Ca tử vong liên tục giảm sâu, bệnh nhân xuất viện đã nhiều hơn số bệnh nhân nhập viện, 7 địa phương đã kiểm soát được dịch, nhiều công trình xây dựng, dự án giao thông đã và đang khởi động trở lại…là những tín hiệu lạc quan từ TP.HCM.
7 địa phương đã kiểm soát được dịch
Chiều 28/9, tại buổi họp báo, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM Phạm Đức Hải đã thông tin một số kết quả khả quan cho thấy tín hiệu vui từ công tác chống dịch của TP.
Lãnh đạo TP.HCM tham dự lễ tái khởi công các công trình xây dựng tại TP Thủ Đức, một trong 7 địa phương đã kiểm soát được dịch |
Cụ thể, theo ông Hải, ngày 27/9, TP.HCM có 2.674 bệnh nhân nhập viện, 3.131 bệnh nhân xuất viện. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp, số bệnh nhân nhập viện thấp hơn số xuất viện. Số bệnh nhân đang thở máy liên tục giảm từ ngày 6/9 tới nay, hiện chỉ còn 1.793 ca. 22 bệnh nhân đang phải can thiệp ECMO.
Đặc biệt, ca tử vong đã liên tục giảm sâu trong hai tuần TP tăng cường giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tăng cường. Cụ thể, ngày 22/8, TP có 340 ca tử vong, đến ngày 27/9 chỉ còn 131 ca, giảm 209 ca.
Tín hiệu vui nhất, theo ông Hải, quận Gò Vấp và Phú Nhuận vừa có báo cáo đánh giá đạt bộ tiêu chí 3979 của Bộ Y tế về kiểm soát dịch. Như vậy, đến nay, TP.HCM có 7 địa bàn kiểm soát được dịch, gồm huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, quận 7, Gò Vấp, Phú Nhuận và TP Thủ Đức.
Ngoài ra, Ban Quản lý đầu tư, xây dựng các công trình giao thông có thông báo tiếp tục thi công 22 dự án giao thông sau ngày 1/10.
“Đây là những tín hiệu lạc quan cho thấy các cơ quan, đơn vị đã chuẩn bị tốt để đáp ứng các bộ tiêu chí an toàn và khởi công các công trình. Như vậy sẽ có thêm nhiều việc làm, góp phần giải ngân vốn đầu tư công để phục hồi, tăng trưởng kinh tế”, ông Hải chia sẻ.
Trước đó, ngày 23/9, TP Thủ Đức đã cho phép tái khởi động 4 dự án là công trình xây dựng nhà ở (thuộc phường Phú Hữu), khu đô thị Sài Gòn Bình An, khu phức hợp Sóng Việt (Khu đô thị Thủ Thiêm) và Trường Mầm non Phước Long B.
Đây là một trong những động thái mà TP.HCM đang thí điểm mở cửa trong lĩnh vực xây dựng tại các “vùng xanh”.
Tiêm hơn 9,7 triệu mũi vắc xin
Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc HCDC cho biết, đến nay TP.HCM đã tiêm 100% mũi 1 cho người trên 50 tuổi và mũi 2 đạt tỷ lệ 48,5%.
TP.HCM đã tiêm hơn 9,7 triệu mũi vắc xin cho người dân |
Cụ thể hơn, tính đến ngày 27/9, TP.HCM đã tiêm hơn 9,7 triệu mũi vắc xin, trong đó tổng số mũi 1 là 6.824.718 mũi 2 là 2.953.122, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là hơn 1,1 triệu người.
Bên cạnh đó, theo Ủy ban MTTQ TP.HCM, tính đến nay, Trung tâm an sinh đã chuyển về các địa phương hơn 2 triệu túi an sinh để hỗ trợ đến tay người dân gặp khó khăn vì dịch Covid-19.
Qua rà soát lại, TP có hơn 4 triệu hộ gặp khó khăn. Do đó, Trung tâm an sinh đang tiếp tục vận động, chuẩn bị thêm 2 triệu túi an sinh để hỗ trợ người dân trong thời gian tiếp tục giãn cách xã hội.
Riêng đại diện Sở LĐ-TB&XH cho biết, TP đang chỉ đạo các địa phương rà soát lần cuối danh sách người khó khăn để triển khai gói hỗ trợ đợt 3.
Theo đó, có hơn 7,3 triệu người sẽ được hỗ trợ trong đợt này, với mức 1 triệu đồng người, với tinh thần ai khó khăn đều được hỗ trợ, không phân biệt thường trú hay tạm trú.
Không để người dân tự phát về quê sau 30/9
Chiều 28/9, tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các tỉnh miền Nam và Tây Nguyên đề xuất Chính phủ có chỉ thị yêu cầu TP.HCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai không để người dân tự phát về quê sau 30/9.
TP.HCM và các tỉnh lân cận yêu cầu người dân không tự phát về quê |
Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo bốn địa phương, gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An cho biết đã từng bước kiểm soát dịch bệnh và dần mở lại hoạt động sản xuất nhờ sự giúp đỡ của các tỉnh, thành và sự chi viện của Trung ương, cũng như nỗ lực của từng địa phương.
Sau ngày 30/9, khi từng bước mở lại hoạt động sản xuất an toàn, sẽ tính đến việc đón một lượng công nhân trở lại làm việc nên cần sự phối hợp và tạo điều kiện lẫn nhau. Vì vậy, bốn địa phương mong muốn được đón công nhân trở lại làm việc.
Các địa phương này cũng mong muốn người dân tiếp tục ở lại, không tự phát về quê; cam kết đảm bảo an sinh, tiêm vắc xin và nỗ lực để sớm khôi phục sản xuất, đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường.
Bốn địa phương TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An cũng cho biết, tỉ lệ tiêm vắc xin cao, khi mở cửa trở lại sản xuất thì tạo điều kiện cho người dân có thể đi lại trong khu vực.
Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tại TP.HCM đánh giá, thời gian qua, các tỉnh hỗ trợ rất tốt cho công tác phòng, chống dịch ở TP.HCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai.
Thượng tướng Lương cho biết, Tổ công tác sẽ tiếp tục kiến nghị với Thủ tướng dành thêm vắc xin cho các địa phương xung quanh để nhanh chóng tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin, tạo thuận lợi cho hoạt động giao lưu, đi lại của người dân.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo: Giao Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì, phối hợp với Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 nghiên cứu, đề xuất cụ thể, báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.