Khi các cá nhân, doanh nghiệp quen với hoạt động và vận hành trong bối cảnh tồn tại SARS-CoV-2, diện mạo xã hội ‘bình thường mới’ sẽ dần hình thành.
TP.HCM đang nới dần giãn cách để thích ứng an toàn với dịch COVID-19, từng bước phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội với hai mục tiêu phải hướng tới là phòng chống dịch đảm bảo sức khỏe, sinh mạng người dân và từng bước khôi phục, phát triển kinh tế – xã hội an toàn, hiệu quả.
Quá trình theo đuổi và cân bằng hai mục tiêu này sẽ đối diện nhiều rủi ro. Rõ nhất là khi mở cửa, số ca nhiễm có thể tăng, dù tiêm đủ vắc xin. Không kiểm soát được lây nhiễm và lường được khả năng chữa trị của hệ thống y tế, có siết chặt lại e cũng không kịp. Bởi số ca trở nặng, thậm chí tử vong sẽ tăng sau 2-3 tuần khi số ca bệnh tăng, điều này xảy ra sẽ tác động đến tâm lý xã hội.
Để hạn chế thấp nhất tình huống xấu, phải chủ động quản lý rủi ro ở cả ba cấp: cá nhân, tổ chức và toàn xã hội.
Ở cấp độ cá nhân (người dân, hộ gia đình) nếu có chuẩn bị và nhận thức đúng sẽ giảm bớt sợ hãi, tâm lý bất an khi mình hay gia đình bị nhiễm, hay nghi nhiễm. Vì vậy, cần tiếp tục cung cấp thông tin chính xác, minh bạch, kịp thời về tình hình và giải pháp chống dịch.
Người dân khi tiếp nhận thông tin nên nghiền ngẫm, thấm sâu để có thói quen tự bảo vệ bản thân mọi lúc mọi nơi khi sống chung SARS-CoV-2.
Với tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, hộ kinh doanh… nên dựa vào hướng dẫn từ chính quyền TP, chủ động tổ chức lại quy trình, cách vận hành sản xuất kinh doanh để không phải rơi vào cảnh đóng cửa hay đứt gãy kinh doanh nếu có ca nhiễm.
Các bộ chỉ số an toàn do TP đề xuất là “khung tĩnh”, thực tế và thực tiễn của từng doanh nghiệp là “hoa tiêu động”, có thế mới tạo nên sự linh hoạt trong ứng xử đa dạng như xử lý ca nhiễm xét nghiệm… thích nghi với tình hình mới.
Ở cấp độ xã hội, rủi ro về y tế, dịch tễ và kinh tế – xã hội liên kết mật thiết với nhau, đòi hỏi chính quyền phải có trung tâm kiểm soát và phục hồi kinh tế. Phải dựng được bức tranh tổng thể thực hiện các chỉ tiêu đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động phòng chống dịch (tiêm chủng, xét nghiệm, cấp độ dịch, chăm sóc F0…), và tiến độ phục hồi kinh tế ở giai đoạn “mở từ từ” dựa trên các tiêu chí và hướng dẫn của Chính phủ và bộ chuyên ngành. Có thế mới tạo thành hệ thống dữ liệu để phân tích, đánh giá và hoạch định các kịch bản mở cửa kế tiếp.
Khi triển khai trong thực tiễn, ba cấp độ quản lý rủi ro này tương tác mật thiết với nhau. Dựa vào các dữ liệu công dân, Nhà nước đưa ra các kế hoạch hướng dẫn để doanh nghiệp và người dân có thể tự quản lý rủi ro để thích nghi. Ngược lại, doanh nghiệp và người dân cung cấp các mô hình thích ứng an toàn với dịch bệnh, góp phần làm rõ, phản biện và hoàn chỉnh các chính sách chưa phù hợp.
Khi các “tế bào” là cá nhân, doanh nghiệp quen với hoạt động và vận hành trong bối cảnh tồn tại SARS-CoV-2, diện mạo xã hội “bình thường mới” sẽ dần hình thành.
Các “tế bào” này phải gắn kết, chia sẻ thông tin và nguồn lực, bọc lót cho nhau để tạo ra nhiều tầng nấc “phòng thủ” hữu hiệu và tạo “tâm thế” vững chãi trước những làn sóng dịch bệnh mới có thể xảy ra. Mở cửa từ từ, tất cả chỉ là bắt đầu, chắc chắn phải dò dẫm, từng bước thử nghiệm, đánh giá lợi – hại, được – mất để điều chỉnh phù hợp.
Nguồn: tuoitre.vn