Hàn Quốc ‘thất vọng sâu sắc’ về vụ thử thứ 8 của Triều Tiên trong năm nay, và dường như không hiểu nguyên nhân khiến Bình Nhưỡng có những động thái này.

Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM) hôm 19/10, làm dấy lên đồn đoán về ý định và bối cảnh của sự kiện này.

Vào thời điểm hai miền nam bắc Triều Tiên đang có những bước đi tăng cường sự hợp tác để thúc đẩy đề xuất của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In chính thức kết thúc cuộc chiến 1950-1953, vụ thử tên lửa được đánh giá là màn phô diễn sức mạnh, thể hiện yêu cầu Mỹ trước hết phải nới lỏng cấm vận đối với Bình Nhưỡng.

Hé lộ nguyên nhân khiến Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un phát biểu tại Triển lãm các hệ thống vũ khí ở Bình Nhưỡng. 

Triều Tiên thử SLBM mới?

Tên lửa đạn đạo tầm ngắn mà Triều Tiên phóng đi hôm 19/10 được cho là một SLBM thu nhỏ mới, từng được ra mắt tại triển lãm phát triển quốc phòng mang tên “Tự vệ 2021” ở Bình Nhưỡng mới đây. Các nhà chức trách mô tả vũ khí này bay được 590km ở độ cao 60km.

Hôm 2/10, Triều Tiên đã phóng thử một tên lửa Pukguksong-3 từ một tàu ngầm. Vũ khí này được cho là có tầm bắn thực sự vào khoảng 2.500km – đủ xa để tấn công các căn cứ Mỹ trên đảo Guam. Tuy nhiên, tên lửa được phóng hôm 19/10 dường như có độ bay thấp hơn nhiều và tầm hoạt động ngắn hơn so với loại được thử cách đây 2 năm.

Giới chuyên gia quân sự đang tiến hành phân tích sức mạnh của SLBM được Triều Tiên phóng từ một tàu ngầm đang hoạt động, không giống hai tên lửa được phóng từ tàu ngầm năm 2016 và 2019. Bởi các tàu ngầm của Triều Tiên tương đối nhỏ nên tên lửa có thể đã được thu nhỏ.

Chiến lược kép

Việc Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa trong thời gian này đã thu hút sự chú ý của giới chuyên gia. Họ chỉ ra rằng, nước này dường như muốn tăng cường đoàn kết nội bộ khi thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển sức mạnh quốc phòng, được công bố hồi tháng 1 tại Đại hội lần thứ 8 của Đảng Lao động. Chủ tịch Kim Jong Un cũng đã yêu cầu phát triển tàu ngầm hạt nhân với khả năng tấn công tầm xa, và SLBM mang đầu đạn hạt nhân là vũ khí cần thiết để tăng cường năng lực phòng thủ quốc gia của Triều Tiên.

Bên cạnh đó, vụ thử còn là một “hành động quân sự” nhằm tăng vị thế của Triều Tiên khi thương lượng với Mỹ, đặc biệt khi Washington tuyên bố muốn “đối thoại vô điều kiện”.

Thời điểm phóng tên lửa trùng với dịp diễn ra cuộc họp 3 bên ở Seoul giữa Giám đốc Cục Tình báo quốc gia Hàn Quốc Park Jie-won, Giám đốc Tình báo quốc gia Hoa Kỳ Avril Haines và Giám đốc tình báo Nội các Nhật Bản Hiroaki Takizawa. Trong khi đó tại Washington, đàm phán giữa các đặc phái viên hạt nhân hàng đầu của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản (Noh Kyu-duk, Sung Kim và Takehiro Funakoshi) diễn ra trong hai ngày 18 và 19/10.

Sự thận trọng của Hàn Quốc

Nhà Xanh đã bày tỏ “sự thất vọng sâu sắc” tại cuộc họp khẩn cấp của Ủy ban thường trực Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) do Văn phòng Giám đốc An ninh quốc gia Suh Hoon chủ trì ngay sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.

Tuy nhiên, vì tên lửa được cho là SLBM tầm ngắn, văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đã kiềm chế sử dụng các cụm từ như “khiêu khích” hoặc “đe dọa”. Điều này cho thấy Seoul nhận thức rõ ràng về “tiêu chuẩn xử lý kép” mà nước này bị Bình Nhưỡng cáo buộc hồi tháng trước.

Trong bài phát biểu tại triển lãm quốc phòng ngày 11/10, ông Kim Jong Un chỉ trích Seoul “đang sử dụng các từ khiêu khích và đe dọa như những thuật ngữ dành riêng cho miền Bắc”.

Do vậy, hành động thận trọng của Hàn Quốc được coi là để tránh chọc giận Triều Tiên và duy trì động lực trong tiến trình hòa bình vốn đang tiến triển từ khi Tổng thống Moon đề xuất tuyên bố chấm dứt chiến tranh.

Mặc dù vậy, Triều Tiên phóng tên lửa đã khiến nước này bị lên án là gia tăng căng thẳng và bất ổn trên bán đảo, vào thời điểm mà việc quản lý hòa bình và ổn định ở khu vực đang giữ vai trò quan trọng cốt yếu.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Kim Jong UnTên lửa Triều TiênTriều Tiên

Các tin liên quan đến bài viết