11h ngày 14/10 là thời điểm tỉnh Quảng Ninh dừng triển khai văn bản 7217 ban hành ngày 12/10 có nội dung hướng dẫn tạm thời thực hiện một số giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Văn bản 7217 của tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn nhiều nội dung về phòng, chống dịch, nhưng ở góc độ của người dân, doanh nghiệp, việc dừng thực hiện văn bản nêu trên xét về một khía cạnh nào đó có thể là tin vui, ít nhất là với người dân và lao động ra, vào tỉnh không còn bị chế định bắt buộc xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR.
Đáng nói, văn bản 7217 được tỉnh Quảng Ninh ban hành ngày 12/10, có hiệu từ 0h ngày 13/10, có thể nói đây là quy định chưa “ráo mực”, nhưng trước một hướng dẫn mới của Trung ương, tỉnh chủ động dừng để vận dụng hướng dẫn mới.
Quảng Ninh bỏ xét nghiệm Covid-19. |
Dừng triển khai văn bản 7217 cũng có nghĩa là dừng yêu cầu tất cả người từ các địa phương khác vào tỉnh hoặc người Quảng Ninh từ các địa phương khác trở về tỉnh, phải có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ tính từ thời điểm lấy mẫu.
Đồng thời, cũng dừng luôn quy định, người từ Quảng Ninh ra tỉnh ngoài, cũng phải thực hiện xét nghiệm, khi trở về phải có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ.
Dừng quy định này, người dân ra vào tỉnh Quảng Ninh tránh được những lần “ngoáy mũi” bắt buộc xét nghiệm, mà theo hướng dẫn mới, trong khá nhiều trường hợp không cần thiết phải thực hiện.
Trong văn bản hỏa tốc do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh ký ngày 14/10, gửi Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, ngoài nội dung yêu cầu dừng triển khai văn bản số 7217, tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện theo quyết định số 4800 của Bộ Y tế. Quyết định này hướng dẫn về chuyên môn trong thực hiện Nghị quyết số 128 ngày 11/10 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Theo quyết định số 4800 của Bộ Y tế, vấn đề xét nghiệm được nêu rõ: Không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3. Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin và người đã khỏi bệnh: chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; với trường hợp cách ly y tế hoặc theo dõi y tế và trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).
Tuy nhiên, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128 với 4 cấp độ dịch, Bộ Y tế có hướng chuyên môn phân loại cấp độ dịch ở các tỉnh, thành, thực tế vẫn chưa có nhiều địa phương hỏa tốc như Quảng Ninh trong dừng quy định có điều kiện không phù hợp hay ban hành quy định mới cho phù hợp với những hướng dẫn của Trung ương.
Sẽ còn nhiều vấn đề phải điều chỉnh với mục tiêu thống nhất trong quản lý toàn quốc về lưu thông và giao thông vận tải đường thủy, đường bộ, hàng không hay kiểm soát đi lại; kiên quyết không để ban hành các “giấy phép con”, không cát cứ, chia cắt.
Nghị quyết của Chính phủ ban hành Quy định “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” là áp dụng thống nhất toàn quốc với những mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021.
Vì vậy, trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2021, Chính phủ đặc biệt lưu ý địa phương không ban hành các quy định mới và bãi bỏ ngay những yêu cầu, điều kiện trái với quy định của cơ quan Trung ương và gây khó khăn cho người lao động, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Nguồn: vietnamnet