Trong cuộc hội đàm với trang tin công nghệ Gizmodo, các chuyên gia y tế đã nêu nhận định của mình về thời điểm dịch Covid-19 được xem là có thể chấm dứt trên toàn cầu.

Theo Marisa Eisenberg, Phó giáo sư khoa Dịch tễ của trường Đại học Michigan (Mỹ), vẫn còn quá sớm để xác định một ngày cụ thể mà virus corona sẽ biến mất, vì rõ ràng rằng cuộc chiến với nó vẫn là một chặng đường dài hơi.

Tuy nhiên, bà vẫn hy vọng nhân loại sẽ sớm đạt trạng thái “không Covid”. Đó là thời điểm Covid-19 chỉ còn được xem như bệnh đặc hữu, lây lan theo mùa, và hầu hết người nhiễm sẽ không còn chuyển biến xấu do đã được tiêm vắc xin hoặc sản sinh một lượng kháng thể vừa đủ để kháng virus. Để làm được điều này, việc tuân thủ các chiến lược phòng dịch như đeo khẩu trang và tiêm chủng đầy đủ là điều rất quan trọng để giảm thiểu số ca nhiễm và tử vong, đồng thời không gây thêm áp lực cho các hệ thống y tế hay để lại những ảnh hưởng nghiêm trọng khác.

Dù vậy, Phó giáo sư Eisenberg vẫn lưu ý rằng ngay cả khi dịch Covid-19 được cho là đã “chấm dứt”, chúng ta vẫn sẽ phải vật lộn với nhiều tác động lâu dài của nó, như những thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh gây ra, các hội chứng Covid kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh đến sức khỏe tinh thần của con người, hay tình trạng lan truyền các thông tin sai lệch.

Chuyên gia nhận định thời điểm dịch Covid-19 có thể chấm dứt
Hình minh họa

Cùng chung quan điểm với Phó giáo sư Eisenberg còn có Giáo sư Art Reingold, Trưởng khoa Dịch tễ tại Đại học California ở Berkeley. Theo bà Reingold, thời điểm dịch Covid-19 “chấm dứt” phụ thuộc vào việc liệu còn xuất hiện thêm các biến thể có khả năng kháng vắc xin trong tương lai hay không, và khi nào tỷ lệ dân số được tiêm chủng đầy đủ trên thế giới đủ lớn để đạt miễn dịch cộng đồng. Đây đều là hai yếu tố chưa thể đoán định ở thời điểm hiện tại.

“Tôi cho rằng, viễn cảnh Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu đối với chúng ta vẫn chưa thể đến trong vòng từ 12 đến 18 tháng tới”, Giáo sư Reingold nhận định.

Góp mặt trong buổi hội đàm với Gizmodo còn có Amesh Adalja, học giả cấp cao từ Trung tâm An ninh y tế John Hopkins. Vị chuyên gia này nói rằng, dịch Covid-19 sẽ chỉ kết thúc trên phạm vi toàn cầu, khi hầu hết các quốc gia có thể điều trị virus corona giống như các loại virus đường hô hấp khác mà thế giới đang phải đối phó quanh năm.

“SARS-CoV-2 là một loại virus đường hô hấp có tính lây lan, gây ra một loạt triệu chứng được lưu hành trong vật chủ, nên rất khó để có thể loại bỏ hoặc tiêu diệt hoàn toàn”, ông Adalja cho biết. “Mục tiêu hàng đầu hiện nay vẫn là loại bỏ khả năng gây bệnh nặng, cùng số ca nhập viện và tử vong trên diện rộng. Điều này chỉ có thể đạt được bằng cách tiêm chủng cho những người có nguy cơ mắc Covid-19 biến chứng cao nhất, để giảm nguy cơ nhập viện đối với họ”.

Cũng theo chuyên gia từ Trung tâm An ninh y tế John Hopkins, miễn dịch tự nhiên sau khi nhiễm Covid-19 cũng đóng một vai trò quan trọng, dù không phải là cách tối ưu để chế ngự virus corona. Thế giới hậu dịch bệnh sẽ là một thế giới mà Covid-19 vẫn tồn tại, nhưng dễ được kiểm soát hơn nhiều.

Chia sẻ với Gizmodo, Tiến sĩ ngành Cấp cứu và Y tế công cộng Leana Wen từ Đại học George Washington nói: “Tôi không nghĩ rằng xã hội chúng ta có thể định nghĩa chính xác thời điểm “dịch bệnh chấm dứt” sẽ diễn ra như thế nào. Liệu nó sẽ “chấm dứt” khi không còn ca nhiễm Covid-19 nào khác? Liệu nó sẽ “chấm dứt” khi số ca nhập viện dừng ở mức khiến chúng ta không còn lo lắng về việc quá tải các hệ thống chăm sóc sức khỏe? Liệu nó sẽ “chấm dứt” khi số người tử vong giảm xuống dưới một ngưỡng nhất định?”.

Dù vậy, bà Leana Wen nhận định đến một thời điểm nào đó, chúng ta sẽ phải có đủ hiểu biết về dịch bệnh này để đạt được trạng thái ổn định, và không còn xem nó là mối quan tâm hàng đầu trong mọi quyết định của mình. Tuy nhiên, điều này sẽ khó xảy ra chừng nào trẻ em hay các đối tượng dễ bị tổn thương nhất chưa được tiếp cận đầy đủ với vắc xin Covid-19.

Đề cập đến việc sản xuất đủ vắc xin Covid-19 và đưa chúng đến tận tay từng người trên thế giới, ông Lynn R. Goldman, Hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng thuộc Viện Milken và Giáo sư tại Đại học George Washington, cho rằng điều này chưa thể diễn ra một cách nhanh chóng. Sự bất bình đẳng liên quan đến sản xuất vắc xin và tỷ lệ người từ chối tiêm chủng ở thời điểm hiện tại đồng nghĩa với việc tiến trình trên phải mất vài năm nữa mới có thể hoàn thành.

“Khiêm tốn mà nói, ngay từ đầu, kiến ​​thức của chúng ta về virus corona còn chưa thật sự đầy đủ như những gì chúng ta tưởng, khi đến giờ này, chúng ta vẫn chưa thể đoán trước được loại virus này còn có thể đột biến nhanh đến mức nào”, ông Goldman cho biết. “Hơn nữa, kiến ​​thức của chúng ta về hành vi của con người cũng chưa thật sự hoàn thiện. Chúng ta không thể lường trước được mức độ thông tin sai lệch mà chúng ta phải đối mặt, cũng như những hạn chế khác trong kiến thức khoa học của mình”.

“Mọi người đều biết rằng có một số loại vắc xin được sử dụng công nghệ mRNA, nhưng nếu không có đủ kiến thức về di truyền hoặc các ngành khoa học liên quan, điều này có thể khiến bạn trở nên sợ sệt hơn là an tâm”, vị giáo sư nói thêm. “Tôi có thể hiểu được rằng mọi người đều có những nỗi lo sợ như vậy, nhưng chúng đang dẫn đến tình trạng rất nhiều người do dự trong việc tiêm vắc xin. Đây là điều rất tệ hại vì khoa học đã chứng mình rằng mRNA không làm thay đổi cấu trúc DNA trong cơ thể người theo bất kỳ cách nào”.

Giáo sư Lynn R. Goldman cũng đề cao việc phát triển vắc xin Covid-19 cho các đối tượng nhỏ tuổi. Bởi theo ông, chừng nào virus corona vẫn còn lưu hành trong trẻ em, thì chừng đó chúng ta sẽ còn phải chứng kiến nhiều ca lây nhiễm Covid-19 đột phá sau tiêm chủng hơn nữa ở những người lớn xung quanh chúng.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Covid-19 Thế Giới

Các tin liên quan đến bài viết