Chàng sinh viên khiếm thị Lê Minh Tâm (27 tuổi, ngụ ấp Trường Phước, xã Trường Tây, H.Hòa Thành, Tây Ninh) đã chạm tay vào giấc mơ trở thành thầy giáo sau bao nhiêu nỗ lực.

Sinh ra trong một gia đình nghèo và bị khiếm thị bẩm sinh, Tâm từng bước chinh phục những khó khăn trong cuộc sống để được chạm tay vào giấc mơ trở thành thầy giáo.

Chàng sinh viên khiếm thị đã chạm tay vào giấc mơ - ảnh 2
Ước mơ trở thành thầy giáo của Tâm đã thành hiện thực ẢNH: GIANG PHƯƠNG
Một ngày nắng gắt, chúng tôi tìm đến Trung tâm nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh để gặp Tâm. Từ bên ngoài cổng, tiếng hát thầy giáo Tâm vẳng ra từ góc phòng dạy nhạc nép bên góc trung tâm.
Đó là một lớp học nhạc và đàn do Tâm phụ trách. Lúc này đàn em học trò nhỏ cùng chung phận đời khiếm thị như Tâm ngồi quây quần cạnh thầy.
Tất cả đều chăm chú nghe thầy giảng. Những cặp mắt bé nhỏ trong căn phòng ấy chốc chốc chỉ biết nheo nhè nhẹ hoặc chỉ đánh qua đánh lại theo thói quen. Nơi đây cũng chính là cái nơi nuôi giấc mơ tìm con chữ của thầy giáo Tâm từ nhỏ.

Chàng sinh viên khiếm thị đã chạm tay vào giấc mơ - ảnh 3
Lớp học đàn do Tâm phụ trách ẢNH: GIANG PHƯƠNG
Chàng sinh viên khiếm thị đã chạm tay vào giấc mơ - ảnh 4
Đôi mắt Tâm mắc chứng khiếm thị bẩm sinh như các anh chị ruột ẢNH: GIANG PHƯƠNG
Dù chưa một lần thấy được ánh sáng mặt trời nhưng từ nhỏ, Lê Minh Tâm không buông xuôi từ bỏ ước mơ trở thành thầy giáo.
Và ước mơ đến nay đã thành hiện thực khi được Trung tâm nhận vào giảng dạy văn hóa và âm nhạc cho đàn em. Ít ai dám nghĩ ước mơ ấy có ngày thành hiện thực khi cuộc đời Tâm từng là cảnh đời khốn khó ngay từ lúc lọt lòng.
Sinh ra trong gia đình nghèo khó tột cùng với 11 anh chị em nhưng có đến 4 anh chị khác đều khiếm thị như Tâm.
10 tuổi, Tâm được gia đình cho đến học ở Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật – nơi Tâm đang trở về giảng dạy. Việc học của Tâm khó khăn ngay từ khi đặt tay mò mẫm con chữ nổi lạ lẫm đầu tiên.
Trong khi đó, khi cần diễn đạt một vấn đề, cậu học trò nhỏ phải căng mình cảm nhận bởi mọi màu sắc, sự vật, âm thanh, hiện tượng xung quanh đều chỉ nằm trong trí tưởng tượng. Và rồi những con chữ nổi sáng dần trên những ngón tay cậu học trò nghèo.

Chàng sinh viên khiếm thị đã chạm tay vào giấc mơ - ảnh 5
Những đôi mắt khiếm thị của học trò cùng cảnh ngộ với thầy Tâm trong lớp học ẢNH: GIANG PHƯƠNG
Nối tiếp câu chuyện về Lê Minh Tâm, chị Cao Thị Thu Thanh, giáo viên – Tổ trưởng tổ chuyên môn của Trung tâm nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh kể, do Trung tâm không có cấp 2 và cấp 3 nên hết lớp 5, Tâm bước chân ra khỏi khoảng không gian nhỏ của người khiếm thị.
Tâm đến Sài Gòn và đặt chân mình vào thế giới của người sáng mắt để học tiếp cấp 2 và cấp 3 ở trường THPT Nguyễn Đình Chiểu. Đây cũng là lúc Tâm đối mặt với hàng loạt những “chướng ngại vật” của cuộc sống.
Nhờ có khiếu hát hay, đàn giỏi học từ anh chị, Tâm cùng anh chị bươn chải khắp các ngỏ ngách ở Sài Gòn, đến tận các tỉnh Long An, Bình Dương mưu sinh… bằng nghề hát rong, bán vé số dạo. Số tiền kiếm được, Tâm chi trả vào tiền ở trọ, mua tập sách để nuôi giấc mơ đại học.
Chị Thanh xúc động nói: “Quá trình học tập của người bình thường vốn đã khó khăn vất vả nhưng với những người khiếm thị càng vất vả hơn. Tâm đã nỗ lực vượt qua và hiện tại như một sự đền đáp xứng đáng”.
Chúng tôi hỏi Tâm có bao giờ thấy tủi thân hay xấu hổ với bạn bè vì phải lang thang bán vé số dạo: “Kiếm tiền chân chính sử dụng cho mục đích chân chính của bản thân thì đó là niềm tự hào nhất của em” Tâm nói.
Càng đáng nói, suốt thời gian đi học ở TP.HCM, thành tích học tập của Tâm đều khá giỏi khiến nhiều bạn cùng trang lứa nể phục.
Chạm vào giấc mơ
Và rồi, giấc mơ đại học hé sáng khi Tâm được tuyển thẳng vào Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM (khóa 2012 – 2016) và chính thức trở thành sinh viên khoa Ngữ văn. Dù không tốn tiền học phí nhưng tiền trọ, tiền sách vở lại đè nặng lên vai. Tâm lại phải bôn ba nhiều hơn cùng với anh chị ruột để kiếm tiền.
Nói về chuyện học, Tâm kể: “Mỗi khi giảng viên giảng bài, em xin được ghi âm để về nghe lại. Đối với giáo trình, tài liệu thì em ra ngoài nhờ tiệm scan từ giấy ra file pdf. Từ file này em lại chuyển sang bản word rồi đưa vào máy tính nhờ phần mềm đọc hỗ trợ cho người khiếm thị để ôn bài”.
Cứ thế, 4 năm đại học trôi qua, như một câu chuyện cổ tích khi giờ đây, Tâm tốt nghiệp, trở về quê hương và trở thành thầy giáo.
“Không ai có thể hiểu được hết những gì người khiếm thị tụi em trải qua bằng chính những người cùng cảnh ngộ. Chính những trải nghiệm thực tế từ cuộc sống đã giúp em có thêm vốn sống để chỉ dạy lại cho đàn em chung cảnh đời với mình”, Tâm nói.
Tâm chia sẻ: “Em nhận ra một điều, để được thành công, bản thân chúng ta phải luôn cố vượt qua khó khăn. Không bao giờ tuyệt vọng”.
Nói đoạn, Tâm cất cao giọng ca đầy ngọt ngào lời bài hát Tôi ơi đừng tuyệt vọng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng. Lá mùa thu, rơi rụng giữa mùa đông. Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng. Em là tôi, và tôi cũng là em”
Chàng sinh viên khiếm thị đã chạm tay vào giấc mơ - ảnh 6
Em Nguyễn Minh Trí được thầy Tâm chỉ dạy tận tình từng phím đàn ẢNH: GIANG PHƯƠNG
Nhận xét về người thầy của mình, em Nguyễn Minh Trí (học sinh lớp 7) nói: “Thầy dạy tụi em dễ hiểu lắm, giống như một người anh đi trước chỉ dạy cho em chứ không có khoảng cách thầy trò”

Theo Thanhnien.vn

Từ khóa : Nghị Lực Đẹpsinh viêntây ninhThầy Giáo MùVượt Khó Học Giỏi

Các tin liên quan đến bài viết