Mỗi ngày Suzuki đi bộ khoảng 15 phút từ nhà đến ga xe điện, lên xe điện đi khoảng 30 phút thì đến gần chỗ làm. Xe điện chạy bình thường ngay cả khi chỉ riêng Tokyo mỗi ngày có hơn 5.000 ca nhiễm Covid-19.
Suzuki sống cùng vợ và hai con nhỏ trong căn hộ ở khu chung cư 10 tầng với tổng cộng 40 gia đình. Khi ra khỏi nhà để đi làm hay đem rác đến nơi tập trung, mọi người mới đeo khẩu trang.
Khu mua sắm Ameyoko ở Tokyo, Nhật Bản hồi đầu tháng này. |
Suzuki cũng như những người khác dù không biết hết nhau nhưng thường chào hỏi khi gặp trong thang máy hay lối đi chung. Trước đại dịch, Suzuki được người nhà bên tặng mấy trái bắp từ quê gửi lên. Nhà ông cũng tặng lại hàng xóm món quà nhỏ khi họ sinh cháu bé thứ hai.
Từ khi Covid-19 lây lan rộng, họ không tặng quà nhau nữa vì ngại lây lan. Dù có người trong chung cư bị nhiễm dịch thì không ai có quyền phong tỏa nơi này. Chung cư vẫn sinh hoạt như bình thường.
Trong khi đó, đài truyền hình và các phương tiện truyền thông tích cực truyền tải những thông tin về phòng chống dịch như 5K của Việt Nam. Dĩ nhiên mọi việc không phải luôn hoàn hảo. Nếu có người biết được trường hợp nhiễm bệnh hay thậm chí tử vong thì trẻ em bị bạn bè xa lánh ở trường hay người lớn bị đối xử phân biệt ở nơi làm việc. Cho nên người ta càng cố gắng tôn trọng quyền riêng tư.
Giao thông công cộng hoạt động bình thường
Truyền thông cũng đăng tên bệnh viện hay nhà dưỡng lão khi có chùm ca bệnh vài chục người, và sở y tế tham gia cùng giải quyết.
Dù ở trong tình trạng khẩn cấp, các phương tiện giao thông công cộng như xe điện, xe buýt, xe taxi… vẫn hoạt động bình thường. Mỗi ngày Suzuki đi bộ khoảng 15 phút từ nhà đến ga xe điện, lên xe đi khoảng 30 phút thì đến gần chỗ làm. Xe điện chạy bình thường ngay cả khi Tokyo có hơn 5.000 ca nhiễm/ngày. Xe điện mở cửa sổ và người ta tránh nói chuyện nhau.
Tùy theo công việc, một số người được khuyến khích làm ở nhà. Trường hợp của Suzuki phải đến văn phòng mỗi ngày. Trong văn phòng, mọi người đều đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc gần và nói to tiếng. Không phải nơi làm việc nào cũng rộng rãi, nhưng người ta cố gắng lo cho mình và vì nhau. Trước đây, Suzuki thường ra tiệm ăn trưa. Từ khi dịch bệnh bùng phát, Suzuki thường đi mua hộp cơm mang về ăn trên bàn làm việc.
Trước khi xảy ra đại dịch, trên đường về nhà, thỉnh thoảng Suzuki cùng vài người bạn ghé quán ăn. Rồi Covid bùng phát, ông không còn lui tới những nơi ấy nữa. Khu gần nhà Suzuki ở, một số quán nhậu vẫn mở cửa và một số người vẫn thoải mái uống rượu. Trong thời gian nhà nước tuyên bố khẩn cấp, nhiều tiệm ăn, nhà hàng không được bán rượu cho khách, hoặc chỉ được bán đến giờ nhất định. Một số thanh niên tụ tập ngồi bệt trên lề đường hay công viên uống bia và giao lưu vì không có luật cấm uống rượu ngoài đường.
Trong các nhà hàng khá một chút thường có vách ngăn nhựa trong. Chính quyền khuyên khi đi ăn, nên giới hạn ở mức 4 người. Khi chỉ có 2 người thì nên ngồi ngang, không đối diện nhau.
Các tiệm ăn, nhà hàng, khách sạn là những ngành bị tổn thương nặng nề trong thời gian này. Và nhà nước cứu trợ họ thật nhanh. Một tiệm nhỏ hay nhà hàng lớn thuê người làm đều nhận một số tiền hỗ trợ như nhau tránh “chết chùm”.
Văn phòng quận nơi Suzuki ở khuyến cáo người dân giảm số lần đi mua hàng hoá, nên đi mua một mình, không đem trẻ em theo, mua xong về sớm. Siêu thị và cửa hàng tiện ích đều mở cửa, giờ đóng cửa có nơi sớm hơn bình thường.
Tại quầy thanh toán, người ta sử dụng vách ngăn và nghĩ ra một số cách để giảm sự tiếp xúc: Người mua tự đưa thẻ tín dụng vào máy và thu về; Người mua tự trả tiền bằng cách cho tiền vào máy và tự lấy tiền thừa; Khách trả tiền bằng ứng dụng trên điện thoại. Tuy nhiên không phải nơi nào cũng như vậy.
Ở trước siêu thị hay cửa hàng tiện ích thường để sẵn chai dung dịch cồn trên 70% để khách thoa tay, khử khuẩn. Cũng có nơi treo bảng yêu cầu đeo khẩu trang.
Chuyện xét nghiệm
Vợ Suzuki có bệnh nền nên mỗi tháng ông phải đưa vợ đi viện. Ở cửa ra vào bệnh viện có y tá cầm máy đo nhiệt độ cho từng người. Mấy tháng gần đây, bệnh viện có máy đo nhiệt độ và bình dung dịch khử khuẩn tự động. Ở một số bệnh viện lớn, người ta xếp ghế cho người đến khám chữa bệnh ngồi cách nhau. Trong quán cà phê sang cũng tương tự như vậy.
Trước đây, những ngày chủ nhật hay nghỉ lễ, thỉnh thoảng Suzuki dẫn vợ con ra công viên, thăm viện bảo tàng hay xem các sự kiện thể thao. Trong thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp, một số công viên căng dây đóng cửa. Vài khu đậu xe công cộng hay của tư nhân gần bãi biển đẹp cũng có thông báo đóng cửa vì dịch bệnh. Không ai tháo dây tự ý đi vào. Bây giờ tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ, các nơi đều mở cửa lại trừ những sự kiện đông người vẫn còn ít nhiều giới hạn.
Một con phố tại quận Ginza, Tokyo vào tháng 10. |
Vào giữa tháng 2 là tháng lạnh ở Tokyo, Suzuki cảm thấy nóng lạnh bất thường và nhức đầu. Lo có thể bị nhiễm virus, ông đến một cơ sở và tự trả tiền xét nghiệm. Kết quả được gửi bằng email vào buổi tối cùng ngày. May là Suzuki âm tính. Vào tháng 8, khi dịch lan rộng, Suzuki điện thoại cho văn phòng quận hỏi về thủ tục xét nghiệm thì được trả lời: Nếu bác sĩ phụ trách hay cơ quan y tế yêu cầu thì Suzuki sẽ được xét nghiệm miễn phí, còn cá nhân tự đi xét nghiệm thì tự bỏ tiền.
Nhiều ngày trong tháng 8, tháng 9, người ta thường hay nghe tiếng còi xe cứu thương. Các báo đăng tin hệ thống y tế đang quá tải. Chính quyền khuyên những người bị nhẹ chữa trị tại nhà, có bác sĩ đến chăm sóc hoặc thăm khám qua điện thoại. Một số người trở nặng và qua đời. Xe cấp cứu phải chạy hết công suất. Có trường hợp xe cấp cứu bị các bệnh viện từ chối hơn 50 lần, sau 6 tiếng mới đưa được bệnh nhân đến một bệnh viện ở tỉnh kế bên.
Không thấy bệnh viện nào bị phạt, lên án hay nêu tên. Các bệnh viện có thể nêu tình trạng quá tải, hoặc không có chuyên môn để từ chối. Dư luận bức xúc, bất bình, nhưng nhà nước không phạt được bệnh viện từ chối nhận người bệnh.
Không cấm đi từ tỉnh này sang tỉnh khác
Báo chí hàng ngày đưa tin về số người nhiễm, công bố trường hợp bị nặng và tử vong. Chịu trách nhiệm về việc quản lý dịch bệnh cao nhất là Thủ tướng – Bộ trưởng Y tế – Bộ trưởng Tái thiết kinh tế với sự tư vấn của một tiểu ban 18 người gồm các chuyên gia y khoa, chuyên gia kinh tế và quản trị địa phương.
Khi nhà nước ra những quyết định hệ trọng, Thủ tướng thường họp báo cùng với đại diện của tiểu ban tư vấn. Cũng có ý kiến khác nhau, nhưng quyền quyết định và trách nhiệm sau cùng là của Thủ tướng.
Các địa phương có thể yêu cầu trung ương ra tuyên bố khẩn cấp và hỗ trợ cho địa phương của mình. Địa phương phải tôn trọng pháp luật dù có thể có cách quản lý riêng hệ thống tiệm ăn, nhà hàng.
Người nước ngoài hay người Nhật từ nước ngoài trở về, khi đến sân bay phải xét nghiệm và cách ly tại nhà trong 14 ngày. Phải có người đón từ sân bay về nhà hay khách sạn, không được đi phương tiện công cộng.
Không thấy trường hợp người từ tỉnh này sang tỉnh khác bị cách ly hay cấm vào. Cũng có trường hợp một số nơi yêu cầu người địa phương khác đừng đến địa phương mình vào lúc này. Đó chỉ là lời kêu gọi hợp tác, không kèm theo sự tẩy chay hay hình phạt nào. Vào thời gian đầu dịch bệnh bùng phát, cũng có một vài trường hợp ném đá vào xe của người đến từ Tokyo, không muốn người từ Tokyo đến địa phương mình, nhưng đó chỉ là cá biệt.
Khi Covid-19 ập đến đợt đầu năm ngoái, Nhật Bản cũng rơi vào tình trạng bị động, lúng túng. Thiếu khẩu trang, dung dịch kháng khuẩn, người dân mua trữ cả giấy vệ sinh. Xã hội gần như rơi vào hoảng loạn. Nước Nhật cũng chậm trễ trong vấn đề tiêm vắc xin. Thực tế là đến hạ tuần tháng 5 vừa qua, người trên 65 tuổi mới bắt đầu được tiêm mũi đầu tiên. Nhưng tình hình hiện nay đã cải thiện rất nhiều, tỉ lệ tiêm hai mũi ngang bằng các nước tiên tiến khác. Thuốc chữa bệnh được nhập khẩu và triển khai sản xuất trong nước.
Dựa trên pháp luật và giáo dục
Nhật Bản dựa trên pháp luật và giáo dục để phòng chống dịch Covid-19. Ví dụ tiệm ăn bị khuyến cáo không được cung cấp rượu cho khách trong thời gian khẩn cấp. Đọc báo chỉ thấy vài trường hợp bị phạt. Chính quyền trung ương hay địa phương yêu cầu người dân vui lòng làm điều này, điều kia, không đe dọa phạt thế này thế khác.
Bà Koike Yuriko, Thị trưởng Tokyo có lúc phờ phạc do căng thẳng liên tục trong chống dịch bệnh. Tuy nhiên lúc nào bà cũng lễ độ với người dân, tránh những lời xúc phạm, hay buông lời của kẻ bề trên.
Nước Nhật có chế độ chính trị đại nghị, có 6 đảng chính và tự do báo chí. Một số lần đại biểu quốc hội thuộc đảng cầm quyền và quan chức đi ăn nhậu ở nơi sang trọng trong khi khuyên dân tránh ra đường để khỏi lây lan. Nhờ báo chí phát hiện, lên án, các đảng đối lập phê bình mạnh mẽ, nên những chuyện ấy không nhiều.
Tại Nhật, cứ 6-7 người thì có 1 người nghèo, có cả người khốn cùng. Bộ Y tế áp dụng chính sách hoạt động thực tế lo cho họ nhưng không xuể vì nhiều yếu tố. Các tổ chức phi lợi nhuận lo cho những người khốn cùng một cách tận tụy, chân thành.
Việc đăng ký thành lập một tổ chức phi lợi nhuận rất đơn giản, chỉ cần có tên người điều hành, bản điều lệ ngắn gọn, địa chỉ văn phòng là có thể đăng ký được, và bắt đầu từ số tiền nào cũng được. Hoạt động xã hội của những tổ chức thiện nguyện được nhà nước và nhân dân hỗ trợ, ủng hộ. Nhiệm vụ của các tổ chức này là phải báo cáo tài chính minh bạch hàng năm, nhưng không cần đóng khoản thuế nào.
Khi đợt thứ 5 hạ nhiệt, và tình trạng khẩn cấp dỡ bỏ vào cuối tháng 9, người dân bắt đầu ra đường nhiều. Trong đợt 5 vừa rồi, có ngày số người bị nhiễm lên trên 25.000 người (Tokyo trên 5.000). Bây giờ con số xuống thấp hơn 1.000 người (Tokyo thấp hơn 100), tình hình được cải thiện nhanh đến nỗi người ta lúng túng trong việc giải thích lý do.
Đại diện của tiểu ban tư vấn chính phủ thì cho là ý thức và sự hợp tác của người dân được nâng cao, tình hình tiêm vắc xin tiến triển tốt, nhưng vẫn tiếp tục cảnh báo người dân là đợt thứ 6 có thể đến. Tỉnh trưởng Osaka cho rằng đợt thứ 6 sẽ đến vào mùa đông và kêu gọi phải chuẩn bị.
Vừa qua, đảng cầm quyền Nhật Bản bầu thủ tướng mới. Bốn ứng cử viên đều nói rằng không thể tiêu diệt virus Corona mà phải cùng tồn tại với nó. Và tân Thủ tướng Kishida nhấn mạnh, phải chuẩn bị trang thiết bị y tế, tiêm ngừa và các việc khác cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Nguồn: vietnamnet