Trung tâm Y tế huyện Bù Gia Mập (từ tháng 5-2015 đến 8-2016 là Bệnh viện đa khoa Bù Gia Mập) được đầu tư xây dựng khang trang với quy mô 50 giường bệnh, kinh phí hàng chục tỷ đồng, đưa vào sử dụng năm 2015, tạo điều kiện cho người dân trong huyện được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Tuy nhiên, tình trạng thiếu bác sĩ là nguyên nhân chính hạn chế chất lượng khám, chữa bệnh và thu hút bệnh nhân.
9 NĂM THU HÚT… 1 BÁC SĨ CHÍNH QUY
Trung tâm Y tế Bù Gia Mập hiện có 97 cán bộ, công nhân viên chức, người lao động. Trong đó 9 bác sĩ, 1 cử nhân nữ hộ sinh, 2 cử nhân điều dưỡng, số còn lại là y, dược sĩ, điều dưỡng trung học, nữ hộ sinh, nhân viên kỹ thuật, hành chính… Ở tuyến xã gồm 62 cán bộ, nhân viên, trong đó có 8 bác sĩ. Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính Trung tâm Y tế huyện Trần Xuân Chinh cho biết, khi tách huyện Bù Gia Mập, ngoài 2 bác sĩ được điều động, luân chuyển từ nơi khác về, thì từ năm 2009 đến nay trung tâm chỉ thu hút được 1 bác sĩ đa khoa chính quy là bác sĩ Quan Văn Vĩnh, ngụ xã Bù Gia Mập, số còn lại được cử đi đào tạo chuyên tu, tại chức lên. Từ năm 2009 đến nay, trung tâm đã cử đi đào tạo được 12 bác sĩ, 1 dược sĩ đại học và hiện có 7 cán bộ, viên chức đang đi đào tạo.
Trung tâm Y tế huyện Bù Gia Mập được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố nhưng không thu hút được bệnh nhân
Cán bộ, bác sĩ về làm việc ở trung tâm không có chính sách thu hút, chế độ đãi ngộ, thu nhập thấp nên nhiều người xin nghỉ việc hoặc chuyển đi nơi khác. Từ năm 2009 đến nay, có 4 bác sĩ và 1 dược sĩ đại học chuyển đi, trong đó 2 bác sĩ được cử đi đào tạo chuyên khoa ngoại nhưng khi có tay nghề giỏi thì chuyển đi nơi khác thu nhập cao hơn. Năm 2016, trung tâm thông báo tuyển dụng 14 bác sĩ nhưng không nhận được hồ sơ nào. Trong khi không tuyển được bác sĩ, năm 2017 trung tâm tiếp tục có thêm 2 đơn xin nghỉ việc và xin chuyển công tác là bác sĩ đa khoa Quan Văn Vĩnh và bác sĩ chuyên khoa I Lại Kỳ Nam (nguyên giám đốc bệnh viện). Đây là 2 bác sĩ có chuyên môn giỏi ở trung tâm.
Nói về nguyên nhân nghỉ việc, bác sĩ Quan Văn Vĩnh, Trưởng khoa Khám bệnh của trung tâm cho biết: Ngoài không có chính sách đãi ngộ về đất đai như một số cơ quan hành chính khác thì làm việc ở đây thu nhập quá thấp (5 triệu đồng/tháng), không có việc làm thêm ngoài, vì thế đảm bảo cuộc sống bản thân còn khó chứ nói gì đến ổn định cuộc sống gia đình. Mặt khác, do số bệnh nhân đến khám, điều trị quá ít nên khó nâng cao tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ. Trung bình mỗi ngày trung tâm chỉ có từ 30-40 bệnh nhân đến khám, điều trị, với số lượng này chỉ cần làm buổi sáng là hết việc. Cũng theo bác sĩ Vĩnh, trên địa bàn huyện có nhiều bác sĩ đa khoa, chuyên khoa tốt nghiệp hệ chính quy nhưng không về đây công tác mà xin việc ở nơi khác có thu nhập cao hơn.
Ông Trần Xuân Chinh cho biết thêm, bác sĩ Lại Kỳ Nam làm hồ sơ xin chuyển công tác từ lâu nhưng lãnh đạo đơn vị chưa đồng ý, vì nếu bác sĩ Nam chuyển đi thì trung tâm sẽ ngưng hoạt động. Vì để thanh quyết toán được bảo hiểm y tế thì phải có chữ ký của bác sĩ chuyên khoa X-quang (chẩn đoán hình ảnh), mà trung tâm chỉ có bác sĩ Nam trình độ chuyên khoa này.
CẦN CÓ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ
Bác sĩ đa khoa Mai Văn Triều, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: Cơ sở vật chất trung tâm được đầu tư xây dựng khang trang, trang thiết bị đang từng bước mua sắm, trang bị. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là nguồn nhân lực. Hiện đội ngũ hệ cao đẳng, trung cấp cơ bản đáp ứng nhu cầu nhưng bác sĩ thiếu trầm trọng, nhất là bác sĩ chuyên khoa. Đến nay, trung tâm chỉ có 1 bác sĩ chuyên khoa X-quang, còn các bác sĩ chuyên khoa nội, ngoại, sản chưa có. Cũng vì thế mà trung tâm chỉ khám, điều trị các bệnh thông thường và dự phòng, còn những bệnh nặng, nhất là liên quan đến phẫu thuật chưa thực hiện được. Đó cũng là nguyên nhân chính khiến trung tâm không thu hút được bệnh nhân. Hiện chỉ có người dân 2 xã Bù Gia Mập, Đắk Ơ và một phần xã Phú Nghĩa đến khám, điều trị tại trung tâm, còn lại đi nơi khác.
Bác sĩ đa khoa chính quy Quan Văn Vĩnh, Trưởng khoa Khám bệnh của trung tâm, có trình độ chuyên môn giỏi nhưng đã làm đơn xin nghỉ việc vì thu nhập thấp
Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, thu hút bệnh nhân, trung tâm đề ra nhiều giải pháp, như tổ chức sinh hoạt chuyên môn, học tập kinh nghiệm; vệ sinh cơ quan, trồng cây xanh, tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp, thân thiện vào thứ 6 hằng tuần; xây dựng đề án cải tiến chất lượng khám, điều trị bệnh, cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích đội ngũ y, bác sĩ đào tạo nâng cao tay nghề. Đặc biệt, ở đây bác sĩ phải thực hiện nhiều chức năng, làm việc bằng 2, bằng 3 để vừa hoàn thành nhiệm vụ vừa nâng cao tay nghề, như Phó giám đốc kiêm Trưởng phòng nghiệp vụ, khám bệnh, trực cấp cứu, siêu âm; bác sĩ hệ dự phòng, kiểm soát bệnh tật cũng điều động khám bệnh, trực cấp cứu; bác sĩ trực cấp cứu khám sản, nhi, nội khi có bệnh nhân… “Để thu hút được nguồn nhân lực trình độ cao phải có chế độ, chính sách ưu đãi đặc thù. Có như thế họ mới yên tâm công tác, cống hiến. Khi đáp ứng đủ nguồn nhân lực thì mọi thứ đều trở nên dễ dàng” – bác sĩ Mai Văn Triều, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện kiến nghị.
Theo Báo Bình Phước