâm nói.
Tại An Giang, việc học vẫn đang được tiến hành với hình thức trực tuyến và qua truyền hình.
Bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở GD-ĐT An Giang, cho biết đang chuẩn bị các thông tin về đối tượng học sinh trong diện được tiêm chủng.
“Việc khi nào học sinh tiêm phòng và trở lại trường sẽ được thực hiện theo chỉ đạo chung của tỉnh và với ý kiến của cơ quan chuyên môn” – bà Diễm cho biết.
Còn tại TP.HCM, sáng nay 27/10, hơn 1.000 học sinh đầu tiên đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19 ở huyện Củ Chi.
Theo ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, vắc xin là một trong những điều kiện cần thiết để mở cửa lại trường học. Ông Đức cho biết 3 tuần sau khi tiêm mũi 1, các em học sinh sẽ được tiêm mũi 2. Và sau khi tiêm mũi 2 được 2 tuần thì có thể tương đối yên tâm là các em đã được bảo vệ bởi vắc xin.
Đây là một trong những điều kiện cần để có thể tổ chức đi học trở lại. Tuy nhiên, việc này sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng.
Theo đề xuất mới đây của Sở GD-ĐT TP.HCM, địa bàn cấp độ 1 và 2 (nguy cơ thấp và trung bình) sẽ tổ chức dạy học trực tiếp; không tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường.
Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao) tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình; Không tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài lớp học.
Hiện TP.HCM có 9 quận, huyện đạt cấp 1 (bình thường mới); 12 địa phương cấp 2 (nguy cơ trung bình) và 1 quận ở cấp 3 (nguy cơ cao). Cụ thể, vùng xanh (cấp độ 1) gồm: Thành phố Thủ Đức, các quận Gò Vấp, Tân Bình, 1, 7, 8, 10, Cần Giờ, Củ Chi. Vùng vàng (cấp độ 2) gồm quận huyện: 3, 4, 5, 6, 11, 12, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Phú, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh. Bình Tân là địa phương duy nhất ở vùng cam (cấp độ 3).
Vừa cho học vừa chuẩn bị
Còn Sở GD-ĐT Cà Mau cho biết, sau một thời gian dài cho học sinh nghỉ học trực tiếp để đảm bảo an toàn trước dịch Covid-19, ngày 25/10, tỉnh đã cho học sinh của 18 trường trên địa bàn huyện Đầm Dơi và Thới Bình đến trường.
Tổng số học sinh đến trường học trực tiếp đợt này là 7.813 em và gần 500 cán bộ, giáo viên.
Sở GD-ĐT Cà Mau cũng đã có phương án ở 4 cấp độ để có kế hoạch phù hợp với tình hình đón học sinh trở lại trường.
Tuy nhiên, không phải trường nào thuộc địa bàn cấp độ 1 cũng trở lại học trực tiếp, mà phải là những trường thực sự an toàn trong phòng chống dịch. Riêng các trường thuộc địa bàn TP Cà Mau chưa thực hiện việc học trực tiếp.
Một trong những học sinh đầu tiên có giấy chứng nhận tiêm phòng vắc xin ngừa Covid-19. |
Tại Quảng Bình, sau khi có đề nghị của Bộ GD-ĐT đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 (nguy cơ thấp và trung bình) có thể tổ chức dạy học trực tiếp, một số trường đã cho học sinh đi học trở lại.
Theo ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Bình, đây là những trường đã trình phương án, được cơ quan y tế ở địa bàn cùng xác định mức độ dịch và thống nhất việc có thể cho học sinh trở lại học trực tiếp.
Đối với việc tiêm vắc xin cho học sinh, ông Tuấn cho biết Sở đã tổng hợp số lượng, danh sách học sinh thuộc đối tượng được tiêm phòng, tình trạng sức khỏe, bệnh lý của các em… Sở cũng lấy ý kiến phụ huynh về việc này.
Ông Tuấn cũng cho biết việc những trường nào tiếp tục cho học sinh đi học trực tiếp sẽ không phụ thuộc vào việc tiêm phòng Covid-19 mà phụ thuộc vào cấp độ dịch trên địa bàn như đề nghị của Bộ GD-ĐT và sự đồng thuận của cơ quan y tế địa phương, cũng như kế hoạch của các trường.
Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Định – ông Đào Đức Tuấn cũng cho biết Sở đã ban hành kế hoạch tổ chức dạy học đảm bảo thích ứng với tình hình dịch Covid-19 và áp dụng từ ngày 20/10 cho đến khi có thông báo mới. Kế hoạch tổ chức dạy và học theo quy tắc “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” có 4 phương án, tương ứng với 4 cấp độ dịch.
Theo ông Tuấn, để đảm bảo chất lượng dạy học, dù ở cấp độ nào thì số tiết dạy học trực tuyến cũng không quá nhiều và chỉ áp dụng cho những bài học lý thuyết. Việc tổ chức tiết học, giờ học trực tuyến không thể kéo dài nhằm bảo đảm sức khỏe, tâm sinh lý của học sinh.
Sở đã thực hiện thống kê số lượng học sinh thuộc diện tiêm phòng Covid-19 ở các trường THPT do Sở quản lý. Đối với học sinh cấp 2 (từ 12-15 tuổi), thông tin sẽ do địa phương là nơi trực tiếp quản lý các trường THCS phụ trách.
Nguồn: vietnamnet