Nhiều doanh nghiệp bức xúc về việc ngân hàng vẫn đều đặn thu tiền nợ, lãi hằng tháng trong khi doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19, thậm chí phá sản, giải thể.
Sáng 10-10, Đoàn luật sư TP.HCM tổ chức tư vấn pháp luật miễn phí qua ứng dụng Zoom cho người dân với chủ đề pháp luật về phòng chống dịch COVID-19 và các vấn đề an sinh xã hội.
Có thể áp dụng điều kiện bất khả kháng để yêu cầu ngân hàng ngừng thu nợ?
Tham gia chương trình, một tài khoản đặt câu hỏi: “Chính phủ xác nhận ‘chống dịch như chống giặc’, có thể hình dung tình trạng quốc gia như trong chiến tranh, đại dịch. Nhiều doanh nghiệp kiệt quệ, mất nguồn thu, không có khả năng trả nợ ngân hàng. Trong khi ngân hàng vẫn thu tiền nợ, lãi hằng tháng.
Trong trường hợp này có thể áp dụng điều kiện bất khả kháng như chiến tranh, đại dịch… để yêu cầu ngân hàng ngừng thu nợ, lãi vay trong hoàn cảnh này được không?”.
Trả lời câu hỏi này, luật sư Trương Trọng Nghĩa – Đoàn luật sư TP.HCM – cho biết Bộ luật hình sự đã quy định rất rõ thế nào là tình huống bất khả kháng.
Thứ nhất, yếu tố khách quan của người đang vi phạm một nghĩa vụ nào đó; Thứ hai, là không thể lường trước được; Thứ ba, là bản thân người vi phạm đó đã làm tất cả mọi điều trong khả năng của mình nhưng vẫn không khắc phục được.
Từ quy định trên, luật sư Nghĩa cho rằng dịch COVID-19 không đương nhiên tạo ra tình huống bất khả kháng để miễn trừ trách nhiệm của những người có nghĩa vụ nhưng không thể hoàn thành nghĩa vụ.
Nghị quyết 447 công bố dịch trên cả nước không có nghĩa là tất cả các nghĩa vụ không hoàn thành đều được coi là bất khả kháng, mà phải rà soát từng trường hợp cụ thể theo 3 yếu tố trên.
Trước hết, các bên có thể thương lượng với nhau và nếu thương lượng không thành thì có thể nhờ đến các cơ quan như tòa án hoặc tòa trọng tài, các tổ chức hòa giải để hòa giải, phân xử.
“Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo chung, có một loạt biện pháp để giảm nhẹ khó khăn nhiều mặt, trong đó có khó khăn về tài chính cho người dân, doanh nghiệp và người lao động. Trong những biện pháp đó bao gồm ngân hàng có thể giảm, giãn nợ, giảm lãi suất…
Tôi tin rằng Nhà nước cũng đang nghiên cứu và tùy theo tình hình dịch bệnh sẽ có những biện pháp phù hợp để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động”, luật sư Nghĩa chia sẻ.
Viết Facebook phản biện, bị cơ quan nhắc nhở, đòi kỷ luật đúng không?
Một tài khoản tên Giang Vũ đặt câu hỏi: “Trong thời điểm tháng 8-2021, một người làm việc tại cơ quan nhà nước tỉnh Bình Thuận đăng status trên Facebook với nội dung ‘thay vì xét nghiệm tràn lan, hãy dùng kinh phí đó để tiêm vắc xin cho dân có hơn không’ thì bị cơ quan phê bình, thành lập hội đồng họp kiểm điểm, đòi kỷ luật người này vì cho rằng vi phạm chủ trương của tỉnh. Xin hỏi xử lý như cơ quan trên có đúng không?”.
Về câu hỏi này, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng công dân có quyền bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình, miễn là không xúc phạm đến danh dự, uy tín của tổ chức và cá nhân khác.
Thực tế thời gian qua ngân sách chi cho công tác xét nghiệm là cực lớn. Hiện nay Chính phủ và chính quyền các địa phương đã điều chỉnh biện pháp này để không xét nghiệm tràn lan, đồng thời dành các nguồn lực xã hội cho việc tìm kiếm nguồn vắc xin để từng bước phủ kín cho người dân.
Theo luật sư Phan Trung Hoài, trong trường hợp trên, nếu cơ quan vẫn cho rằng vi phạm “chủ trương của tỉnh” mà dẫn đến xử lý kỷ luật thì cá nhân người đó có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định xử lý kỷ luật nói trên ra tòa án.
Chào mừng Ngày truyền thống luật sư 10-10, sáng nay Đoàn luật sư TP.HCM tổ chức tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân qua ứng dụng Zoom.
Chương trình kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ và nhận được sự quan tâm lớn từ người dân. Nhiều câu hỏi liên quan đến các quy định pháp luật về phòng chống dịch COVID-19 và các vấn đề an sinh xã hội được các luật sư giải đáp rõ ràng, đầy đủ.
Chương trình có sự tham gia của luật sư Đỗ Ngọc Thịnh (đại biểu Quốc hội, chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam).
Tham gia tư vấn là các luật sư có thâm niên, uy tín: Nguyễn Văn Hậu, Trương Thị Hòa, Nguyễn Văn Hòa, Trương Trọng Nghĩa, Trần Mỹ Thoa, Phan Trung Hoài, Vũ Phi Long, Bùi Quang Nghiêm.
Nguồn: tuoitre.vn