Với khoản nợ khổng lồ hơn 300 tỷ USD, sự kiện Evergrande đang được các nhà đầu tư quan tâm: Liệu rằng vụ Evergrande sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam?

Ảnh hưởng gián tiếp

Phân tích nguy cơ sụp đổ của Evergrande, tại Talkshow “Nhìn từ vụ Evergrande đến tương lai thị trường bất động sản Việt Nam”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, cho rằng, Evergrande có sụp đổ không ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản Việt Nam mà có thể chỉ ảnh hưởng gián tiếp.

Trong trường hợp các nhà thầu của Evergrande, nếu đồng thời là nhà thầu cho các dự án ở Việt Nam, khi “bom nợ” Evergrande bị vỡ, thì không còn tiền để trả cho các nhà thầu. Khi đó, các nhà thầu cũng không còn tiền để cung cấp nguyên vật liệu cho Việt Nam và đây cũng là ảnh hưởng gián tiếp chứ không trực tiếp. Theo ông Hiếu, Evergrande đứng trước nguy cơ phá sản là bài học rất lớn cho các nhà kinh doanh bất động sản tại Việt Nam trong việc phát hành trái phiếu.

Đồng quan điểm, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế – tài chính, nhận định thị trường bất động sản Việt Nam sẽ không hề chịu tác động trước “quả bom nợ” Evergrande.

Bom nợ Evergrande và nỗi lo tiềm ẩn ở Việt Nam
Quan điểm của các chuyên gia về bất động sản Việt Nam từ vụ Evergrande

Theo ông Hiển, cả hai nước đều có những sự “chống lưng” và những sự lo ngại về thị trường bất động sản bởi đây là một ngành tăng nóng. Việc này sẽ tạo ra sự bất hợp lý khi giá quá cao tạo ra thị trường ảo. Cách thức phát triển của các công ty bất động sản hai nước đều chủ yếu dựa trên vốn vay từ ngân hàng và vay từ trái phiếu.

Việt Nam trong giai đoạn 2020-2021 phát hành trái phiếu ở các công ty bất động sản rất lớn. Một điểm tương đồng với Trung Quốc nữa là Việt Nam bán nhà hình thành từ tương lai trong khi không có những quỹ đầu tư tài chính bền vững, có nguồn vốn lớn và lâu dài.

Ngoài ra, theo ông Hiển, Việt Nam không có những công ty bất động sản huy động trái phiếu quốc tế nhiều như các công ty Trung Quốc. Về huy động nội địa phải tách ra hai khoản, là huy động từ ngân hàng thương mại và huy động từ nhà đầu tư. Khi ngân hàng cho vay phải đảm bảo và Chính phủ phải giải quyết việc đó.

Theo quan sát GDP Việt Nam giai đoạn 2016-2021, tăng trưởng tín dụng thấp hơn GDP, tức là Việt Nam đã phát triển rất mạnh việc sản xuất và xuất khẩu, do đó hoạt động của nền kinh tế không còn thâm dụng vốn trong việc đầu tư bất động sản trong các năm trước. Do đó, mặc dù  có những mối lo ngại về nợ của các công ty bất động sản Việt Nam, nhưng vẫn trong sự giám sát của NHNN.

Bài học từ Evergrande

Theo các chuyên gia, câu chuyện sụp đổ của Evergrande là bài học cho Việt Nam. TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tại ngân hàng đã bị rút ngắn lại, trước đây là 40% nhưng nay chỉ còn 37%. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kéo tỷ lệ này xuống để các ngân hàng không dùng quá nhiều vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Đây là một điều cần quan tâm. Thời gian sắp tới sẽ có lộ trình kéo xuống 30%.

Bom nợ Evergrande và nỗi lo tiềm ẩn ở Việt Nam
Đề xuất sửa luật tháo gỡ ách tắc lớn trên thị trường bất động sản

Về vấn đề pháp lý, Việt Nam giống Trung Quốc ở điểm là cho phép các nhà kinh doanh bất động sản huy động vốn bởi người dân. Họ huy động bằng cách gọi mời các nhà đầu tư đóng tiền mặt. Hiện tại, ở Trung Quốc có hàng triệu người đang đóng cọc theo kiểu vậy và với hy vọng khi dự án hoàn thành, Evergrande sẽ giao hàng đúng tiến độ và sẽ trả tiền lại cho người dân. Do đó, rất nhiều người dân ở Trung Quốc rất lo lắng và Việt Nam cũng tương tự vậy.

“Chính vì thế, Luật sửa đổi mới đây đưa ra các quy định phải có bảo lãnh của ngân hàng. Nếu công ty bất động sản ko trả tiền cho người dân thì ngân hàng đứng ra bảo lãnh sẽ trả cho người dân. Tôi không biết hiện bao nhiêu ngân hàng bảo lãnh cho các công ty bất động sản, bao nhiêu bảo lãnh được tranh chấp?” ông Hiếu băn khoăn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo: “Bất động sản ở Việt Nam cũng tương tự như Trung Quốc. Các doanh nghiệp cũng có thể huy động vốn từ người dân theo hình thức bán bất động sản hình thành trong tương lai và khách hàng đóng tiền theo tiến độ xây dựng. Nếu doanh nghiệp bất động sản vỡ nợ, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế, các chủ nợ và khách hàng đã bỏ tiền vào dự án. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần rút ra bài học từ vụ việc này”, ông Hiếu nói.

Ông Hiếu kiến nghị  Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước,… phải tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra tất cả trái phiếu được phát hành bởi các doanh nghiệp bất động sản, ngăn chặn kịp thời những doanh nghiệp không có thực lực, không đủ năng lực tài chính phát hành trái phiếu. Nếu Việt Nam có một vài doanh nghiệp rơi vào tình trạng như Evergrande có thể sẽ tạo ra phản ứng dây chuyền rất nguy hiểm cho cả thị trường.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : doanh nghiệp bất động sảnEvergrandeTập Đoàn Evergrandethị trường bất động sản

Các tin liên quan đến bài viết