Theo UBND thành phố Hà Nội, việc áp dụng cách ly tập trung như vậy là nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và sức khỏe của người dân.
Theo UBND thành phố Hà Nội, việc áp dụng cách ly tập trung như vậy là nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và sức khỏe của người dân, khi trên địa bàn thủ đô còn có ca F0 trong cộng đồng thời gian gần đây, đồng nghĩa với nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Theo quy định tạm thời về triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 do Bộ Giao thông vận tải ban hành, từ ngày 10 đến 20-10, Hà Nội khai thác 2 đường bay Hà Nội – TP.HCM và Hà Nội – Đà Nẵng với tần suất 1 chuyến khứ hồi/ngày cho mỗi đường bay.
Ngoài các điều kiện chung với hành khách đi máy bay, UBND Hà Nội áp dụng biện pháp cách ly tập trung 7 ngày với hành khách đi máy bay từ TP.HCM đến Nội Bài và lưu trú ở Hà Nội tại các khu cách ly hoặc khách sạn do Hà Nội công bố. Hành khách tự trả các chi phí cách ly và xét nghiệm, sau thời gian cách ly tập trung tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày.
Hành khách từ sân bay Đà Nẵng đến Nội Bài và lưu trú tại Hà Nội thực hiện cách ly tại nơi lưu trú hoặc tại nhà trong thời gian 7 ngày, xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 6 trước khi kết thúc cách ly, tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú hoặc tại nhà 7 ngày tiếp theo.
Theo UBND Hà Nội, thực tiễn tình hình dịch bệnh trên cả nước cơ bản đã giảm, việc Hà Nội áp dụng biện pháp cách ly tập trung 7 ngày đối với khách đi máy bay từ TP.HCM đến Nội Bài và lưu trú ở Hà Nội đã có một số nhận định trái chiều.
Tuy nhiên, đây là biện pháp cần thiết bởi những lý do như: Hà Nội là thủ đô, trung tâm chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; trên địa bàn có nhiều cơ quan Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, trụ sở nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đa quốc gia. Với vị trí quan trọng như vậy, việc bảo vệ an toàn thủ đô trước dịch bệnh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Hà Nội triển khai nghiêm túc theo thông báo số 263/TB-VPCP ngày 8-10 về kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ, ngành và các địa phương về triển khai khôi phục các đường bay nội địa phục vụ hành khách đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Trong đó, Phó thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo, việc khôi phục các đường bay kết nối giữa các tỉnh trong điều kiện hiện nay là rất cần thiết để từng bước phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội cho các địa phương, dần đưa cuộc sống của nhân dân trở lại trạng thái bình thường.
Tuy nhiên, việc phục hồi các tuyến bay cho hành khách và nhân dân đi lại cũng tiềm ẩn phát sinh nguy cơ lây nhiễm, phát tán dịch bệnh, có nguy cơ bùng phát thành các ổ dịch mới, tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp tới phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương, sức khỏe của nhân dân.
Do vậy, yêu cầu đặt ra đối với các cấp, các ngành, các địa phương vừa phải từng bước phục hồi các đường bay, chuyến bay, bảo đảm thận trọng, an toàn, kiểm soát chặt chẽ sự lây lan của dịch bệnh thông qua kiểm soát hành khách tại sân bay đi – đến, trên tàu bay và quá trình di chuyển về các địa phương; đảm bảo các địa phương nắm chắc tình hình và kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, bóc tách kịp thời các ca F0 (nếu có), không để lây lan và bùng phát thành các ổ dịch.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành cũng yêu cầu các địa phương trên toàn quốc thực hiện nghiêm túc quy định tạm thời về phương án triển khai khôi phục các đường bay nội địa phục vụ hành khách do Bộ Giao thông vận tải ban hành.
Chủ động hướng dẫn các cấp, các ngành, đơn vị trên địa bàn thực hiện kiểm soát chặt chẽ người dân, hành khách từ vùng dịch về địa phương mình, tuyệt đối không để bùng phát thành các ổ dịch.
Lý do nữa là thành phố vừa trải qua 3 đợt giãn cách xã hội, tuy đạt được một số kết quả ban đầu nhưng Hà Nội còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm rất cao, trong thời gian qua vẫn tiếp tục xuất hiện một số ca nhiễm trong cộng đồng và tại một số cơ sở y tế trung ương nằm trên địa bàn có nguồn lây từ các địa phương khác, vẫn còn các ca F0 xuất hiện trong cộng đồng.
Vì thế, nhằm bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân, nhất là khi nguy cơ dịch bệnh còn cao, Hà Nội phải triển khai những biện pháp cao hơn các tỉnh, thành khác. Đồng thời, đây cũng là biện pháp để đảm bảo kiểm soát chặt nguy cơ lây lan dịch bệnh trong thời gian thành phố tiếp tục triển khai tiêm vắc xin mũi 2 cho người dân trên địa bàn.
Do đó, Hà Nội vẫn phải áp dụng biện pháp cách ly tập trung 7 ngày đối với người đến thành phố từ vùng dịch lớn. Để chuẩn bị cho việc này, Hà Nội cũng đã giao các sở, ngành rà soát các nhiệm vụ, đảm bảo các điều kiện chu đáo phục vụ người dân cách ly tập trung.
Đặc biệt, Hà Nội cũng đã bố trí 20 khách sạn được thành lập làm cơ sở cách ly y tế tập trung phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi mở lại đường bay với TP.HCM và Đà Nẵng, tạo điều kiện cho những khách có nhu cầu cách ly tại khách sạn theo hình thức tự trả phí, còn lại những người khác sẽ cách ly tại các khu cách ly tập trung của thành phố.
Cùng với đó, Hà Nội cũng triển khai nhanh, hiệu quả 3 nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung toàn quốc trong phòng, chống dịch COVID-19 để phục vụ quản lý, theo dõi, giám sát theo quy định, giúp người dân thuận tiện hơn trong công tác phòng dịch.
Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai phương án vận chuyển hành khách đi cách ly (bao gồm cả cách ly tại các khu cách ly tập trung và cách ly tại nơi cư trú hoặc nhà) và sau cách ly về nơi cư trú; tổ chức giao thông đảm bảo nhu cầu đi lại của hành khách được thông suốt.
Sau thời gian thí điểm, tùy vào tình hình thực tế, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu các phương án đảm bảo thuận tiện nhất cho người dân khi tham gia các đường bay nội địa.
Nguồn: tuoitre.vn