Một miếng cá tra phi lê xuất khẩu liên quan tới con giống, ao nuôi, thức ăn rồi thu hoạch, chế biến và đem ra cảng. Phải cùng nhau giải cứu con cá tỷ USD này.
Chuỗi sản xuất đứt gãy
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản Trần Đình Luân cho biết, chuỗi ngành hàng cá tra đang bị đứt gãy nghiêm trọng. Cụ thể, sản xuất cá giống, sản lượng thả nuôi và cá tra thương phẩm đều giảm mạnh. So với cùng kỳ năm 2020, tháng 7 năm nay, sản lượng thu hoạch cá tra thương phẩm làm nguyên liệu giảm 20%, sang tháng 8 giảm tới 44%. Nửa đầu tháng 9/2021, sản lượng thu hoạch giảm 77% so với cùng kỳ.
Việc này khiến lượng cá tra tồn đọng rất lớn, giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh, dao động ở mức 21.000-22.000 đồng/kg.
Tính đến đầu tháng 9 có 52/106 nhà máy chế biến cá tra tại An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long phải tạm dừng, số lao động phải nghỉ việc do dịch bệnh khoảng trên 70%. Các nhà máy hoạt động công suất cũng chỉ đạt 30-40%.
Ông Nguyễn Văn Liệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, thông tin, tỉnh này còn tồn 20.000 tấn cá tra thương phẩm. Vĩnh Long lại chỉ có 2 DN sản xuất chế biến cá tra.
Xuất khẩu cá tra trong tháng 8 giảm mạnh |
Kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam 8 tháng năm 2021 chỉ đạt 1,054 tỷ USD, trong đó, tháng 8 đạt 85 triệu USD, giảm 31% so với tháng 7/2021.
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thuỷ sản, tháng 9, dự kiến kim ngạch xuất khẩu cá tra cũng giảm như tháng 8.
Ông nhận định, chuỗi ngành hàng cá tra đã đuối sức. Doanh nghiệp (DN) đang gặp rất nhiều khó khăn do chi phí sản xuất đội lên cao, vật tư đầu vào, giá ước vận tải đều tăng mạnh. Đặc biệt, DN thiếu nguyên liệu chế biến, thiếu lao động để duy trì sản xuất và tăng công suất.
“Giờ là cuối tháng 9, nếu không phục hồi khẩn cấp sẽ không kịp phục vụ đơn hàng cuối năm”, ông nói.
Bà Tô Thị Tường Lan – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thừa nhận, nhiều DN có nguy cơ không thể trả các đơn hàng, đồng thời không dám nhận đơn hàng mới cho dịp cuối năm và đầu năm 2022.
Đáng nói, các hộ đã ngưng thả giống 2 tháng nay. Do đó, cuối năm nay và đầu 2022 có thể sẽ thiếu giống cá tra, dẫn đến thiếu nguyên liệu cục bộ.
Linh hoạt để giải cứu
Bà Tô Thị Tường Lan cho rằng, cần thay thế phương án “3 tại chỗ” bằng những phương án hiệu quả hơn, giảm chi phí và tạo sự an toàn, an tâm cho người lao động làm việc. Đồng thời, cho phép các nhà máy có số lượng tiêm mũi hai vắc xin trên 60%, có năng lực quản lý kiếm soát dịch tốt trong 3 tháng qua và điều kiện nhà xưởng đảm bảo quy định của Bộ Y tế được mở rộng quy mô tối đa.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong các tỉnh chỉ đạo linh hoạt để sản xuất cá tra có thể phục hồi |
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn kiến nghị, cần có chính sách để con cá tra vượt qua ranh giới các tỉnh. Các tỉnh nuôi và chế biến cá tra phải có tuyên bố chung cho công nhận công đoàn đã và đang thực hiện “3 tại chỗ” và cấp “thẻ xanh công đoàn thu hoạch cá tra liên tỉnh”.. Từ đó, tiến tới cấp “thẻ xanh công nhân” liên tỉnh.
Theo bà Khanh, nếu chúng ta giải quyết được những khó khăn trên thì doanh nghiệp sẽ chớp được thời cơ để phục hồi sản xuất, duy trì được tăng trưởng của ngành.
Tại Hội nghị “Giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội” chiều 25/9, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ tin nhắn ông nhận được về việc “con cá tra đuối sức quá rồi”. Khi đó, ông có trả lời vui rằng, kêu trời trời không thấu vì ở rất xa, còn chúng ta đang ở rất gần nhau nên hãy ngồi lại cùng nhau tìm ra không gian phát triển.
“Nếu các tỉnh tách rời hai mục tiêu, chú trọng chống dịch mà bỏ qua kinh tế và ngược lại thì rất dễ. Cái khó là phải dung hoà hai mục tiêu này mà vẫn đảm bảo an toàn. Chữ linh hoạt mới là cửa sống của chúng ta hiện nay”, Bộ trưởng nói.
Theo ông Hoan, nhiều khi khe cửa rất hẹp, nhưng biết ngồi lại với nhau tìm giải pháp thì sẽ mở toang được cánh cửa. Đây là thời điểm chúng ta phải liên kết vùng, trong đó tính tới phát triển không gian kinh tế vùng. Từ đó, thay đổi tư duy để 13 tỉnh ĐBSCL trở thành một thực thể kinh tế chứ không phải 13 thực thể hành chính như hiện nay.
“Một miếng cá tra phi lê xuất khẩu liên quan tới rất nhiều vùng: từ vùng làm giống tới ao nuôi, thức ăn rồi thu hoạch, chế biến, chở ra cảng để xuất khẩu. Nếu không có liên kết vùng thì không thể làm được”, ông nói và nhấn mạnh, Bộ NN-PTNT sẽ tạm thời giữ vai trò kết nối để 13 tỉnh ĐBSCL thành một thực thể kinh tế.
Bộ trưởng cũng cho rằng, các DN chế biến phải tính toán, lên được kế hoạch sản xuất trong hoàn cảnh bình thường mới, bởi chúng ta sẽ phải sống chung với dịch.
Nguồn: vietnamnet