Nhiều tỉnh, thành đã nới lỏng kiểm soát đi lại… nhưng chậm công bố cấp độ dịch để người dân, DN có “giấy thông hành” đi nơi khác.

Trong số các mục tiêu của Nghị quyết 128 Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Chính phủ đặc biệt lưu ý, không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội.

Những ngày qua, thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, hướng dẫn số 4800 của Bộ Y tế, nhiều tỉnh, thành đã ban hành quy định tạm thời thích ứng linh hoạt, điều chỉnh các điều kiện trong kiểm soát người vào tỉnh theo hướng bỏ yêu cầu bắt buộc xét nghiệm PCR, chỉ yêu cầu khai báo y tế với người về từ vùng cấp độ dịch 1, 2…

Một chuyên gia trong lĩnh vực y tế cho rằng, quy định này được áp dụng thống nhất trong toàn quốc, nên ngoài ban hành các điều kiện kiểm soát người vào tỉnh mình, các địa phương còn phải công bố cấp độ dịch để giữa các tỉnh, thành có sự thừa nhận nhau trong ứng xử qua lại giữa người và doanh nghiệp các địa phương.

'Giấy thông hành' cho người dân, doanh nghiệp
Chốt Pháp Vân – Cầu Giẽ (Hà Nội) đã nới lỏng cho các phương tiện đi qua. 

Công bố cấp độ dịch ở địa phương còn có ý nghĩa như “giấy thông hành” cho người dân, doanh nghiệp đi các tỉnh, thành khác.

Ngày 16/10, Nam Định có lẽ là tỉnh đầu tiên công bố cấp độ dịch mức 1 toàn tỉnh (bình thường mới, màu xanh). Theo công bố, đến thời điểm ngày 16/10, cả 9 huyện và thành phố với 226 xã phường, thị trấn đều ở cấp độ 1 (màu xanh).

Công bố này có ý nghĩa quan trọng, giúp người dân, doanh nghiệp ở Nam Định khi lưu thông tới các địa phương được ứng xử và kiểm soát theo đúng điều kiện vùng xanh.

Cuối ngày, tỉnh Bắc Ninh cũng công bố cấp độ dịch mức 1 ở phạm vi cấp tỉnh, tương ứng với màu xanh (nguy cơ thấp – bình thường mới). Riêng phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh ở cấp độ 2, tương ứng màu vàng (nguy cơ trung bình).

Công bố cấp độ dịch có ý nghĩa như giấy thông hành cho người dân, doanh nghiệp, nhưng đến ngày 16/10, có thực tế rất nhiều tỉnh, thành ban hành quy định thay đổi điều kiện kiểm soát người vào tỉnh nhưng vẫn chưa công bố cấp độ dịch. Hiện mới có hơn 10 địa phương thực hiện việc xác định cấp độ dịch.

Ngay ở Hà Nội, sau những ngày dài giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, khi việc đi lại được nới lỏng theo hướng thích ứng an toàn, câu hỏi được thắc mắc nhiều nhất, chủ đề bàn thảo nhiều nhất chính là “Hà Nội đang màu gì, xanh, vàng, cam…”.

Với nhiều người ở Hà Nội, trong 2 tháng giãn cách, không ít gia đình chưa một lần ra khỏi thành phố, vì thế, khi nới lỏng, những kế hoạch thăm thân, làm ăn ở các tỉnh thành đã nhen nhóm.

Ở một dòng trạng thái, một anh bạn quê Bắc Giang phấn khởi, “về quê không phải ngoáy mũi xét nghiệm nữa”. Có thể thấy, nhiều người cùng chờ đợi sự thay đổi sớm trong kiểm soát đi lại ở địa phương theo chiều hướng đúng với hướng dẫn của Trung ương biết nhường nào.

Nhưng rồi cũng anh bạn này lại băn khoăn, từ ngày 15/10, tỉnh Bắc Giang không yêu cầu xét nghiệm với người đến/về tỉnh từ vùng xanh (cấp 1), vùng vàng (cấp 2), vùng cam (cấp 3), nhưng Hà Nội cấp độ mấy, màu gì?

Cũng may cho anh bạn, chiều tối 15/10, thông tin hiếm hoi được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội đưa ra, “Hà Nội đáp ứng đủ tiêu chí vùng xanh, bình thường mới”.

Theo CDC Hà Nội, đánh giá chung có 579/579 xã, phường ở thủ đô đều ở cấp độ 1 (vùng xanh, bình thường mới). Về đánh giá cấp độ dịch quận, huyện là 30/30 quận, huyện đều ở cấp độ 1.

Từ việc đánh giá này, người dân ở Thủ đô có “giấy thông hành” vùng xanh đi các nơi, được ứng xử theo các điều kiện kiểm soát với người ở địa phương cấp độ dịch mức 1, vùng xanh, không phải xét nghiệm, không phải cách ly…

Công bố cấp độ dịch là trách nhiệm của các tỉnh, thành trong xác lập sự thống nhất, thừa nhận nhau về kiểm soát đi lại giữa các địa phương.

Nghị Quyết của Chính phủ đã ban hành, hướng dẫn các tiêu chí của Bộ Y tế đã có, việc công bố tỉnh thành màu gì có khó đến mức cứ để người dân, doanh nghiệp phải chờ?

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Cấp Độ DịchGiấy Đi Đườnggiấy thông hànhHà Nội

Các tin liên quan đến bài viết