Một người có khả năng bị cao huyết áp nếu bỗng dưng mắt chảy máu, mờ, suy giảm thị lực.
Cao huyết áp là bệnh lý mạn tính gây ra nhiều áp lực cho tim, nguyên nhân của nhiều biến chứng như tai biến mạch máu não, suy tim, bệnh tim mạch vành, nhồi máu cơ tim…
Tỷ lệ người cao huyết áp khá lớn, thường chiếm 20% dân số ở độ tuổi trưởng thành. Ở Việt Nam có khoảng 12 triệu người cao huyết áp.
Huyết áp cao có khả năng gây tử vong nếu không được điều trị. Do đó, người có nguy cơ không chỉ cần đo huyết áp thường xuyên mà còn phải nhận thức được các triệu chứng.
Ảnh minh họa
Ngoài một số biểu hiện hay được nhắc đến như tim đập nhanh, chóng mặt, các bác sĩ còn ghi nhận bất thường ở mắt cũng cảnh báo cao huyết áp.
Bác sĩ Rachel Ward (Anh) cho biết: “Chúng tôi thấy hiện tượng vỡ mạch máu trong mắt ở người cao huyết áp”.
Tiến sĩ Gary Bartlett giải thích: “Huyết áp cao có thể làm vỡ các mạch máu nhỏ, mỏng manh ở đáy mắt”. Điều này gây ra tổn thương cho võng mạc, dẫn tới chảy máu trong mắt, gây mờ mắt, giảm hoặc mất thị lực.
Bác sĩ có thể phát hiện các dấu hiệu ban đầu của huyết áp cao và tiểu đường chỉ bằng cách nhìn vào đáy mắt của bạn.
Các triệu chứng khác của cao huyết áp
Cao huyết áp xảy ra khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao.
Một trong những vấn đề lớn nhất của tình trạng này là hầu hết dấu hiệu bệnh đều khá mờ nhạt. Bởi vậy, cao huyết áp thường được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”.
Một số triệu chứng phổ biến nhất được ghi nhận ở các bệnh nhân bao gồm chóng mặt, cảm giác đập thình thịch ở ngực hoặc đầu, khó thở, nhức đầu và trong một số trường hợp, chảy máu cam.
Một số yếu tố chính có thể dẫn đến huyết áp cao bao gồm tuổi tác, thừa cân hoặc béo phì, tiền sử gia đình bị tăng huyết áp và trầm cảm.
Kiểm soát bệnh như thế nào?
Theo Tiến sĩ Bartlett, điều trị tăng huyết áp bắt đầu bằng quá trình thay đổi lối sống. Các việc cần làm là “giảm cân nếu thừa cân, tăng cường tập thể dục hằng ngày, ngủ đủ giấc, giảm muối trong chế độ ăn, ngừng hút thuốc, giảm uống rượu và giảm mức độ căng thẳng.
Tiến sĩ Ward chỉ ra: “Đối với một số người, điều này có thể đủ để đưa huyết áp về mức bình thường và không phải dùng thuốc”.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cần những biện pháp bổ sung để đưa huyết áp xuống mức bình thường. Đôi khi, người bệnh phải dùng thuốc để giảm huyết áp.
Khi sang tuổi 40, bạn nên thường xuyên đi khám định kỳ để phát hiện các dấu hiệu ban đầu của cao huyết áp cũng như bệnh liên quan thận, tim, tiểu đường loại hai hoặc chứng sa sút trí tuệ.
Nguồn: vietnamnet